Đánh giá thực chất, nâng cao chất lượng tiêu chí nông thôn mới

- Gần 13 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM), toàn tỉnh có 62 xã đạt chuẩn 19/19 tiêu chí, trong đó có 54 xã đã được công nhận đạt, 8 xã đang được các ngành chức năng thẩm định để đề nghị UBND tỉnh xem xét, công nhận. Tuy nhiên, qua rà soát theo Bộ tiêu chí mới giai đoạn 2021-2025, nhiều xã bị rớt tiêu chí.

Nhiều tiêu chí “tụt dốc”

Năm 2020, xã Tân An (Chiêm Hóa) hoàn thành 19/19 tiêu chí xây dựng NTM và được công nhân đạt chuẩn. Tuy nhiên chỉ sau 1 năm, 2/19 tiêu chí bao gồm: hộ nghèo, đường giao thông của xã lại bị hụt so với yêu cầu đặt ra. Ông Ma Doãn Đức, Chủ tịch UBND xã Tân An phân trần, theo Quyết định số 1980/QĐ-TTg bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM, giai đoạn 2016-2020 tỷ lệ hộ nghèo dưới 50% tổng số hộ dân là đạt chuẩn, tiêu chí giao thông cũng tương tự, 50% đường giao thông nông thôn đường bê tông, nhựa hóa cập với yêu cầu. Tuy nhiên, đến Quyết định số 318/QĐ-TTg bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025, tiêu chí hộ nghèo phải ở mức dưới 20% tổng số hộ trên địa bàn mới được công nhận đạt chuẩn. Về giao thông, 70% đường được bê tông, nhựa hóa mới đạt chuẩn trong khi xã đạt chuẩn trong giai đoạn trước nên soi chiếu giai đoạn mới Tân An bị tụt. Theo ông Đức, đó là các tiêu chí lớn, các chỉ tiêu nhỏ nằm trong các tiêu chí xã cũng bị hụt nhiều như, bảo hiểm y tế, phân loại rác thải, chuyển đổi số...

Đường giao thông thôn Tân Cường, xã Tân An ( Chiêm Hoá) được bê tông hoá đảm bảo chuẩn theo tiêu chí nông thôn mới.

Cũng như xã Tân An (Chiêm Hóa), đánh giá theo bộ tiêu chí mới, xã Cấp Tiến (Sơn Dương); Phù Lưu (Hàm Yên) cũng đã bị tụt các tiêu chí. Ông Ma Văn Huy, Chủ tịch UBND xã Phù Lưu chia sẻ, tiêu chí số 15 trong bộ tiêu chí mới có chỉ tiêu 50% số hộ dân trên địa bàn có sổ bảo hiểm y tế điện tử, với một địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống cùng trình độ nhận thức chưa đồng đều như Phù Lưu thì việc kê khai, đăng ký, khám chữa bệnh bằng số bảo hiểm y tế là việc khó khăn lúc này. Ngoài ra, tiêu chí về y tế, tiêu chí về môi trường, yêu cầu phải đảm bảo phân loại được rác thải tại nguồn cũng sẽ cần có thời gian.

Ông Lê Thiệu Tân, Trưởng bộ phận tổng hợp Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM tỉnh cho biết, để được công nhận đạt chuẩn NTM giai đoạn 2021-2025, các địa phương phải đạt 19 tiêu chí với 57 chỉ tiêu, tăng 18 chỉ tiêu so với giai đoạn 2016- 2020. Mức độ đạt chuẩn các tiêu chí cũng được nâng cao như: tiêu chí số 10 về thu nhập, năm 2023 phải đạt trên hoặc bằng 42 triệu đồng trở lên/người/năm và tăng theo từng năm và đến năm 2025 là trên hoặc bằng 48 triệu đồng/năm. Hay như tiêu chí số 17, cụ thể là chỉ tiêu về tỷ lệ hộ sử dụng nước sạch theo quy chuẩn, yêu cầu phải có ít nhất 10% hộ sử dụng nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung, trong khi đó hầu hết các xã chưa có công trình cấp nước sạch tập trung dẫn đến khó có thể thực hiện.

Theo ông Tân, đánh giá kết quả theo bộ tiêu chí mới, bình quân tiêu chí của tỉnh đã giảm xuống 0,39 tiêu chí/xã so với cuối năm 2022, hiện chỉ còn 15,12 tiêu chí/xã.

Đánh giá thực chất, nâng cao chất lượng từng tiêu chí

Sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành bộ tiêu chí xã NTM giai đoạn 2021-2025, tỉnh cũng đã đánh giá thực chất quá trình xây dựng NTM, từ đó điều chỉnh mục tiêu phấn đấu cho từng năm và cả giai đoạn 2021-2025. Năm 2023, tỉnh phấn đấu có thêm 25 xã đạt chuẩn NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, trong đó, có 5 xã nằm trong kế hoạch đạt chuẩn NTM nâng cao 2022 chuyển sang thực hiện năm 2023 gồm: Yên Nguyên (Chiêm Hóa); Kim Quan (Yên Sơn); Hồng Lạc, Ninh Lai (Sơn Dương); Kim Phú (TP Tuyên Quang) và 1 xã NTM kiểu mẫu là Mỹ Bằng (Yên Sơn). Điều chỉnh kế hoạch sẽ phù hợp với thực tế, tạo điều kiện cho các địa phương củng cố các tiêu chí đảm bảo làm đến đâu, chắc đến đó, hướng đến sự phát triển bền vững.

Cán bộ Sở Lao động, Thương bình và Xã hội hỗ trợ xã Hà Lang (Chiêm Hoá) chỉnh trang môi trường nông thôn mới.

Điều chỉnh mục tiêu, tỉnh cũng linh hoạt gia hạn thời gian, đồng thời tập trung nguồn lực hỗ trợ các địa phương nâng cao chất lượng các tiêu chí. Theo kế hoạch, năm 2023 tỉnh sẽ huy động khoảng 3.537 tỷ đồng cho chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, trong đó vốn ngân sách nhà nước là 1.747 tỷ đồng đồng; vốn tín dụng là 1.200 tỷ đồng; vốn nhân dân đóng góp trên 174 tỷ đồng. Nguồn vốn sẽ được phân bổ cho cả các xã nằm trong lộ trình về đích năm 2023 và những năm tiếp theo, những xã đã về đích NTM, xây dựng NTM nâng cao và NTM kiểu mẫu theo đúng nhu cầu để nâng cấp, hoàn thiện các tiêu chí theo hướng bền vững.

Chủ tịch UBND xã Tân An (Chiêm Hóa) Ma Doãn Đức cho biết, xã đang tranh thủ các nguồn lực để mở rộng các dự án sản xuất với sự tham gia của hộ nghèo như, trồng dưa chuột, thanh long xuất khẩu, chăn nuôi gia súc, cho vay vốn xuất khẩu lao động nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Phấn đấu đến hết năm 2024 sẽ có 45 hộ thoát nghèo, đưa tỷ lệ hộ nghèo của xã bằng với chuẩn trong bộ tiêu chí mới. Riêng với tiêu chí giao thông, xã cũng thực hiện phương châm, “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ”, hiện tại đã có 2,5 km đường liên thôn đã được bê tông hóa, mục tiêu đến đầu 2024 sẽ bê tông hóa 3,5 km đường còn lại theo đúng kế hoạch.

Ông Ma Văn Huy, Chủ tịch UBND xã Phù Lưu (Hàm Yên) khẳng định, xã đã yêu cầu tổ công nghệ cộng đồng, bám thôn để hỗ trợ cài đặt, hướng dẫn tận tình giúp người dân sử dụng thành thạo các dịch vụ trên nền tảng công nghệ số, trong đó có dịch vụ đăng ký khám, chữa bệnh bằng sổ bảo hiểm điện tử. Cùng với đó, xã cũng tuyên truyền, hướng dẫn hộ dân phân loại rác thải, tận dụng nguồn rác thải hữu cơ làm phân bón cho cây trồng; rác thải khó phân hủy sẽ được tập kết để vận chuyển đưa đi xử lý. Ông Huy hy vọng, những giải pháp trên sẽ củng cố các tiêu chí còn hụt của xã, đảm bảo đạt chuẩn theo đúng yêu cầu. 

Ông Lê Thiệu Tân, Trưởng bộ phận tổng hợp Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây NTM tỉnh cho rằng, các giải pháp của các địa phương hiện nay là cần thiết để củng cố các tiêu chí bị tụt theo chuẩn mới. Tuy nhiên đó chỉ là giải pháp trước mắt, tránh "nước đến chân mới nhảy", các địa phương cần có chiến lược dài hơi, bởi công cuộc xây dựng nông thôn mới có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc. Do đó, cần huy động tối đa nguồn lực, đặc biệt là nguồn lực trong dân, lôi cuốn, khích lệ, động viên Nhân dân tham gia tích cực, chủ động mọi mặt của đời sống, bởi không ai khác chính Nhân dân là chủ thể và là người hưởng lợi trong công cuộc xây dựng NTM.

 

Bài, ảnh: Đoàn Thư/Báo Tuyên Quang

Tin cùng chuyên mục