Đòn bẩy xây dựng nông thôn mới

TQĐT - Thực hiện Nghị quyết 15 - NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (khóa XVI) về kiên cố hóa kênh mương, bê tông hóa đường giao thông nội đồng và vùng sản xuất hàng hóa, xây dựng nhà văn hóa thôn, bản, tổ nhân dân gắn với sân thể thao và khuôn viên trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2016 - 2020, xã Đại Phú (Sơn Dương) là một trong hai xã được tỉnh chọn làm điểm. Báo Tuyên Quang đã phỏng vấn đồng chí Lại Ngọc Dũng, Bí thư Đảng ủy xã về hiệu quả của các công trình và kinh nghiệm triển khai Nghị quyết.


Các đồng chí lãnh đạo tỉnh khảo sát việc thực hiện thí điểm kiên cố hóa kênh mương
bằng bê tông đúc sẵn theo công nghệ mới tại xã Đại Phú (Sơn Dương). Ảnh: Vũ Tuấn

Phóng viên: Là một trong hai xã được chọn làm thí điểm, hiện nay, công trình đã cơ bản hoàn thiện. Vậy xin đồng chí cho biết những thuận lợi và khó khăn trong triển khai thực hiện?


Đồng chí Lại Ngọc Dũng.

Đồng chí Lại Ngọc Dũng: Cấp ủy, chính quyền xã xác định đây là cơ hội để địa phương hoàn thiện kết cấu hạ tầng thiết yếu liên quan trực tiếp đến đời sống của người dân, nên đã tổ chức quán triệt sâu sắc Nghị quyết đến cán bộ, đảng viên trong toàn xã về tinh thần, cách làm, nguồn hỗ trợ, hiệu quả thiết thực của công trình… tạo sự đồng thuận trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. 

Đảng ủy, UBND xã đã họp xét điều kiện của từng thôn, xác định thôn làm điểm để vừa đảm bảo tiêu chí, vừa đáp ứng được nhu cầu bức thiết của người dân. Sau khi bàn bạc, thống nhất đã quyết định làm điểm nhà văn hóa thôn gắn với sân thể thao tại thôn Yên Phú và chọn tuyến mương hồ Hoa Lũng là “xương sống” trong hệ thống kênh mương của xã làm điểm. 

Khi họp triển khai với dân, chính quyền xã đã công bố minh bạch phần Nhà nước hỗ trợ, phần nhân dân đóng góp cụ thể, nên nhân dân đã đồng tình ủng hộ. Đối với xây dựng nhà văn hóa gắn với sân thể thao tại thôn Yên Phú, do diện tích xây dựng không đủ theo quy định, một số hộ dân đã hiến trên 400 m2 đất màu đồi, đổi đất canh tác ở địa điểm khác để nhường mặt bằng xây dựng.

Đối với kênh mương, chỉ trong vòng 30 ngày, hơn 1.700 m tuyến kênh mương hồ Hoa Lũng đã được xây dựng bằng cấu kiện bê tông đúc sẵn với 1.835 công lao động của người dân. Tổng trị giá tuyến mương trên 1,6 tỷ đồng, trong đó nhà nước hỗ trợ 100% mương bê tông đúc sẵn; người dân bỏ công đào, đắp đất, phá dỡ khối lượng xây cũ, vận chuyển cấu kiện và lắp đặt.

Tuy nhiên khi triển khai thực hiện làm điểm, ban đầu người dân cũng lúng túng vì không có kỹ thuật lắp ghép xà gồ, dựng cột nhà văn hóa vì hệ thống cột, vì kèo cần có độ chính xác cao. Trong thi công kênh mương, do người dân chưa được tiếp cận với kênh bê tông công nghệ mới nên còn lúng túng trong việc lắp ghép cấu kiện theo đúng tiêu chuẩn. 

Phóng viên: Một số người dân trong xã lo lắng về chất lượng và độ bền của mương bê tông đúc sẵn. Đồng chí có thể thông tin cụ thể về chất lượng, độ bền của các cấu kiện này đối với điều kiện ruộng đất tại địa phương?

Đồng chí Lại Ngọc Dũng: Chúng tôi đã tổ chức tuyên truyền, giải thích cho nhân dân về mương bê tông đúc sẵn là sản phẩm mới ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong thi công xây dựng thủy lợi như: Mặt cắt parabol có lợi nhất về thủy lực, cấu tạo lòng máng với bề mặt kênh trơn nhẵn nên tăng lưu lượng dẫn nước, ít rò rỉ, thất thoát nước, dễ dàng nạo vét bùn đất, dễ sửa chữa; khi quy hoạch lại đồng ruộng hoặc điều chỉnh thay đổi tuyến kênh mương có thể tháo ra, di chuyển và lắp đặt lại vị trí khác thuận lợi...

Tuy nhiên, để kênh có độ bền thì công tác bảo vệ, giữ gìn sau khi đưa vào sử dụng rất quan trọng. Người dân không được để trâu bò đi trong mương; không được đào đất sát mương tránh va chạm… Mới đưa vào sử dụng, nhưng mương đã phát huy hiệu quả khá tốt, lượng nước ổn định, phù hợp với đồng đất tại địa phương.


Nhà Văn hóa gắn với sân thể thao thôn Yên Phú được xây dựng từ nguồn vốn hỗ trợ
 của nhà nước và đóng góp của nhân dân.

Phóng viên: Thôn Yên Phú có 100% đồng bào dân tộc Cao Lan, kinh tế người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, làm điểm xây dựng nhà văn hóa thôn người dân phải đóng góp khá lớn. Vậy cấp ủy, chính quyền địa phương đã có giải pháp gì để thực hiện?

Đồng chí Lại Ngọc Dũng: Cấp ủy tăng cường lãnh đạo, nêu cao vai trò gương mẫu của đảng viên. Chính quyền triển khai minh bạch, dân chủ theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, đồng thời tuyên truyền, giải thích để người dân thấy được lợi ích của công trình đối với cộng đồng dân cư nói riêng. Hơn nữa, đối với đồng bào Cao Lan thì nhà sinh hoạt cộng đồng còn là nơi diễn xướng văn hóa dân tộc như hát Sình ca và các điệu múa dân tộc trong dịp lễ tết. Đồng thời cũng vận động, thuyết phục, giải thích để người dân thấy vai trò, trách nhiệm của người dân trong việc cùng chung tay, chung sức cùng với cấp ủy, chính quyền xây dựng nông thôn mới và trước tiên là cuộc sống mới ở khu dân cư. Khi người dân thấy công trình nhà văn hóa thôn bản gắn với sân thể thao thực sự cần thiết đã tích cực tham gia xây dựng và hoàn thiện công trình.

Phóng viên: Theo đồng chí, Nghị quyết 15 sẽ thay đổi đời sống vật chất, tinh thần của người dân Đại Phú nói riêng và người dân nông thôn nói chung như thế nào?

Đồng chí Lại Ngọc Dũng: Phải khẳng định Nghị quyết 15 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy rất hợp với lòng dân, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, lòng mong mỏi của người dân, được người dân tích cực hưởng ứng. Từ khi có kênh mương kiên cố, nguồn nước dồi dào, tạo điều kiện cho người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển cây rau hàng hóa.

Nhà văn hóa thôn Yên Phú hoàn thành, người dân trong thôn không còn phải bắc rạp, bạt mỗi khi có việc. Riêng đối với xã Đại Phú, một xã còn nhiều hạn chế về kết cấu hạ tầng thì Nghị quyết 15 được triển khai thực sự có ý nghĩa to lớn đối với sự phát triển kinh tế, xã hội. Nghị quyết 15 sẽ là “đòn bẩy” để phát huy sức mạnh từ nhân dân trong xây dựng nông thôn mới theo phương châm “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ”.

Tôi mong tỉnh, huyện nhanh chóng triển khai cơ chế hỗ trợ theo Nghị quyết 03 của HĐND tỉnh để các địa phương triển khai Nghị quyết 15 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (khóa XVI) hiệu quả.              

Trang Tâm (Thực hiện)

Tin cùng chuyên mục