Huy động nguồn lực trong xây dựng nông thôn mới

Sau hơn 10 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), cơ sở hạ tầng nông thôn trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang từng bước được đầu tư đồng bộ; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được cải thiện và nâng cao; các mô hình kinh tế hiệu quả được đầu tư và nhân rộng. Có được kết quả này là nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền, người dân và có phần đóng góp lớn từ những nguồn lực huy động từ xã hội.
Người dân xã Thái Bình, huyện Yên Sơn tham gia làm đường giao thông nông thôn

Thông qua phát động phong trào “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới” bằng nhiều hình thức tuyên truyền, vận động phong phú, đa dạng đã thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia với việc làm cụ thể như hiến đất, giải phóng mặt bằng, góp công sức, kinh phí cải tạo, nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng nông thôn, xây dựng thôn, xóm, khu phố sạch, đẹp, văn minh, đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo... Giai đoạn 2011 -2020, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Tuyên Quang đã huy động tốt các nguồn lực để thực hiện, trong đó mức độ tham gia của người dân đạt cao hơn các chương trình mục tiêu quốc gia khác. Theo đó, đã huy động được khoảng 17.560.806 triệu đồng đầu tư cho chương trình, trong đó vốn đầu tư trực tiếp là 2.890.083 triệu đồng, ngân sách trung ương là 1.310.067 triệu đồng,  ngân sách địa phương các cấp là 1.579.960 triệu đồng; vốn lồng ghép trên 3.027.064 triệu đồng; vốn doanh nghiệp là 856.192 triệu đồng, vốn tín dụng là 9.363.747 triệu đồng;  vốn huy động từ cộng đồng dân cư trên 1.423.711 triệu đồng. Riêng trong năm 2020 tổng nguồn vốn xây dựng nông thôn mới tỉnh Tuyên Quang đạt khoảng 2.946.643 triệu đồng, trong đó vốn huy động từ doanh nghiệp khoảng 101.775 triệu đồng, vốn huy động từ cộng đồng dân cư khoảng 143.829 triệu đồng. Riêng trong năm 2020 tổng vốn huy động trực tiếp cho chương trình xây dựng NTM ở Tuyên Quang đạt khoảng 2.449.599 triệu đồng, trong đó: vốn đầu tư trực tiếp cho Chương trình xây dựng nông thôn mới: 971.885  triệu đồng, chiếm  39,67%, vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án: 408.154 triệu đồng, chiếm 16,66%, vốn tín dụng: 1.321.000 triệu đồng, chiếm 53,9%, vốn doanh nghiệp: 101.775 triệu đồng, chiếm 4,15%, vốn nhân dân đóng góp: 143.829 triệu đồng, chiếm 5,87%.

Từ nguồn vốn xã hội hóa và hỗ trợ của ngân sách của trung ương, ngân sách của tỉnh và các địa phương, toàn tỉnh đã tập trung sửa chữa, cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới nhiều hạng mục công trình hạ tầng kinh tế - xã hội. Điển hình như tiêu chí giao thông, các tuyến đường trục xã, trục thôn, ngõ xóm được quan tâm đầu tư xây dựng đồng bộ. Toàn tỉnh đã xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp 4.143,54 km đường giao thông, trong đó đường trục xã 703,56 km; đường trục thôn, liên thôn 2.557,57 km; đường nội đồng và vùng sản xuất hàng hóa 875,51 km. Về thủy lợi, đầu tư kiên cố hóa được 1.131,70 km kênh mương. Cùng với chú trọng thực hiện tiêu chí giao thông thì các tiêu chí thủy lợi, cơ sở vật chất trường học, cơ sở vật chất văn hóa, cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn… cũng được tập trung nguồn lực đầu tư và đều đạt chuẩn theo quy định. Điện nông thôn xây dựng, nâng cấp 439 công trình điện, hết năm 2020 có 118/124  xã đạt tiêu chí về điện; xây dựng  1045 công trình trường học các cấp; 100% các xã có nhà văn hóa, khu trung tâm văn hóa, thể thao xã đạt chuẩn; đầu tư xây mới và cải tạo, nâng cấp 66 chợ nông thôn; 100% số xã có đài truyền thanh cấp xã, sóng thông tin di động đảm bảo thông tin liên lạc phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Một trong những yếu tố quan trọng để đạt được kết quả trên là công tác huy động và lồng ghép, tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng NTM. Việc huy động, lồng ghép các nguồn lực đầu tư được chú trọng từ khâu xây dựng cơ chế, chính sách; lập, phê duyệt dự án, xây dựng, phân bổ, giao kế hoạch vốn đầu tư phát triển. Trong quá trình thực hiện đã làm tốt công tác giám sát, đánh giá kết quả, đảm bảo hiệu quả sử dụng các nguồn vốn cho các dự án; việc lồng ghép vốn đảm bảo nguyên tắc không làm thay đổi mục tiêu, nhiệm vụ của từng chương trình, tổng kinh phí đầu tư phát triển được giao. Ưu tiên công trình, theo từng tiêu chí, nhất là tiêu chí đạt thấp, tiêu chí ở các xã đăng ký đạt chuẩn trong từng năm.

Bên cạnh đó, công tác đào tạo nghề, giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho lao động nông thôn cũng được chú trọng thực hiện. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn 9,03%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 60%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt trên 37%.tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên đạt 100%. Các chương trình phát triển kinh tế, thu hút đầu tư, đào tạo nghề đã góp phần quan trọng tạo thêm nhiều việc làm ổn định và thu nhập khá cho lao động nông thôn, từng bước làm chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, từ đó tạo nguồn lực để xây dựng NTM.


Đội 113 công an tỉnh Tuyên Quang và công an huyện Yên Sơn tham gia công tác xóa nhà tạm.

Xác định xây dựng NTM không chỉ là nhiệm vụ trước mắt mà còn là nhiệm vụ lâu dài và xây dựng NTM có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc. Với quan điểm không ngừng nâng cao chất lượng các tiêu chí xã NTM nhất là tiêu chí về sản xuất, văn hóa, y tế, giáo dục, môi trường, trong giai đoạn 2021-2025, tỉnh tiếp tục thực hiện và duy trì đạt chuẩn NTM, năm 2021 phấn đấu có thêm 08 xã đạt chuẩn nông thôn mới;  05 xã đạt nông thôn mới nâng cao.

Để xây dựng NTM đạt hiệu quả trong thời gian tới ngành Nông nghiệp tiếp tục phối hợp với các ngành, địa phương thực hiện các giải pháp duy tu, bảo dưỡng, nâng cấp các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội, tạo tiền đề cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; tập trung phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập và đời sống của cư dân nông thôn; cải thiện chất lượng y tế, giáo dục, xây dựng các thiết chế và nâng cao chất lượng hoạt động văn hóa, thể thao; bảo vệ và cải thiện môi trường nông thôn; xây dựng NTM gắn với đô thị hóa nông thôn, phù hợp với yêu cầu và điều kiện trong giai đoạn mới; xây dựng và triển khai hiệu quả chương trình mỗi xã một sản phẩm để khai thác thế mạnh trong phát triển kinh tế nông thôn và xây dưng nông thôn mới đã và đang làm thay đổi diện mạo vùng nông thôn, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang.

Lê Thiệu Tân/Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh

Tin cùng chuyên mục