Kết quả phát triển ngành nông nghiệp của tỉnh sau 03 năm (2016 - 2018) thực hiện

Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lần thứ XVI, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020, Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp tỉnh Tuyên Quang theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, thời gian qua, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đạt được một số kết quả quan trọng, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh.

Kinh tế nông nghiệp và phát triển nông thôn của tỉnh giai đoạn 2016 - 2018 tiếp tục duy trì mức tăng trưởng khá. Sản xuất từng bước chuyền dịch theo hướng hàng hóa, tạo ra các vùng chuyên canh cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến đáp ứng nhu cầu thị trường và đảm bảo vững chắc an ninh lương thực; các vùng chuyên canh tập trung tiếp tục được duy trì và mở rộng, góp phần đảm bảo tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Cụ thể:


Trưng bày sản phẩm cam sành tại Hội chợ cam sành Hàm Yên lần thứ nhất

- Về trồng trọt: Thực hiện phương châm sản xuất vừa đảm bảo an ninh lương thực vừa đẩy mạnh sản xuất hàng hóa; sản xuất lương thực trong những nămgần đây được duy trì ổn định, sản lượng lương thực hàng năm đạt trên 33 vạn tấn, đảm bảo an ninh lương thực trên toàn tỉnh, đạt mục tiêu Nghị quyết đại hội; một số chỉ tiêu cây trồng chính đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch như: diện tích, năng suất cây lúa, ngô, cam, bưởi. Công tác chỉ đạo sản xuất được triển khai đồng bộ, chặt chẽ theo mùa vụ; các đơn vị chuyên môn tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất, chuyển đổi cơ cấu giống, tổ chức sản xuất theo khung thời vụ tốt nhất. Kịp thời ban hành các văn bản, chỉ đạo các tổ công tác, phối hợp với các địa phương và các ngành có liên quan kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn, chỉ đạo sản xuất nông, lâm nghiệp, công tác phòng chống rét đảm bảo kịp thời, hiệu quả.

- Về chăn nuôi: Tình hình chăn nuôi của tỉnh ổn định, không xảy ra dịch bệnh lớn trên đàn gia súc, gia cầm; chăn nuôi có những chuyển dịch rõ rệt từ tự cung, tự cấp sang chăn nuôi tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa, với quy mô lớn. Toàn tỉnh có 13 hợp tác xã và 245 trang trại chăn nuôi, 117 tổ hợp tác chăn nuôi; tốc độ phát triển đàn bò, đàn gia cầm, sản lượng thịt hơi tăng đều qua các năm do dịch bệnh được kiểm soátvà giá bán ổn định; sản lượng thịt hơi năm 2016 đạt 62,7 nghìn tấn, dự ước năm 2018 đạt 69,4 nghìn tấn, bình quân giai đoạn 2016 - 2018 tăng 5,3%/năm; duy trì và phát triển đàn bò sữa với quy mô phù họp, sản lượng sữa năm 2016 đạt 12.995 tấn, dự ước năm 2018 là 18.000 tấn, tăng 12% so với năm 2015.

- Về thủy sản: Chuyển dịch mạnh sang nuôi cá đặc sản hàng hóa bằng lồng trên sông, hồ thủy điện, từ đó góp phần đưa sản lượng nuôi trồng và đánh bắt thủy sản dự ước năm 2018 đạt 7.543 tấn, diện tích 11.288 ha (tăng 679 tẩn so với năm 2016) bình quân giai đoạn 2016 - 2018 tăng 4,8%/năm. Bước đầu sản xuất thành công một số giống cá đặc sản bằng phương pháp nhân tạo (cá Lăng Chấm và cá Chiên). Hiện có 02 cơ sở nuôi trồng thủy sản thực hiện kiểm soát theo chuỗi, được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa vào danh sách địa chỉ xanh cung cấp thực phẩm sạch. Sản phẩm cá Lăng được bình chọn là Thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam.

- Về lâm nghiệp: Thực hiện điều chỉnh quy hoạch phát triển lâm nghiệp quy hoạch phân 3 loại rừng: Tổng diện tích đất lâm nghiệp 448.680 ha (cơ cấu: Rừng đặc dụng 10,5%, rừng phòng hộ 27,1%, rừng sản xuất 62, 4%); Diện tích rừng hiện có 419.877 ha, tỷ lệ che phủ rừng 64,9%. Giai đoạn 2016 - 2018, trồng rừng tập trung toàn tỉnh ước đạt 34.141 ha (bình quân mỗi năm trồng trên 11.300 ha rừng), đạt 64,4%. Khai thác rừng trồng mỗi năm đạt trên 8.000 ha, tổng sản lượng gỗ giai đoạn 2016 - 2018 ước đạt trên 2.401,4 nghìn m3, đạt 58%.


Nhà văn hóa thôn Bình Ca 1, xã Tứ Quận, huyện Yên Sơn được xây dựng theo Nghị quyết 03

Tích cực cải thiện môi trường đầu tư, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, trong đó có lâm nghiệp đã thu hút đầu tư 05 nhà máy chế biến lâm sản; phát triển hợp tác liên kết trồng rừng sản xuất nguyên liệu (có trên 90% diện tích rừng của các công ty lâm nghiệp liên doanh với hộ gia đình). Cấp chứng chỉ rừng theo tiêu chuẩn FSC diện tích 18.217,36 ha. Công tác quản lý, bảo vệ rừng, triển khai thực hiện có hiệu quả chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng theo quy định, góp phần tăng nguồn lực đầu tư cho công tác bảo vệ và pháttriển rừng của tỉnh.

- Thực hiện xây dựng nông thôn mới: Tổ chức thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết, cơ chế chính sách hỗ trợ thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020; xây dựng Kế hoạch tổ chức thực hiện Phong trào thi đua “Tuyên Quang chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2017 - 2020 ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Huy động lồng ghép các nguồn vốn, sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho xây dựng nông thôn mới: Kết quả đến hết năm 2018, toàn tỉnh có 29 xã đạt chuẩn nông thôn mới, tăng thêm 19 xã so với năm 2015. Bình quân chung các xã toàn tỉnh đạt 13 tiêu chí/xã (tăng 3,1 tiêu chí/xã so với năm 2015).

- Chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn: Giai đoạn 2016 - 2018, đã hoàn thành đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng 14 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung nông thôn; tổ chức bàn giao đơn vị quản lý vận hành, sử dụng 98 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung nông thôn, tỷ lệ dân cư nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh năm 2016 là 78%, dự ước đến năm 2018 là 86%.

- Công tác quản lý, khai thác công trình thủy lợi và phòng chống lụt bão, giảm nhẹ thiên tai: Hiện nay, toàn tỉnh có 2.998 đầu điểm công trình thủy lợi (trong đó số công trình kiên cố chiếm 50,53%); tổng chiều dài hệ thống kênh tưới (kênh đã kiên cố chiếm 64,8%). Từ năm 2016 đến nay, toàn tỉnh đã kiên cố hóa được trên 570 km kênh mương đạt 57,3% so với mục tiêu kế hoạch trong đó dự kiến hết năm 2018 hỗ trợ theo Nghị quyết số 03/2016/NQ-HĐND ngày 13/7/2016 của HHĐND tỉnh là 509 km. Giai đoạn 2016-2018, diện tích lúa được tưới bằng công trình thuỷ lợi trên 36.106 ha đạt trên 80% diện tích kế hoạch. Xây dụng và thực hiện có hiệu quả Phương án phòng chống lụt bão: theo dõi nắm bắt thông tin về khí tượng, thủy văn được thực hiện thương xuyên; kiểm tra khắc phục các công trình thủy lợi, hồ đập, hệ thống đê, cống dưới đê đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ; công tác thường trực phòng chống lụt bão đảm bảo duy trì hoạt động hiệu quả.

- Chương trình ổn định dân cư: Hoàn thành Quy hoạch tổng thể bố trí dân cư các vùng thiên tai, đặc biệt khó khăn, di cư tự do, khu vực rừng đặc dụng trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đến năm 2020, định hướng đền năm 2025. Đã thực hiện di chuyển 300 hộ/315 hộ ra khỏi vùng thiên tai nguy hiểm trong kế hoạch 2016-2018, đạt 95%, dự ước đến cuối năm 2018 hoàn thành 100% kế hoạch.

- Thực hiện đổi mới các hình thức tổ chức sản xuất gắn với các hoạt động xúc tiến thương mại, tăng cường thu hút hợp tác đầu tư: Thực hiện sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động 5 công ty lâm nghiệp (cổ phần hóa cho 01 công ty, chuyển đổi 04 công ty thành công ty TNHH hai thành viên); thực hiện củng cố các Hợp tác xã nông, lâm nghiệp và phát triển mạnh các loại hình kinh tế trang trại (đã tiến hành củng chuyển đổi hoạt động theo Luật được 214 HTX, có 716 trang trại), thành lập Hội Nông nghiệp hữu cơ tỉnh Tuyên Quang với trên 70 hội viên chính thức. Toàn tỉnh hiện có 37 sản phẩm được cấp nhãn hiệu hàng hóa. Hiện nay một số nông sản đã có thương hiệu, đang từng bước khẳng định thương hiệu và chiếm lĩnh thị trường tiêu thụ như: Chè Bát Tiên Mỹ bằng, mật ong Tuyên Quang được “Tôn vinh sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu năm 2017”; cá lăng, chè đặc sản Vĩnh Tân được bình chọn danh hiệu “Thương hiệu vàng Nông nghiệp Việt Nam năm 2017”; bưởi Xuân Vân đứng TOP 10 Thương hiệu - Nhãn hiệu nổi tiếng năm 2018.

Việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và thu hút đầu tư cho lĩnh vực nông, lâm nghiệp được tỉnh quan tâm. Đã mời gọi, thu hút đầu tư 24 dự án phát triển sản xuất chế biến nông lâm sản, với tổng số vốn cam kết trên 5.766 tỷ đồng, trong đó một số nhà đầu tư lớn, như: Công ty cổ phần tập đoàn DABACO Việt Nam, Công ty Cổ phần Woodsland, Công ty TNHH Trường Thọ Việt Nam, Công ty Cổ phần Hồ Toản, Công ty Cổ phần Tập đoàn TH.

- Thực hiện các chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn: Tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ sản xuất hàng hóa đối với một số cây trồng, vật nuôi và chính sách khuyến khích phát triển kinh tế trang trại trên địa bàn tỉnh, tạo nguồn vốn cho nhiều hộ dân phát triển sản xuất (ngân hàng đã giải ngân cho vay được 322,5 tỷ đồng; ngân sách nhà nước đã hỗ trợ cho hộ gia đình, chủ trang trại được 15,890 tỷ đồng); thực hiện chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết số 03/2016/NQ-HĐND ngày 13/7/2016 của HĐND tỉnh (đã thi công lắp đặt 388/505,8km kênh mương bằng cấu kiện bê tông thành mỏng đúc sẵn đạt 76,7% kế hoạch; hoàn thành 243,58/257,3km đường giao thông nội đồng đạt 94,6% kế hoạch; hoàn thành và đưa vào sử dụng 338 nhà văn hóa thôn, bản, tổ dân phố đạt 77% kế hoạch).

Với những kết quả đã đạt được, có thể khẳng định các chỉ tiêu thuộc lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thông thôn sẽ hoàn thành kế hoạch đề ra theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lần thứ XVI, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020, Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp tỉnh Tuyên Quang theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Thu Hương/VPĐP NTM

Tin cùng chuyên mục