Cơ hội từ sân chơi lớn

- Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là cú huých lớn trong chiến lược phát triển kinh tế khu vực nông thôn. Trọng tâm của chương trình này là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân và kinh tế tập thể thực hiện.

Không để ai đứng ngoài cuộc

Kinh tế nông thôn ở Tuyên Quang hiện tập trung chủ yếu ở 2 chủ thể chính: kinh tế hộ nông dân và kinh tế tập thể (gồm tổ hợp tác và hợp tác xã), doanh nghiệp chiếm tỷ trọng thấp. Chưa nói đến việc còn ít các sản phẩm đã qua chế biến, gia công với hàm lượng kỹ thuật, công nghệ cao. Nông sản thô - nguyên liệu của ngành chế biến luôn trong tình trạng bất an bởi điệp khúc: Được mùa thì mất giá, mất mùa lại được giá. Tư duy và thói quen sản xuất nhỏ lẻ, rời rạc, manh mún, theo kiểu chỉ làm những thứ mình có, không quan tâm đến thị trường cần gì là sức ỳ lớn cản trở đà vươn lên của kinh tế nông thôn. Ông Nguyễn Văn Việt, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định, dù tiềm năng rất lớn, nhưng cách thức tổ chức sản xuất, tư duy và thói quen sản xuất kiểu cũ đã khiến nông thôn và nông dân chưa thể phát triển như kỳ vọng.


Ngày 19-8, Hội đồng đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP của tỉnh đã chấm điểm, 
gắn sao cho 14 sản phẩm OCOP đầu tiên của Tuyên Quang.

Sản phẩm tinh dầu hương nhu của lão nông Đỗ Đình Ý, thôn Đông Thịnh, xã Tú Thịnh (Sơn Dương) có mặt trên thị trường từ năm 2017. Giá bán mỗi lít tinh dầu trên thị trường không hề rẻ, từ 800 nghìn đồng đến 1,2 triệu đồng/lít. Mỗi năm, gia đình ông cung cấp cho thị trường từ 120 - 140 lít tinh dầu. Nhưng nói về câu chuyện đăng ký nhãn hiệu độc quyền thì người đàn ông này vẫn khá lúng túng. Ông bảo, lâu nay, sản phẩm chủ yếu bán theo can cho các doanh nghiệp, nhà máy chế biến lớn ngoài tỉnh, nên việc đặt tên nhãn hiệu riêng cho sản phẩm, ông chưa bao giờ nghĩ đến. Ở Tú Thịnh, ngoài lão nông Đỗ Đình Ý, hiện đã có thêm 4 - 5 hộ tham gia vào lĩnh vực chưng cất tinh dầu hương nhu. Các hộ này hiện nay sản xuất riêng lẻ. Ông Ý bảo, mình già rồi, cứ làm đến đâu bán đến đó thôi. Việc thành lập Hợp tác xã nên để cho lớp trẻ thực hiện.

Với sức trẻ và tinh thần dám nghĩ, dám làm, tháng 9-2019, Hợp tác xã Nông lâm nghiệp Sơn Thịnh do nữ giám đốc Bùi Thị Thùy, sinh năm 1989 làm chủ được thành lập. Ngoài xây dựng một nhà xưởng chưng cất tinh dầu hương nhu, Hợp tác xã Nông lâm nghiệp Sơn Thịnh cũng cung cấp cho thị trường nhiều sản phẩm là đặc sản của Tú Thịnh như Bánh khảo, Bánh ngải cứu,… Chị Thùy khoe, tất cả những sản phẩm này đều được đưa vào là sản phẩm chủ lực và được xây dựng thành sản phẩm OCOP của xã Tú Thịnh.

OCOP không xa vời

Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Lê Hải Nam cho rằng, để có thể tham gia vào sân chơi lớn như Chương trình OCOP, các chủ thể sản xuất phải hiểu được OCOP là gì. “OCOP chính là đưa các sản phẩm đặc sản, đặc trưng truyền thống, dịch vụ có lợi thế đạt tiêu chuẩn của từng địa phương có khả năng cạnh tranh đến với thị trường rộng lớn của đất nước và quốc tế. Là gia tăng giá trị sản phẩm, tạo chuỗi liên kết, đưa những chủ thể kinh tế nông thôn hoạt động theo hướng chuyên nghiệp, hội nhập,...” Điều này có nghĩa rằng, các sản phẩm truyền thống, dịch vụ có lợi thế của địa phương phải đáp ứng đầy đủ các quy định, tiêu chí về chất lượng, nhãn hiệu, truy xuất nguồn gốc… Không có bất cứ ưu ái nào, tồn tại hay đào thải hoàn toàn theo quy luật của kinh tế thị trường.

Ông Trần Xuân Phong, Giám đốc Hợp tác xã chăn nuôi ong Phong Thổ, xã An Khang (thành phố Tuyên Quang) chưa bao giờ nghĩ, đơn vị mình lại có đến 3 sản phẩm được đưa vào tham gia, hỗ trợ và được gắn sao theo Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, là mật ong bạc hà, mật ong hương rừng và mật ong hoa rừng. Giờ, cả Hợp tác xã có hơn 4 nghìn đàn ong mật. Trung bình mỗi tháng, đơn vị này cung cấp cho các công ty xuất khẩu mật trong cả nước xấp xỉ 600 tấn mật các loại. Ông Phong cho biết, hầu hết sản phẩm đều cung cấp cho các doanh nghiệp xuất khẩu, lượng mật tiêu thụ nội địa chiếm tỷ lệ rất nhỏ, chỉ khoảng 10%. Hợp tác xã không ngừng lớn mạnh, kéo theo cuộc sống của người dân trong xã, trong thôn cũng “đổi đời” theo. Thôn Phúc Lộc A hiện cũng có gần chục hộ gia đình tham gia vào hợp tác xã, mỗi hộ có từ 150 - 300 đõ ong. Ngoài mật ong, người nuôi ong ở Phúc Lộc A còn cung cấp cho thị trường nhiều sản phẩm khác, như phấn hoa, sữa ong chúa… Toàn bộ sản phẩm này đều do Hợp tác xã chăn nuôi ong Phong Thổ bao tiêu. Nhìn cơ ngơi, nhà xưởng của Hợp tác xã chăn nuôi ong Phong Thổ với dàn máy hạ thủy phần (máy tách hơi nước) hiện đại, việc vận chuyển mật ong trong khuôn viên nhà xưởng không dùng sức người mà dùng sức của máy móc mới thấy không có ước mơ nào bị bỏ phí.

Homestay thôn Nặm Đíp được xã Lăng Can (Lâm Bình) lựa chọn là sản phẩm OCOP. Ảnh: K.T

Tuyên Quang hiện có 74 sản phẩm chủ lực tham gia vào Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” năm 2020. Ông Lê Hải Nam, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn, giai đoạn khởi động, tỉnh chỉ đặt kỳ vọng có từ 26 - 28 sản phẩm đạt 3 - 4 sao, còn mức độ 5 sao, tức là tham gia vào thị trường xuất khẩu quốc tế chưa có sản phẩm nào đáp ứng được. Hiện, các địa phương đã tiến hành rà soát, tự chấm điểm, nhưng số lượng các sản phẩm có khả năng được gắn sao đã tương đối ổn. Dự kiến đến cuối năm nay, có từ 46 - 48 sản phẩm đạt OCOP từ 3 - 4 sao. Đồng thời, đơn vị này tiếp tục hỗ trợ để có sản phẩm đề nghị trung ương đánh giá đạt 5 sao.

Cá kho Mạnh Mẽ của Hợp tác xã Mạnh Mẽ, xã Hòa Phú vừa được huyện Chiêm Hóa lựa chọn là 1 trong 3 sản phẩm được gắn sao lần này. Anh Nguyễn Văn Mạnh, Giám đốc Hợp tác xã cho biết, đây là sản phẩm gia truyền của gia đình. Cá trắm được nuôi thả tự nhiên, gia vị cũng do bà con trong thôn, trong xã tự cung cấp. Thời điểm đầu chủ yếu làm ra để cung cấp cho nhà hàng ăn của gia đình, nhưng sau một vài lần được lựa chọn đưa đi tham gia các hội chợ, nhận thấy nhu cầu của người tiêu dùng về thực phẩm nấu sẵn rất lớn, anh Mạnh đã nghĩ tới việc “chiếm lĩnh” thị trường này, nhất là khi trên địa bàn huyện gần như chưa ai phát triển sản phẩm theo hướng này. Việc chinh phục thị trường được Hợp tác xã Mạnh Mẽ làm quen và thích nghi theo “luật” của một cuộc chơi mới. Từ đăng ký nhãn hiệu độc quyền sản phẩm, chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm đến việc quảng bá trên các phương tiện truyền thông đại chúng… Giám đốc Hợp tác xã Nguyễn Văn Mạnh phấn khởi, giờ trung bình mỗi tháng, đơn vị cung cấp cho thị trường trên 30 kg cá kho, chủ yếu là khách quen tại thành phố. Hy vọng khi sản phẩm được gắn sao OCOP, sức lan tỏa lớn hơn, thì việc có mặt trong các siêu thị, nhà hàng lớn sẽ không còn xa vời.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Văn Việt khẳng định, OCOP không phải là cái gì đó xa vời. OCOP có thể đến từ những sản vật, sản phẩm truyền thống, dịch vụ có lợi thế của quê hương. Chủ thể sản xuất cũng có nhiều lựa chọn, hoặc chú tâm vào thị trường nội địa, hoặc là giấc mơ để vươn tầm thế giới với những sản phẩm hội tụ đủ điều kiện.

Dù gặp nhiều khó khăn, song, để các sản phẩm đặc trưng của Tuyên Quang vươn xa, đến với những sân chơi lớn ở cấp độ toàn quốc và quốc tế, OCOP chính là lựa chọn tất yếu.

Ông Đinh Công Thơ, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Hàm Yên: Hàm Yên có tiềm năng lớn để phát triển thêm nhiều sản phẩm OCOP. Toàn huyện có 5 sản phẩm được đăng ký nhãn hiệu gồm: Cam sành Hàm Yên, vịt bầu Minh Hương, cá chiên đặc sản Thái Hòa, chè Tân Thái 168, Đại bạch trà. Ngoài ra, huyện còn có các sản phẩm khác đã được Cục Sở hữu trí tuệ chấp nhận đơn hợp lệ gồm: Chè Bạch Xa, chè xanh Làng Bát, gạo Minh Hương, trâu Hàm Yên, bưởi Đức Ninh. Nhiều xã cũng đang hướng tới xây dựng nhãn hiệu hàng hóa như gà thiến Đèo Ảng, xã Bình Xa; táo và thanh long xã Yên Phú; chè xã Thái Hòa… Thời gian tới, huyện tiếp tục định hướng người dân tập trung phát triển một số cây trồng, vật nuôi chủ lực và giữ vững thương hiệu, nhãn hiệu nông sản Hàm Yên. Huyện khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư, sản xuất, chế biến, bảo quản và tiêu thụ hàng hóa nông sản...

Ông Nguyễn Thế Tuyên, Giám đốc Công ty cổ phần Khoáng sản Tuyên Quang: Siêu thị Tuyên Quang luôn chú trọng tiêu thụ các sản phẩm nông sản trên địa bàn tỉnh, góp phần ổn định đầu ra cho người nông dân. Thời gian qua, công ty phối hợp với chính quyền các địa phương tiến hành rà soát diện tích sản xuất nông nghiệp sạch để tiến hành liên kết, tiêu thụ sản phẩm cho người dân như chè, cam, miến… Mới đây nhất, siêu thị đã liên kết với Hợp tác xã Sản xuất và Dịch vụ Hưng Thành (TP Tuyên Quang) hướng dẫn người dân trồng rau an toàn, bao tiêu toàn bộ sản phẩm sau cho bà con nông dân. Tuy nhiên, siêu thị mong muốn các hợp tác xã trên địa bàn tỉnh cần chú trọng hướng dẫn người dân xây dựng hồ sơ vùng nông sản an toàn, tránh tình trạng như hiện nay, các hộ đã thực hành quy trình nông nghiệp sạch nhưng lại thiếu hồ sơ sổ sách nên siêu thị không thể bao tiêu sản phẩm được.

Ông Lê Văn Hảo, quận 9, thành phố Hồ Chí Minh: Tôi từng đến du lịch Tuyên Quang nhiều lần, thực sự ấn tượng với thiên nhiên, cảnh quan và văn hóa truyền thống của người dân vùng đất này. Tuyên Quang đặc biệt với mảnh đất Tân Trào lịch sử, hồ sinh thái Na Hang, Lâm Bình, suối khoáng Mỹ Lâm… Đến Tuyên Quang được đắm mình với thiên nhiên tươi đẹp, khí hậu thật trong lành, khiến lòng người thư thái biết bao. Nhưng tôi thấy còn thiếu những sản phẩm độc đáo được sản xuất, chế biến từ các mặt hàng có thế mạnh của Tuyên Quang và các sản phẩm lưu niệm mang nét đặc trưng của vùng miền để phục vụ khách du lịch... Mong rằng, trong thời gian tới, tỉnh sẽ có thêm nhiều sản phẩm độc đáo, có thương hiệu để du khách có sự lựa chọn đa dạng hơn trong những chuyến du lịch.

Ông Trần Khắc Bẩy, thôn Đồng Đài, xã Hợp Thành (Sơn Dương): Làng chè Đồng Đài đã được cấp giấy chứng nhận làng nghề chè, vì vậy sản phẩm chè của chúng tôi giá bán được giá hơn. Hiện gia đình tôi và một số hộ trong thôn đang chuyển đổi hình thức sản xuất chè theo hướng hữu cơ. Tuy nhiên, sản phẩm chè của làng chưa có thương hiệu, nhãn hiệu, tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm nên đầu ra chưa ổn định. Thời gian tới, người làm chè ở Đồng Đài mong muốn nhận được nhiều hơn nữa sự hỗ trợ từ các đơn vị liên quan giúp làng nghề xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm có giá trị cao hơn trên thị trường.

Bài, ảnh: Trần Liên/Báo Tuyên Quang

Tin cùng chuyên mục