Hoàng Khai: Nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM

TQĐT - Ngày 10-3-2016, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Hoàng Khai (Yên Sơn) long trọng đón nhận danh hiệu đạt chuẩn nông thôn mới với 19/19 tiêu chí hoàn thành. Song theo các đồng chí lãnh đạo xã, đạt chuẩn NTM đã khó, giữ chuẩn NTM càng khó hơn. Vì vậy, xã vẫn đang tiếp tục hoàn thiện, củng cố và nâng cao chất lượng các tiêu chí mới đạt được.

Xã Hoàng Khai dù vẫn mang dáng dấp của một vùng quê nông nghiệp, song nhiều mặt đời sống, sinh hoạt của người dân nơi đây đã được nâng lên. Đường xá, cảnh quan thông thoáng; nhà ở kiên cố, các công trình dân sinh mọc lên nhiều. Để có được thành quả đó, mỗi cán bộ, đảng viên và người dân địa phương đã đoàn kết cùng nhau thực hiện xây dựng thành công xã NTM. Đồng chí Lưu Văn Khang, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã chia sẻ: Trong quá trình xây dựng, củng cố các tiêu chí, có thể nói, tiêu chí về môi trường, cơ sở vật chất văn hóa, giao thông, tỷ lệ hộ nghèo là rất khó. Nhưng bằng sự đồng lòng, quyết tâm của Đảng bộ và nhân dân, chúng tôi đã làm thành công. Hiện nay, cán bộ xã quan tâm đến việc quản lý, định hướng, hỗ trợ để phát triển kinh tế nông hộ, giúp nâng cao thu nhập cho người dân. 


Cổng vào xã nông thôn mới Hoàng Khai (Yên Sơn).

Vẫn còn nguyên cảm giác phấn khởi như hôm địa phương được đón Bằng công nhận xã nông thôn mới, ông Hoàng Văn Ban, thôn Yên Mỹ I nói: Chúng tôi vẫn hay nói với nhau rằng, đã là người dân sống ở xã NTM thì ít nhất phải có cái mới. Vì vậy, chúng ta phải chăm lo phát triển kinh tế, dạy con cháu học hành đàng hoàng,... Nếu trước đây rác thải thường được vứt bỏ ra ruộng, ao hồ thì nay không cần ai nhắc nhở, hễ có rác là chúng tôi thiêu hủy hoặc bỏ đúng nơi quy định. 

Mục tiêu cao nhất trong thực hiện xây dựng NTM của Hoàng Khai là nâng cao đời sống người dân, vì vậy xã đã chú trọng thực hiện các giải pháp giảm nghèo bền vững. Chính quyền địa phương đã triển khai các giải pháp hỗ trợ phù hợp cho từng đối tượng nghèo như vay vốn, tạo việc làm, tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi để giúp nông dân đẩy mạnh sản xuất, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống. Trong lĩnh vực nông nghiệp, xã tăng cường nạo vét các tuyến kênh thủy lợi nội đồng, đặc biệt là tu sửa, bảo dưỡng thường xuyên hồ thủy lợi Hoàng An Lưỡng với diện tích 40 ha, đảm bảo đủ nước tưới tiêu cho khoảng gần 200 ha đất lúa của xã, duy trì 100 ha lúa đặc sản chất lượng cao, phát huy hết tiềm năng đất để phát triển diện tích trồng rau vụ 3. Diện tích đất trồng rau của cả xã hiện có trên 150 ha, hàng năm thu nhập bình quân của các hộ trồng rau cũng được trên 50 triệu đồng. Năm 2011, tỷ lệ hộ nghèo toàn xã là 14,8% thì đến năm 2015 giảm xuống còn 1,1%. Xã phấn đấu năm 2016 này, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 30 triệu đồng/người/năm.

Về xây dựng hệ thống hạ tầng thiết yếu, xã Hoàng Khai đã vận dụng tốt phương châm nhà nước và nhân dân cùng làm. Nhờ đó các công trình giao thông được đầu tư xây mới và nâng cấp, cải tạo trên cơ sở kế thừa các tuyến đường đã được xây dựng. Kết quả 15/15 thôn đều có đường ô tô đến tận khu dân cư với tổng chiều dài gần 33 km, đường bê tông nội đồng với tổng chiều dài trên 15 km cũng được hoàn thành trong năm 2014, tỷ lệ cứng hóa đạt 77% đảm bảo sạch và không lầy lội vào mùa mưa. Toàn bộ hệ thống công trình kênh thủy lợi trên địa bàn xã với chiều dài 29 km được đấu nối liên hoàn đảm bảo chủ động được nguồn nước tưới tiêu cho sản xuất và sinh hoạt cho người dân. Trong tiêu chí nhà văn hóa, năm 2013, xã Hoàng Khai có 15 nhà văn hóa cũ, nhưng chỉ sau 1 năm, toàn bộ 15/15 nhà văn hóa cũ đã được xây mới hoàn toàn, diện tích đảm bảo đủ 120 chỗ ngồi, mức đầu tư là 450 triệu đồng/nhà, trong đó nhà nước hỗ trợ 150 triệu đồng, số còn lại đều do nhân dân tự nguyện đóng góp. 

Xác định rõ, đạt chuẩn NTM đã khó, giữ chuẩn NTM càng khó hơn, tại Đại hội Đảng bộ xã lần thứ XXII (nhiệm kỳ 2015 - 2020), Đảng bộ xã Hoàng Khai đã đề ra nhiều giải pháp để tiếp tục giữ vững các tiêu chí NTM. Trong đó xã chú trọng khai thác tiềm năng đất đai theo quy hoạch, đặc biệt là các cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao, khuyến khích phát triển kinh tế trang trại. Đồng thời từng bước hình thành các mô hình liên kết “4 nhà” (nhà nước, nhà khoa học, nhà nông và nhà doanh nghiệp) và tiếp tục vận động nhân dân thực hiện mô hình khu dân cư “Sáng - xanh - sạch - đẹp”.

Bài, ảnh: Lê Duy

Tin cùng chuyên mục