Kế hoạch thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021-2025.

Ngày 02 tháng 6 năm 2021, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch số 90/KH-UBND về kế hoạch thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021-2025 (viết tắt là Chương trình OCOP).

Vùng chè Shan tuyết xã Hồng Thái (Na Hang) với sản phẩm OCOP năm 2020 - Chè Shan Tuyết Hồng Thái Lộc Trà

Theo Kế hoạch số 90/KH-UBND, tỉnh Tuyên Quang xác định mục tiêu phấn đấu đến năm 2025: Tổng số sản phẩm OCOP toàn tỉnh trên 230 sản phẩm; 138/138 xã, phường, thị trấn có sản phẩm tham gia Chương trình OCOP đạt hạng 3 sao trở lên. Tiêu chuẩn hoá 44 sản phẩm đã xếp hạng năm 2020 từ hạng 3 sao lên hạng 4 sao, 5 sao.  Tiêu chuẩn hoá 10 sản phẩm tiềm năng 5 sao, lập hồ sơ trình Hội đồng đánh giá, phân hạng cấp Quốc gia, trong đó phấn đấu đến hết năm 2025 có ít nhất 07 sản phẩm OCOP đạt hạng 5 sao (mỗi huyện, thành phố đều có ít nhất 01 sản phẩm hạng 5 sao). Tiêu chuẩn hoá, tổ chức đánh giá, phân hạng mới 209 sản phẩm tham gia Chương trình OCOP, trong đó có ít nhất 150 sản phẩm đạt hạng 3 sao trở lên. Thực hiện hiệu quả hệ thống cơ sở dữ liệu Chương trình OCOP nhằm hỗ trợ tích cực công tác quản lý Nhà nước và kết nối thông tin, xúc tiến thương mại các sản phẩm OCOP của tỉnh.

Cũng theo nội dung Kế hoạch số 90/KH-UBND: Chương trình OCOP được xác định là Chương trình phát triển kinh tế quan trọng ở khu vực nông thôn, thúc đẩy phát triển sản xuất gắn với việc phát triển sản phẩm hàng hóa nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương; thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn theo hướng phát triển nội sinh và gia tăng giá trị, nâng cao thu nhập cho cộng đồng dân cư, góp phần hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh. Các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân huyện, thành phố và các xã, phường, thị trấn cần ưu tiên đưa nội dung triển khai Chương trình OCOP vào Chương trình công tác trọng tâm hàng năm của đơn vị để chủ động thực hiện có hiệu quả Chương trình. Tạo điều kiện môi trường thuận lợi, hỗ trợ cho các chủ thể tham gia Chương trình OCOP phát triển sản xuất, kinh doanh, xây dựng thương hiệu, đồng thời thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn mở rộng quy mô phát triển sản xuất, chế biến theo quy trình tiêu chuẩn quốc gia và tiêu chuẩn quốc tế, hướng tới xuất khẩu.

Chương trình OCOP tỉnh Tuyên Quang đặt ra 04 nội dung nhiệm vụ trọng tâm: (1) Tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn chuyên sâu cho đội ngũ cán bộ, công chức quản lý các cấp và các chủ thể sản phẩm OCOP; (2) Phát triển nâng cao chất lượng sản phẩm, tiêu chuẩn hoá và đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP; (3) Xúc tiến thương mại và hội nhập Quốc tế; (4) Xây dựng  08 Dự án điểm thực hiện Chương trình OCOP.

Để tổ chức thực hiện theo nội dung, mục tiêu đã đề ra, Chương trình OCOP tỉnh Tuyên Quang xác định một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu: Thực hiện tốt việc tuyên truyền nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ quản lý các cấp, các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, các hộ sản xuất về Chương trình OCOP. Hướng dẫn các chủ thể sản phẩm tổ chức sản xuất tuân thủ đúng các quy định của pháp luật về sản xuất theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn (VietGAP, hữu cơ...); đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm; bảo vệ môi trường; sử dụng bao bì, nhãn hiệu đúng quy định; phát huy tốt sức mạnh cộng đồng, phát huy những giá trị tiềm năng, lợi thế vùng miền trong tổ chức sản xuất và phát triển sản phẩm,...

Về cơ chế, chính sách hỗ trợ thực hiện Chương trình OCOP, tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh liên quan đến khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn. Đồng thời nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, sản phẩm OCOP và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, trọng tâm là: hỗ trợ tín dụng; hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi; hỗ trợ bồi dưỡng, tập huấn; ứng dụng chuyển giao khoa học kỹ thuật; xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm; phát triển sản phẩm OCOP; hỗ trợ xây nhãn hiệu, phát triển hợp tác xã, chính sách hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn.

Về khoa học và công nghệ, khuyến khích, hỗ trợ các chủ thể sản phẩm OCOP ứng dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng nhu cầu của thị trường. Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ gắn với công nghiệp chế biến, kết nối với thị trường tiêu thụ. Hướng dẫn xây dựng tiêu chuẩn cơ sở; áp dụng hệ thống quản lý chất lượng. Xây dựng các dự án khoa học công nghệ về ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ mới, công nghệ cao vào sản xuất, kinh doanh các sản phẩm OCOP, sản phẩm tiềm năng OCOP. Ưu tiên công tác phát triển, đăng ký xác lập, bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ về kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu đối với các sản phẩm OCOP. Áp dụng, ứng dụng khoa học quản lý trong xây dựng mô hình doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã sản xuất, các hộ sản xuất sản phẩm OCOP.

Về xúc tiến thương mại và hội nhập quốc tế, tăng cường công tác phối hợp, hợp tác với các tỉnh, thành trong cả nước về thực hiện Chương trình OCOP. Tổ chức, tham gia các hội nghị, diễn đàn, hội chợ xúc tiến thương mại trong nước và quốc tế nhằm quảng bá sản phẩm và huy động các nguồn lực thực hiện Chương trình OCOP; tổ chức gặp gỡ, tham quan, chào hàng các sản phẩm OCOP và kết nối tiêu thụ sản phẩm; tổ chức đoàn xúc tiến thương mại, khảo sát thị trường; nghiên cứu và phát triển thị trường trong nước tiến tới thị trường xuất khẩu; tập trung các thị trường mục tiêu trong từng giai đoạn.

Cũng theo nội dung kế hoạch, Ủy ban nhân dân tỉnh giao nhiệm vụ cụ thể về tổ chức thực hiện cho các sở, ban, ngành,  đoàn thể chính trị xã hội trong việc xây dựng kế hoạch thực hiện, cụ thể hóa các nhiệm vụ của kế hoạch OCOP gắn với lĩnh vực phụ trách của cơ quan, đơn vị. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chủ động xây dựng kế hoạch chi tiết (kế hoạch ý tưởng sản phẩm OCOP, kế hoạch kinh phí thực hiện Chương trình OCOP) theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, trong đó tiếp tục ưu tiên phát triển các nhóm sản phẩm chủ lực và các sản phẩm đặc sản có lợi thế theo chuỗi giá trị, gắn với dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch. Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn tăng cường công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho cộng đồng, người dân và các chủ thể OCOP trên địa bàn xã về Chương trình OCOP và các cơ chế chính sách hiện hành về hỗ trợ phát triển nông nghiệp hàng hóa và thực hiện chương trình OCOP. Các Doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, các hộ sản xuất tham gia Chương trình OCOPgiai đoạn 2021-2025, chủ động triển khai xây dựng phương án  phát triển sản xuất, kinh doanh, tiêu chuẩn hóa sản phẩm, hoàn thiện hồ sơ tham gia đánh giá sản phẩm OCOP.

Chương trình được phê duyệt và triển khai thực hiện gắn với việc thành lập Ban chỉ đạo Chương trình OCOP cấp tỉnh, cấp huyện để chỉ đạo, điều hành, điều phối các hoạt động theo nội dung Kế hoạch. Thành lập Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP và Tổ giúp việc cho Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp huyện, cấp tỉnh. Các cấp, các ngành đưa chương trình OCOP vào chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đơn vị để chỉ đạo thực hiện và coi đây là nhiệm vụ trọng tâm để triển khai thực hiện thường xuyên, lâu dài.

 Homestay 99 ngọn núi xã Thượng Lâm – sản phẩm OCOP năm 2020 của huyện Lâm Bình

Chương trình OCOP tỉnh Tuyên Quang được ban hành và tổ chức triển khai thực hiện một cách đồng bộ, hiệu quả sẽ là một giải pháp quan trọng góp phần thực hiện hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025./.

Trần Gia Lam/Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh

Tin cùng chuyên mục