“Chung thuyền” với nông dân

TQĐT - “Nhờ có Dự án hỗ trợ nông nghiệp, nông dân và nông thôn (TNSP) đã giúp người dân vùng cao chúng tôi chuyển đổi cây trồng, nâng cao thu nhập góp phần tích cực xóa nghèo bền vững. Thêm vào đó Dự án còn kêu gọi doanh nghiệp về tổ chức dạy nghề, hướng dẫn hộ nghèo biết “chung thuyền” với doanh nghiệp, trang bị kiến thức trồng, chăm sóc, thu hái chè để bà con vững tin trong ngành nghề mới”. Đó là nhận xét của anh Vân Đình Thảo, Bí thư Huyện ủy Nà Hang khi cùng đoàn công tác về cơ sở trên địa bàn huyện.

Chuyển đổi cây trồng nâng cao thu nhập

Cùng đoàn công tác của Dự án TNSP về cơ sở kiểm tra hoạt động Phát triển chuỗi giá trị vì người nghèo (đây là 1 trong 3 hợp phần của dự án được triển khai trong giai đoạn 2011 - 2016) tại thôn Khuổi Phầy, xã Hồng Thái, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi thấy đông bà con người Mông đang tập trung chăm sóc vùng chè mới trồng. Nơi đây có độ cao từ  800 - 1.200 m so với mực nước biển, Hồng Thái được ví như các điểm du lịch nổi tiếng trong nước như: Đà Lạt, Lâm Đồng hay Sa Pa. Cùng với khí hậu quanh năm mát mẻ là điều kiện thuận lợi cho cây chè phát triển, nhất là các giống chè có giá trị kinh tế cao như: chè Shan tuyết, Phúc Vân Tiên, Kim Tuyên.


Cán bộ Công ty cổ phần chè Sông Lô hướng dẫn bà con thôn Khuổi Phầy,
xã Hồng Thái (Nà Hang) cách thức thu hái chè vụ xuân 2016.

Anh Đặng Đức Toàn, Bí thư Đảng ủy xã Hồng Thái chia sẻ, cây ngô là cây lương thực chính của đồng bào Mông và gắn liền với đời sống của bà con vùng cao bao đời nay nên khi vận động bà con chuyển sang trồng cây công nghiệp chúng tôi gặp ít khó khăn. Thời kỳ đầu chỉ có 1 hộ hưởng ứng, rồi đến 5 hộ và giờ đã có 18 hộ góp đất trồng được 30 ha. Đây không chỉ là chuyển biến lớn làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm mà đang giúp cho bà con vùng cao của huyện nâng cao thu nhập, góp phần tích cực công tác xóa đói giảm nghèo bền vững. 

Hỏi chuyện cây chè “lấn đất” trồng ngô, ông Lý Văn Đình, chủ hộ đã góp đất và ngày công trồng 6 ha chè Phúc Vân Tiên cho biết: Đây là kết quả liên kết giữa doanh nghiệp chè dưới xuôi với bà con thôn Khuổi Phầy đấy. Theo ông Đình, trước đây gia đình có 4 ha chuyên trồng ngô, mỗi héc ta ngô thu được 3,5 triệu đồng/năm. Năm 2015, anh chuyển 4 ha đất trồng ngô và 2 ha trồng màu ở khu đồi thấp sang trồng chè và được công ty hỗ trợ 8 triệu đồng/ha/năm. Năm nay, năm thứ 2 chè bắt đầu cho thu hái, dự kiến thu 3 tấn/ha. Với giá thu mua 2 triệu đồng/tấn anh ước 18 tấn búp tươi sẽ thu được 36 triệu đồng, tăng gấp 2 lần so với trồng ngô. Khi chúng tôi hỏi diện tích chè rộng, thời kỳ đầu mất rất nhiều công chăm sóc, sao ông không thuê người làm? Lý giải công việc trên ông Đình bảo họ chưa được tập huấn, không biết cách làm, sới cỏ mà sới sâu sẽ làm đứt rễ chè và làm đất nhanh rửa trôi nên tự gia đình làm mới đảm bảo kỹ thuật. 

Kéo doanh nghiệp về nông thôn giúp hộ nghèo

Nói về vai trò của doanh nghiệp trong liên kết sản xuất sản phẩm, đồng chí Phạm Ninh Thái, Giám đốc Ban điều phối dự án TNSP tỉnh cho biết, mục tiêu dự án là tăng thu nhập, cải thiện đời sống bền vững cho hộ nghèo, hộ cận nghèo. Thông qua việc lựa chọn cây trồng có ưu thế trên địa bàn, kéo doanh nghiệp vào đầu tư mở rộng diện tích, tạo cơ hội cho nhiều hộ tham gia là yếu tố quan trọng của phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững. Lựa chọn doanh nghiệp vào tham gia chương trình, chúng tôi đã kêu gọi Công ty cổ phần Chè Sông Lô vào cuộc. Đây là doanh nghiệp luôn giữ vững chữ tín trong kinh doanh.

Anh Ngô Đức Tú, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Chè Sông Lô nhận xét, tham gia thực hiện chương trình, bước đầu Công ty cùng với xã và hỗ trợ các tổ hợp tác thực hiện phân tích điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và những thách thức để lập kế hoạch phát triển sản phẩm chè. Năm 2014 Công ty liên kết với tổ hợp tác trồng chè thôn Khuổi Phầy xã Hồng Thái trồng 30 ha chè Phúc Vân Tiên, Kim Tuyên; chăm sóc cải tạo 60,4 ha chè Shan tuyết sẵn có của các thành viên tổ hợp tác với hơn 250 hộ hưởng lợi (68% hộ nghèo, cận nghèo và 100% hộ dân tộc thiểu số); liên kết với tổ hợp tác trồng, chế biến chè Thôn Khau Tràng trong xã thu mua và chế biến chè đặc sản và chè Shan tuyết. Trong năm 2015 đã thu mua và chế biến 30 tấn chè búp tươi, giá mua nguyên liệu của bà con là 20 nghìn đồng và giá bán sản phẩm chè bình quân đạt trên 180 nghìn đồng/kg. Năm 2016 Công ty sẽ xây dựng nhà máy với dây chuyền công nghệ tiên tiến, hiện đại tại xã Hồng Thái có công suất là 10 tấn/ngày và xây dựng thương hiệu Chè Shan Kia Tăng Hồng Thái. Để tạo lập vùng nguyên liệu, công ty đã thực hiện hỗ trợ giống, phân bón, tập huấn hướng dẫn trồng chăm sóc chè đặc sản và cải tạo diện tích chè Shan của các hộ để sản xuất chè theo đúng quy trình kỹ thuật của Công ty nhằm nâng cao giá trị của sản phẩm chè, đặc biệt là giống chè đặc sản do Công ty hỗ trợ. 

Bài học từ lợi ích cho hộ nghèo

Qua 3 năm triển khai trồng chè đặc sản theo mô hình liên kết (công-tư), bước đầu đã tạo lập được vùng cây trồng hàng hóa và có sản phẩm đưa ra thị trường. Bằng công việc cụ thể, hiệu quả từ sản xuất mang lại đã nâng cao nhận thức của người nghèo trong liên kết sản xuất hàng hóa. Trên cơ sở đó các hộ dân làm chè biết phối hợp cùng nhau (tạo nhóm sở thích) cùng làm cỏ, cùng bón phân và cùng nhau thu hái là điều kiện thuận lợi cho thu mua chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Nhờ có sự hỗ trợ nguồn vốn dự án TNSP, người dân được tập huấn kỹ thuật, liên kết thị trường cùng các nhóm sở thích, tổ hợp tác và các nhóm tiết kiệm vay vốn là tiền đề và được duy trì phát triển. Sự tác động vốn dự án đã nâng cao vai trò doanh nghiệp trong mối liên kết sản xuất, giúp hộ gia đình nông thôn vùng cao có tăng thu nhập, cải thiện đời sống đó là kết quả bền vững của một dự án. Dự án TNSP thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập của dân cư nông thôn, xóa đói giảm nghèo bằng việc thực hiện có hiệu quả tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. 

Hoạt động của Dự án TNSP còn tạo hoạt động liên quan đến chuỗi giá trị, góp phần tăng thu nhập cho hộ nông dân vùng khó khăn. Đặc biệt nhóm hộ hưởng lợi chính là hộ nghèo và cận nghèo được tăng thu nhập, nâng cao đời sống và giảm khoảng cách giàu nghèo giữa các vùng miền của tỉnh. Từ phương châm mỗi xã có một sản phẩm nông nghiệp hàng hóa có sự liên kết trong sản xuất (giữa doanh nghiệp với nông dân) theo chuỗi giá trị sản phẩm (sản xuất nông nghiệp - chế biến - dịch vụ và tiêu thụ sản phẩm) và sử dụng nhiều lao động là hướng phù hợp, phát triển bền vững. 

Bài, ảnh: Duy Hùng

Tin cùng chuyên mục