Dạy nghề, tạo việc làm cho lao động nông thôn

Đào tạo nghề, tạo việc làm cho lao động nông thôn theo hướng đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo nhằm cải thiện cuộc sống, tăng thu nhập cho người lao động đang được các huyện, thành phố ở Tuyên Quang chú trọng. Qua đó, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xây dựng nông thôn mới.

Tiếp nhận thiết bị giảng dạy tại Trường Cao đẳng Nghề kỹ thuật – Công nghệ Tuyên Quang

Xác định công tác dạy nghề cho lao động nông thôn là nhiệm vụ chính trị quan trọng, là một trong những giải pháp giảm nghèo bền vững góp phần phát triển nông nghiệp xanh, xây dựng nông thôn mới, năm 2022 Sở Lao động TB và XH đã tham mưu cho tỉnh ban hành các đề án, nghị quyết, chỉ thị, quyết định, kế hoạch và nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện công tác dạy nghề cho lao động nông thôn; đưa nội dung dạy nghề cho lao động nông thôn vào văn bản chỉ đạo thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2021-2025… Kế hoạch số 80/KH-UBND, ngày 19/5/2022 thực hiện chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 tỉnh Tuyên Quang; Kế hoạch số 105/KH-UBND, ngày 31/5/2022 thực hiện Chương trình “Tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2022 – 2027”; Kế hoạch số 153/KH-UBND, ngày 11/8/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh về thực hiện Chương trình “Đào tạo, đào tạo lại nâng cao kỹ năng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư” trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, giai đoạn 2021 - 2025; Kế hoạch số 152/KH-UBND, ngày 11/8/2022 thực hiện Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045… triển khai hướng dẫn, thực hiện phương án tổ chức điều tra, khảo sát, xác định nhu cầu học nghề của lao động nông thôn và nhu cầu đào tạo, sử dụng lao động trong doanh nghiệp, hợp tác xã, trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 - 2025. Hướng dẫn triển khai thực hiện cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo… Ước hết tháng 9/2022 toàn tỉnh đã tuyển sinh và đào tạo nghề cho 6.122 người, đạt 76,52% kế hoạch; theo trình độ cao đẳng 90 người, trung cấp 861 người, sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng 5.171 người. Kế hoạch năm 2022 tạo việc làm cho 21.500 lao động. Trong đó tạo việc làm trong các ngành kinh tế tại tỉnh: 14.530 người; đi làm việc tại các tỉnh, thành phố trong nước: 6.500 người; đi làm việc ở nước ngoài: 470 người; Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 65%.

Ngành nghề đào tạo cho lao động nông thôn đã bám sát định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đã chuyển hướng đào tạo từ cung sang cầu thị trường lao động; thực hiện tốt mô hình 3 nhà: Nhà nước - Nhà trường và Nhà doanh nghiệp; tăng cường công tác liên doanh, liên kết đào tạo theo đơn đặt hàng của các doanh nghiệp, nhà máy, xí nghiệp, các cơ sở sản xuất kinh doanh đóng trên địa bàn tỉnh. Đồng thời đào tạo nghề còn gắn với thực tiễn sản xuất nông, lâm nghiệp và yêu cầu xây dựng nông thôn mới, phù hợp với nhu cầu của người học và nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp sản xuất và có cơ hội tìm được việc làm phù hợp, 9 tháng đầu năm 2022 đã tư vấn việc làm, học nghề 18.864 người lao động. Trong đó 765 người lao động có làm việc; 09 người lao động tham gia học nghề tại các đơn vị doanh nghiệp, cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong và ngoài tỉnh, đăng tải 326 lượt thông tin tuyển dụng, tuyển sinh trên website, cổng thông tin điện tử và Fanpage của Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh.

Ghi nhận chung, hầu hết các địa phương trên địa bàn tỉnh đều chú trọng công tác khảo sát nhu cầu học nghề của lao động tại địa phương gắn với “đầu ra” sau đào tạo. Từ đó, chọn lựa các trung tâm, cơ sở đào tạo có nội dung đào tạo phù hợp năng lực của học viên, chú trọng khâu thực hành để hiệu quả đào tạo thiết thực, đáp ứng nhu cầu cung - cầu việc làm đối với lao động nông thôn. Nhận thức của người dân về học nghề ngày càng tích cực hơn, nhất là trong điều kiện đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp do đô thị hóa, lao động nông thôn đã hiểu rõ được lợi ích của việc học nghề để có tay nghề vững chắc, có thêm nhiều cơ hội về việc làm, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống. 

Với sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành, giai đoạn 2012 – 2021, toàn tỉnh thực hiện đào tạo nghề cho 35.838 lao động nông thôn, góp phần thực hiện thành công xây dựng NTM trong toàn tỉnh, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề từ 36,3% năm 2012, lên 63,8% năm 2022. Kết quả dạy nghề góp phần nâng cao năng xuất, chất lượng nông, lâm, thủy sản; xây dựng nông thôn mới bền vững; nâng cao thu nhập cho người nông dân. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tỉnh đã chú trọng nâng cao chât lượng đào tạo, mở rộng ngành nghề tạo nhiều cơ hội việc làm cho người lao động. Lao động nông thôn có cơ hội làm việc trong các ngành nghề khác như du lịch, dịch vụ, giao thông vận tải, xây dựng. Đến hết năm 2021 có 122/122 xã đạt tiêu chí Lao động.

Thực tế thời gian qua trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở địa phương vẫn còn những hạn chế nhất định. Cụ thể, một số cấp ủy, chính quyền và Nhân dân nhận thức chưa đầy đủ về công tác dạy nghề cho lao động nông thôn; nhiều người lao động chưa hiểu rõ ý nghĩa của việc đào tạo nghề, dẫn đến tình trạng người lao động chưa chủ động đăng ký tham gia học nghề; người tham gia học nghề không đồng đều về độ tuổi, trình độ, nhận thức, chưa mạnh dạn tham gia học nghề. Có những nơi chỉ xây dựng dạy nghề trong ỉĩnh vực nông nghiệp, hoặc xây dựng kế hoạch, giải pháp dạy nghề chưa phù hợp với điều kiện thực tế, chưa gắn với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. 

Theo đánh giá của Sở Lao động -TB và XH tỉnh, hạn chế nữa là hiện nay là cơ sở vật chất và trang thiết bị phục vụ cho công tác dạy nghề chưa đáp ứng nhu cầu thực tiễn của địa phương, kinh phí hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn hiện tương đối thấp so với nhu cầu thực tế của người lao động …Có thời điểm sự gắn kết giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp, địa phương và doanh nghiệp chưa chặt chẽ. Công tác xã hội hóa dạy nghề cho lao động nông thôn chưa tương xứng với tiêm năng của tỉnh; ở nhiều địa phương hiện nay không có giáo viên cơ hữu, chủ yếu là hợp đồng nên còn hạn chế trong phát triển chương trình, giáo trình đào tạo nghề. Mặc dù cơ sở vật chất, trang thiết bị của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh đã được trang bị, đầu tư xây dựng nhưng chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu dạy nghề cho lao động nông thôn. Công tác định hướng, phân luồng học sinh phổ thông chưa đạt kết quả như mong muốn. 

Giai đoạn 2021 – 2025, tỉnh Tuyên Quang đặt ra mục tiêu: Thu hút từ 35 - 40% học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở và trung học phổ thông vào hệ thống giáo dục nghề nghiệp; học sinh, sinh viên nữ đạt trên 25% trong tổng chỉ tiêu tuyển sinh mới; Đào tạo lại, đào tạo thường xuyên cho khoảng 25% lực lượng lao động; Tỷ lệ lao động là người dân tộc thiểu số qua đào tạo nghề nghiệp đạt 40%; Tỷ lệ lao động là người khuyết tật còn khả năng lao động được học nghề phù hợp đạt 35%; Tỷ lệ lao động có các kỹ năng công nghệ thông tin đạt 80%, để nâng trình độ, tay nghề đáp ứng yêu cầu tiến bộ khoa học kỹ thuật để phục vụ sản xuất, phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.

Để hiện thực hóa mục tiêu này, tỉnh Tuyên Quang đã và đang tiếp tục triển khai những giải pháp đồng bộ liên quan đến đào tạo nguồn nhân lực cho lao động nông thôn; trọng tâm là tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy, chính quyền đối với công tác dạy nghề cho lao động nông thôn. Theo đó, nâng cao trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, các cơ quan, đơn vị trong việc tuyên truyền thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về công tác dạy nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, phát triển kinh tế xanh, bền vững góp phần đảm bảo an ninh lương thực trên địa bàn tỉnh.

Đổi mới công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức đối với lao động nông thôn theo hướng đẩy mạnh tuyên truyền những kết quả nổi bật về dạy nghề cho lao động nông thôn; giảm nghèo; xây dựng nông thôn mới; những mô hình sản xuất tiên tiến, tiêu biểu trên địa bàn tỉnh trong thời gian vừa qua. Tuyên truyền thực hiện hiệu quả các nghị quyết, đề án của Tỉnh ủy, địa phương về phát triển kinh tế, xã hội giai đoạn 2021-2025. Đổi mới nội dung, hình thức, tuyên truyền trên nhiều phương tiện thông tin như báo, đài, mạng xã hội...

Tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi, thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn, trong đó đặc biệt ưu tiên đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi, qua đó giúp cho doanh nghiệp, các ngành tuyển dụng được nguồn nhân lực có trình độ đáp ứng nhu cầu sử dụng, giúp cho người lao động tìm kiếm được việc làm, chuyển đổi nghề nghiệp, nâng cao năng suất lao động và ổn định thu nhập.

Đặc biệt, Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong tỉnh cần tuyển dụng, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên dạy nghề đảm bảo đủ về số lượng, nâng cao chất lượng và kỹ năng dạy nghề; nghiên cứu mời đội ngũ cán bộ, công chức, nghệ nhân, những gương sản xuất giỏi tham gia dạy nghề; khuyến khích liên kết với cơ sở giáo dục nghề nghiệp, doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Phối hợp xây dựng bản đồ quy hoạch ngành nghề trên địa bàn tỉnh. Trong đó chú trọng dạy nghề trong lĩnh vực nông nghiệp, phi nông nghiệp gắn với phát triển tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, 100% nhà giáo đạt chuẩn; trên 80% cán bộ quản lý được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng quản lý - quản trị hiện đại; Phấn đấu 80% ngành, nghề đào tạo được xây dựng, cập nhật chuẩn đầu ra theo Khung trình độ quốc gia; Phấn đấu trên địa bàn tỉnh có 01 trường cao đẳng chất lượng cao; Thành lập 01 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đến năm 2025 hệ thống giáo dục nghề nghiệp của tỉnh có 12 cơ sở.

Tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa trong công tác đào tạo nghề lao động nông thôn, cùng với nguồn lực kinh phí từ ngân sách Nhà nước hỗ trợ công tác đào tạo nghề lao động nông thôn, tỉnh cần khuyến khích huy động thêm nguồn lực kinh phí của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh để hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn khi triển khai các lớp đào tạo nghề gắn với nhu cầu, địa chỉ sử dụng của doanh nghiệp; chú trọng hỗ trợ đào tạo nghề cho thanh niên vùng nông thôn, dân tộc thiểu số, lao động nông thôn thuộc các nhóm đối tượng chính sách là hộ nghèo, cận nghèo, người dân tộc thiểu số, lao động bị thu hồi đất nhằm đáp ứng yêu cầu nâng cao năng suất, tạo việc làm và chuyển đổi nghề cho lao động nông thôn từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp, gắn với xây dựng nông thôn mới. 

Ngoài ra, cũng cần phải hỗ trợ hiệu quả cho lao động nông thôn vay vốn sau khi học nghề để phát triển sản xuất, tạo việc làm; kết nối hiệu quả giữa Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, doanh nghiệp nhằm hỗ trợ việc tuyển dụng lao động, hỗ trợ tạo việc làm cho người lao động sau khi được học nghề. Có như vậy, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn sẽ ngày càng phát huy hiệu quả, góp phần giảm nghèo, tăng thu nhập cho người lao động./. 

Lê Thiệu Tân/Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh

Tin cùng chuyên mục