ĐBQH thảo luận về Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025

- Chiều 23-7, Quốc hội thảo luận tại tổ về chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.

Đồng chí Chẩu Văn Lâm, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh chủ trì thảo luận

.Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang tham gia thảo luận tại tổ 14 cùng với các Đoàn ĐBQH: Hà Tĩnh, Hải Phòng. Tham dự thảo luận tại tổ có các đồng chí: Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội; Lê Minh Hưng, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng. Đồng chí Chẩu Văn Lâm, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh chủ trì thảo luận.

Tại phiên thảo luận, các đại biểu đánh giá Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã đạt được những thành tựu, kết quả quan trọng, toàn diện và mang dấu ấn lịch sử. Bộ mặt của nông thôn thay đổi nhanh chóng, kinh tế nông thôn chuyển biến tích cực, nhiều mô hình sản xuất đã nâng cao đời sống, thu nhập cho người dân. Số xã đạt nông thôn mới vượt 12,4% so với yêu cầu của Quốc hội, về đích trước gần 2 năm so với mục tiêu đề ra. Nhiều tỉnh, thành phố có 100% xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức khi nhiều vùng nông thôn phát triển chưa thực sự bền vững, năng suất lao động còn thấp, năng suất chất lượng hiệu quả sức cạnh tranh của một số sản phẩm nông nghiệp chưa cao. Cơ sở hạ tầng được quan tâm đầu tư nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển. Cơ cấu kinh tế, lao động nông nghiệp chuyển dịch còn chậm. Thu nhập, đời sống của một bộ phận người dân nhất là ở vùng sâu vùng xa còn gặp nhiều khó khăn. Mục tiêu giảm nghèo chưa thực sự bền vững,...

Phát biểu tại buổi thảo luận, đại biểu Nguyễn Đắc Vinh, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang cho rằng, giai đoạn tới cần hướng tới xây dựng nông thôn mới bền vững, nông thôn mới là điều kiện để thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo cần tính toán dành nguồn lực cho đào tạo nghề, hỗ trợ học tập cho người dân cũng rất quan trọng, vì có văn hoá, kiến thức ngừời dân mới có khả năng đóng góp cao nhất cho quá trình xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo,....

Đại biểu Lò Thị Việt Hà, Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội, đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang cho rằng các báo cáo đánh giá đầy đủ, đúng theo chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Đại biểu đề nghị đối với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới nên rà soát bổ sung nguồn lực để hoàn thiện các tiêu chí về cơ sở hạ tầng cho các xã đã được công nhận; hợp nhất các ban chỉ đạo chương trình mục tiêu quốc gia để tránh chồng chéo khi triển khai thực hiện. Đối với Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, đại biểu đề nghị khi được thông qua triển khai thực hiện phải bố trí vốn kịp thời, đầy đủ để đạt hiệu quả cao.


Đại biểu Ma Thị Thúy phát biểu thảo luận.

Đại biểu Ma Thị Thúy, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh đồng tình với báo cáo của Chính phủ, báo cáo thẩm tra của các Ủy ban của Quốc hội, các báo cáo đánh giá khá đầy đủ những kết quả của 2 chương trình đã đạt được trong giai đoạn vừa qua. Đại biểu cho rằng giai đoạn tới cần hướng tới xây dựng nông thôn mới bền vững, nông thôn mới là điều kiện để thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo. Vì vậy phải xác định đúng đối tượng, đúng địa bàn để có phân bổ hợp lý.

Đại biểu đề nghị Chính phủ làm rõ chủ trương việc hỗ trợ điện thoại thông minh cho 550.000 hộ nghèo ở khu vực kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn liệu có khả thi, bởi nhiều vùng khó khăn chưa có dịch vụ viễn thông hoặc chưa đảm bảo chi phí sử dụng dịch vụ.

Đại biểu Ma Thị Thúy cho rằng, việc triển khai thực hiện Quyết định 861/QĐ-TTg ngày 04/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 tác động rất lớn đến việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội đặc biệt là chính sách đối với các hộ nghèo, cận nghèo không còn nằm trong vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn, nhất là chính sách bảo hiểm y tế...

Đại biểu băn khoăn, khi quyết định này được thực hiện, một bộ phận người dân còn khó khăn, không còn được cấp thẻ bảo hiểm y tế trong khi khó có khả năng tham gia bảo hiểm y tế, nhất là đối tượng có bệnh mãn tính sẽ có nguy cơ tái nghèo cao.

Đại biểu dẫn chứng thực tế ở Tuyên Quang, khi thực hiện quyết định này thì tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế sẽ giảm từ 96% xuống còn 82%. Đại biểu đề nghị Chính phủ bổ sung thêm đối tượng hộ nghèo không có khả năng lao động để thực hiện chính sách bảo trợ xã hội; cân nhắc tính khả thi của chỉ tiêu phấn 50% số huyện nghèo, 50% xã đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang ven biển thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn.

Phát biểu tại buổi thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn tới sẽ không trùng lắp với các chương trình mục tiêu Quốc gia khác nếu xác định đúng đối tượng, không gian địa lý. Tuy nhiên cần đặt cao hơn vấn đề tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, gắn với phát triển kinh tế nông nghiệp như chương trình Ocop, phát triển hợp tác xã kiểu mới, quy hoạch xây dựng nông thôn mới gắn tiêu chí đô thị. 

Kết luận buổi thảo luận, đồng chí Chẩu Văn Lâm, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng Đòan ĐBQH tỉnh Tuyên Quang thống nhất quan điểm cần xác định việc lấy nông thôn mới là động lực, tái cơ cấu nông nghiệp là nền tảng, khuyến khích các địa phương đưa ra tiêu chí riêng để đưa ra cách làm mới phù hợp với điều kiện phát triển chứ không bó cứng các tiêu chí, nhất trí quan điểm nên chỉ cần 1 ban chỉ đạo chung cho các chương trình mục tiêu Quốc gia đảm bảo sự thống nhất và đồng bộ. 

Bài, ảnh: Ngọc Hưng/Báo Tuyên Quang

Tin cùng chuyên mục