Hàm Yên trong lộ trình xây dựng huyện đạt chuẩn nông thôn mới

Xây dựng NTM với xuất phát điểm thấp (xã cao nhất mới đạt 6 tiêu chí, thấp nhất đạt 2 tiêu chí theo Bộ tiêu chí Quốc gia về xây dựng NTM), song với sự chung sức, đồng lòng của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Hàm Yên đến cuối năm 2021, huyện đã có 8/17 xã đạt chuẩn NTM, đạt 47,05%; Tiêu chí bình quân đạt 15,53% tiêu chí/xã.

Bình Xa triển khai thực hiện ngày cuối tuần cùng nhân dân xây dựng NTM

Ngày 08 tháng 6 năm 2021, Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang đã ban hành Quyết định số 360/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án xây dựng huyện Hàm Yên đạt chuẩn nông thôn mới, giai đoạn 2021-2025. Theo nội dung Đề án số 360/QĐ-UBND, huyện Hàm Yên phấn đấu hoàn thành đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2025, với mục tiêu cụ thể: Duy trì nâng cao tiêu chí tại 06 xã đã đạt chuẩn nông thôn mới đến năm 2020; có thêm 11 xã đạt chuẩn nông thôn mới (hoàn thành 100% số xã đến năm 2024), trong đó: Có 03 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (xã Bình Xa; xã Đức Ninh; Xã Thái Hòa); 01 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu (xã Bình Xa); thực hiện hoàn thành 9/9 tiêu chí huyện nông thôn mới đến năm 2024 và hoàn thiện hồ sơ đề nghị xét, công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2025.

 Đến nay Hàm Yên đã có 08/17 xã được công nhận đạt chuẩn xã NTM, 01 xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Để thực hiện theo lộ trình, trong năm 2022, Hàm Yên phấn đấu có thêm 3 xã đạt chuẩn NTM là xã Bạch Xa, xã Minh Khương và xã Yên Phú; cùng đó là duy trì, nâng cấp các tiêu chí tại các xã đã đạt NTM, nông thôn mới nâng cao trước đây theo bộ tiêu chí mới tại Quyết định số 318/QĐ-TTg, ngày 8/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ; phấn đấu đến hết năm 2024 thị trấn Tân Yên đạt chuẩn đô thị văn minh. Đề án dự kiến tổng nguồn lực cần huy động khoảng: 2.210.650 triệu đồng, trong đó: Nguồn vốn Ngân sách nhà nước chiếm khoảng 47,2%; nguồn vốn nước ngoài chiếm khoảng 1,3%; nguồn vốn doanh nghiệp chiếm khoảng 10,5%; nguồn vốn tín dụng chiếm khoảng 25,6%; huy động đóng góp từ nhân dân chiếm khoảng 9,2% và nguồn vốn huy động khác chiếm khoảng 6,1%.

 “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân hưởng lợi” là phương châm xuyên suốt trong “hành trình” thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM của huyện Hàm Yên. Từ năm 2016 đến nay, Hàm Yên đã huy động được trên 234,6 tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa, chiếm 26% nguồn vốn xây dựng nông thôn mới .Từ nguồn xã hội hóa và nguồn ngân sách Nhà nước, huyện đã đầu tư, cải tạo hơn 330 km đường giao thông nông thôn, gần 150 km kênh mương, 9 nhà văn hóa xã, 167 nhà văn hóa thôn được nâng cấp, xây mới; cải tạo, xây mới 73 trường học... Đời sống người dân ngày càng được cải thiện, nâng cao. Khởi sắc rõ nét nhất là hệ thống các công trình kết cấu hạ tầng đồng bộ như: Điện, đường, trường, trạm, nước sạch sinh hoạt; nhiều ngôi nhà kiên cố, khang trang liên tiếp mọc lên; người dân đủ sinh kế tăng thu nhập, cuộc sống ngày một ấm no hơn.

Đáng chú ý, chương trình xây dựng NTM đã tạo chuyển biến lớn về nhận thức của nhân dân, khi mà tất cả đều nỗ lực tăng gia sản xuất và hưởng thụ thành quả mà mình đã góp phần xây dựng. Minh chứng là việc Hàm Yên trở thành “điểm sáng” phát triển các vùng sản xuất tập trung như: Cam sành với diện tích 7.269 ha trên địa bàn 13 xã, thị trấn, giá trị sản xuất đạt trên 846,81 tỷ đồng, chiếm 65% giá trị sản xuất ngành trồng trọt; cây chè với diện tích 2.133 ha, giá trị sản xuất đạt trên 60,84 tỷ đồng/năm; diện tích mía nguyên liệu là 449,2 ha, giá trị sản xuất đạt 21,215 tỷ đồng/năm… Ngoài cây trồng chủ lực trên, các xã, thị trấn đã vận dụng linh hoạt phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, lựa chọn các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của địa phương để sản xuất hàng hóa cho thu nhập cao hơn trồng ngô, lúa, như: Cây chanh tứ mùa, cây bưởi, táo, thanh long, hoa cảnh, rau hàng hóa… Đồng thời thực hiện tốt các chính sách khuyến nông, khuyến công, khuyến lâm, khuyến ngư, chuyển giao khoa học kỹ thuật. Tiêu biểu như: Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất sản phẩm cam sành Hàm Yên theo tiêu chuẩn VietGAP liên kết theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm tại 13 xã vùng cam; Dự án Phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm Vịt bầu Minh Hương; Dự án Phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm cá lồng đặc sản xã Thái Hòa... Từ đó, tạo việc làm tại chỗ cho hàng trăm lao động trên địa bàn. Giờ đây Cam sành, Thanh Long ruột đỏ, chè xanh Làng Bát, táo và cây có múi là nông sản đặc thù của Hàm Yên. Riêng Cam sành Hàm Yên đã được gắn tem truy xuất nguồn gốc, có thể lên sàn giao dịch điện tử hay xuất khẩu đều thuận lợi.

Với các chính sách khuyến khích đầu tư phát triển phù hợp, lĩnh vực công nghiệp - thương mại trên địa bàn huyện đã có những chuyển biến tích cực. Mạng lưới thương mại - dịch vụ phát triển đáp ứng nhu cầu trao đổi, lưu thông hàng hóa. Chính sách khuyến khích công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp được triển khai có hiệu quả. Huyện đã thu hút được một số dự án đầu tư lớn như: Dự án Nhà máy sản xuất giày trên địa bàn huyện Hàm Yên do Công ty TNHH sản xuất giày CHUNG JEY Tuyên Quang - Việt Nam làm chủ đầu tư. Dự án có tổng mức đầu tư trên 575 tỷ đồng. Dự án đi vào hoạt động sẽ tạo việc làm cho hơn 1.000 lao động địa phương; dự án nhà máy thủy điện Sông Lô 8A được xây dựng trên địa phận thị trấn Tân Yên và xã Tân Thành huyện Hàm Yên có công suất 27MW, điện lượng trung bình 106,61 KWh cung cấp nguồn năng lượng đáng kể cho mạng lưới điện quốc gia, đồng thời với việc kinh doanh, phát điện thủy điện Sông Lô 8A còn đẩy nhanh tốc độ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển khu du lịch, dịch vụ của Hàm Yên nói riêng và của tỉnh Tuyên Quang nói chung; nhà máy sản xuất gạch, nhà máy chế biến gỗ… Từng bước khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương, huyện Hàm Yên đẩy mạnh thu hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư sản xuất, kinh doanh, nhiều doanh nghiệp lớn, tiềm năng tin tưởng đã đến với Hàm Yên. Cụm công nghiệp Tân Thành, huyện Hàm Yên, diện tích 72,2 ha, đã được quan tâm phát triển hạ tầng, bảo đảm thu hút ngày càng nhiều các doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất.  Các dự án đầu tư đi vào hoạt động đã đem lại hiệu quả kinh tế xã hội, góp phần giảm nghèo, giá trị sản xuất công nghiệp của huyện năm 2020 đạt 1.230 tỷ đồng, bằng 113% mục tiêu Nghị quyết, tăng bình quân 6,2%/năm.

Cùng với những khởi sắc mạnh mẽ trên lĩnh vực kinh tế, huyện Hàm Yên đã và đang tiếp tục tập trung chăm lo phát triển giáo dục toàn diện cả về quy mô, chất lượng và hiệu quả. Đến nay, huyện có 51% số trường học đạt chuẩn Quốc gia. Mạng lưới y tế từ huyện đến cơ sở được đầu tư hoàn thiện; chất lượng khám, chữa bệnh, trình độ chuyên môn, y đức của đội ngũ y, bác sỹ được nâng lên, bảo đảm công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Huyện có 100% số trạm y tế xã có bác sỹ; 100% thôn, tổ dân phố có nhân viên y tế; 16/18 xã, thị trấn đạt Bộ tiêu chí Quốc gia về y tế xã. Bên cạnh đó, các chính sách an sinh xã hội, lao động việc làm được quan tâm; các giá trị văn hóa truyền thống được giữ gìn và phát huy, đời sống vật chất, tinh thần của người dân trong huyện ngày càng được nâng lên.

Để hoàn thành mục tiêu hoàn thành xây dựng NTM vào cuối năm 2025 huyện Hàm Yên đã có nhiều cách làm sáng tạo, trong đó có việc vào thứ 7 hàng tuần, cán bộ, đảng viên trực tiếp cùng nhân dân thực hiện các phần việc trong xây dựng NTM. Đây là chủ trương lớn được Ban Thường vụ Huyện ủy Hàm Yên đề ra bằng Chỉ thị số 01-CT/HU ngày 18/12/2020  về tổ chức phong trào cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, chiến sỹ lực lượng vũ trang trực tiếp tham gia các hoạt động xây dựng NTM, đô thị văn minh ở cơ sở. Được gọi là ngày thứ 7 làm NTM ở huyện Hàm Yên.

Ngay sau khi Chỉ thị 01 ban hành, các xã đã chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện. Các thôn có trách nhiệm xác định công việc cụ thể của thôn mình sau đó báo cáo cấp trên để phối hợp đưa lực lượng cán bộ huyện, xã xuống thôn triển khai thực hiện. Công việc này được triển khai đồng bộ đối với tất cả 18/18 xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Đến nay phong trào làm NTM ngày thứ 7 của huyện Hàm Yên đã thực hiện trồng và chăm sóc tuyến đường hoa tại các thôn được hơn 14 km; lắp đặt 4.150 m đường điện thắp sáng; khởi công xây dựng 7 công trình như đổ sân bê tông, hỗ trợ 22 hộ dân làm nhà tiêu hợp vệ sinh, hỗ trợ các hộ lợp mái, đào móng nhà... Các cán bộ chiến sỹ tham gia giúp nhân dân thu hoạch mía, trồng mía; phát dọn, đào rãnh mương, vệ sinh các tuyến đường với tổng chiều dài gần 131 km.

Xác định công tác giảm nghèo là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Vì vậy, thời gian qua, huyện đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ hiệu quả trong công tác giảm nghèo, giảm nghèo bền vững như: chính sách tín dụng, y tế, xóa nhà ở tạm, chính sách lao động việc làm. Phấn đấu từ năm 2022 - 2025 giảm 4.200 hộ nghèo, tương ứng với tỷ lệ  giảm nghèo toàn huyện là 13.67% (bình quân giảm 3.41% trên năm); đưa tỷ lệ hộ nghèo từ 21,42% vào đầu năm 2022 xuống còn 7,75% vào cuối năm 2025; đến hết năm 2024 không còn hộ nghèo có thành viên là đối tượng chính sách người có công với cách mạng. Thành quả xây dựng NTM thực sự đã đưa Hàm Yên hiện diện một vùng thôn quê giàu có, hiện đại, mở hướng cho Hàm Yên phát triển nông nghiệp giá trị cao gắn với du lịch, dịch vụ. Quan trọng hơn, Hàm Yên đang tiến đến vùng nông nghiệp hiện đại, nông thôn văn minh, nông dân giàu có, đánh dấu bước phát triển nông thôn ở tầm cao mới. Phấn đấu đến 2025 thu nhập bình quân đầu người trên 55 triệu đồng, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 100%.

Chương trình xây dựng NTM được triển khai, mục tiêu cuối cùng chính là người dân nông thôn có thu nhập cao, đời sống được nâng lên, kinh tế nông thôn phát triển, bộ mặt nông thôn đổi mới, tiệm cận dần với vùng thành thị. Trong các năm tới, Hàm Yên sẽ phải phấn đấu và nỗ lực để hoàn thành một khối lượng công việc rất lớn và cũng rất khó khăn. Thành tựu của NTM hôm nay là nền tảng để Hàm Yên đạt mục tiêu trở thành địa phương hoàn thành xây dựng NTM vào năm 2025 tiếp nối hành trình của niềm tin và khát vọng vươn tới đích huyện đạt chuẩn NTM./.

Lê Thiệu Tân/Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh

Tin cùng chuyên mục