Chung tay xây dựng xứ Mường

TQĐT - Lướt qua Google Maps, xã Côn Lôn (Nà Hang) hiện ra với cái tên Trung Mường. Cái tên vừa lạ, vừa quen được đặt từ thời Pháp thuộc và vẫn còn sử dụng tới bây giờ. Đối với đồng bào dân tộc Tày, chỉ nơi nào rộng lớn, phát triển mới được gọi là “mường”. Trung Mường là đơn vị hành chính lớn từng là trung tâm của tổng Côn Lôn xưa, bao gồm các xã vùng thượng huyện Nà Hang (khu C ngày nay). Xã vùng cao nằm giữa bao la núi rừng Nà Hang đang trên chặng đường nước rút về đích trở thành xã nông thôn mới. Người dân nơi đây đang mong mỏi, Côn Lôn sẽ trở thành địa phương phát triển để lại trở thành xứ mường của huyện vùng cao Nà Hang.

“Muốn ăn thì phải xuống Mường”


Cánh đồng Mường Loòng và khu dân cư  thôn Đon Thài, xã Côn Lôn (Nà Hang).

Chiếc ô tô băng băng xuống đèo Bụt khá nhanh khiến chúng tôi có có cảm giác ù tai vì thay đổi áp suất không khí. Chỉ vài năm trước, con đèo này là bức tường ngăn cách giữa Côn Lôn với các xã khác. Dưới chân đèo phía Côn Lôn còn một đoạn dốc đứng, trước đây người dân trong vùng gọi con dốc này là dốc Mỡ. Anh cán bộ xã đi cùng lý giải, người dân gọi là dốc “Mỡ” vì hai lý do, thứ nhất là cánh rừng bên con dốc rất nhiều cây gỗ mỡ, thứ hai có vẻ hợp lý hơn là con dốc trơn như đổ mỡ. Người cán bộ này kể, ngày trước, khi đường chưa được trải nhựa, chỉ cần vài hạt mưa là xe cộ không thể đi nổi. Nhiều người nơi khác đến mua thóc, mua gà ở Côn Lôn gặp mưa là phải ở lại, chờ đường khô mới chở đi được. Đến cả con trâu của người dân dưới bản, đi ăn trên rừng về, “bấm móng” không khéo, trượt xuống dốc, ngã gãy chân, thủng bụng là chuyện bình thường...

Hết con dốc, con đường nhựa băng băng chạy dọc cánh đồng trong thung lũng. Xứ Trung Mường là đây, trung tâm của tổng Côn Lôn nức tiếng một thời. Đây cũng là mảnh đất được làm nơi khởi đầu cho cuộc khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền ở Nà Hang (tháng 4-1945). Chủ tịch UBND xã Nguyễn Xuân Bạch chỉ tay ra con đường bê tông chạy giữa cánh đồng: “Xưa kia, hai bên suối là các bản Muông và Bản Kèo. Người ta gọi đây là Mường Loòng. Ngược lên thượng nguồn con suối, khu trung tâm xã bây giờ là Bản Vền, Nà Chợ, nơi ấy là Mường Bảng”. Nghe các cụ kể lại thì đất Mường ngày xưa nổi tiếng lắm. Ở Bản Muông, Bản Kèo, nóc nhà nọ sát nóc nhà kia. Người dân trong vùng thường nói “Muốn có ăn thì phải xuống Mường, hay “Học buôn thì phải xuống Mường”... Trung Mường xưa xứng đáng là trung tâm của tổng Côn Lôn. Mường Loòng có họ cử nhân, giỏi võ, Mường Bảng có Nà Chợ buôn bán nức tiếng cả vùng. Cánh đồng Trung Mường quanh năm xanh tốt, người dân trồng lúa không cần chăm vẫn tốt bời bời... Những năm đế quốc Mỹ leo thang ném bom Miền Bắc, xứ Trung Mường trở thành một trong những mục tiêu phá hoại trong vùng Miền núi phía Bắc. Vì thế, người dân xứ Mường phải sơ tán để tránh bom. Chỉ một số ít gia đình sau đó còn trở về xứ Mường. Kể từ đó, Trung Mường không còn là trung tâm của vùng nữa.

Chung sức xây dựng quê hương


Hơn 180 hộ dân xã Côn Lôn (Nà Hang) được hỗ trợ giống gia cầm để phát triển chăn nuôi.

Ngã rẽ đầu tiên qua dốc Mỡ là một con đường bê tông chạy xuyên qua cánh đồng Bản Kèo. Chúng tôi ít gặp cánh đồng nào nằm trong thung lũng lại màu mỡ hơn cánh đồng ở Côn Lôn. Cánh đồng rộng tới hơn 75 ha, nằm dọc con suối Nậm Mường, quanh năm không khi nào thiếu nước. Tôi nhớ lời của một cán bộ công tác lâu năm ở huyện Nà Hang nhận định rằng “Chưa bao giờ thấy Côn Lôn mất mùa”. Cách đây 4 năm, bà con trong xã đã biến cánh đồng này thành “Cánh đồng mẫu lớn”. Bà con trong xã gieo cùng giống, cấy cùng trà, chăm cùng đợt. Năng suất tăng lên trên 80 tạ/ha. Nhà nào nhà nấy thóc lúa đầy bồ, quanh năm không lo thiếu gạo. Đón chúng tôi trong căn nhà nhỏ, ông Nguyễn Quảng Can, người thôn Bản Kèo cởi mở: “Nông thôn mới về bản, dân tình mừng lắm các chú ạ. Ngày xưa nhà nào khá lắm mới có được cái xe đạp, thế mà phải vác xe nhiều hơn đi. Bây giờ khác lắm rồi, điện, đường, trường, trạm đủ cả. Tháng trước họp thôn, bác hiến luôn cho thôn mảnh vườn để làm nhà văn hóa. Nhà nước hỗ trợ nhiều thế, dân bản cũng phải có đóng góp chứ!”.

Tuy nhiên, cây lúa trên cánh đồng phì nhiêu nhất huyện Nà Hang này chưa thể giúp người dân xứ Mường xưa làm giàu. Xã có trên 5.600 ha đất tự nhiên, nhưng thu nhập của gần 500 hộ dân trong xã chỉ trông vào vỏn vẹn hơn 130 ha đất nông nghiệp. Dịch vụ chưa phát triển, chăn nuôi chưa thành vùng tập trung. Khi được hỏi về số hộ nghèo trong xã, giọng anh cán bộ chùng hẳn xuống: “Vẫn còn hơn 50% chú ạ!”. Đứng ở Mường Loòng nhìn ra xung quanh, Côn Lôn 4 bề là núi. Con dốc Mỡ dưới chân đèo Bụt bao năm trở thành cửa ải ngăn cách Trung Mường với thế giới bên ngoài. Đường đã được mở, bà con đi lại thuận tiện, nhưng chưa đủ để những tiềm năng sẵn có của Côn Lôn thoát khỏi sự ứ đọng bao lâu nay. Xứ Mường xưa ngủ yên trong bộn bề rừng núi. So với vài năm trở lại đây, đời sống của bà con ở Côn Lôn được nâng lên đáng kể. Thu nhập bình quân ở Côn Lôn năm 2011 mới đạt con số khiêm tốn: 4 triệu đồng/người/năm. Đến nay, con số này tăng lên khoảng 14 triệu. Xét về những tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới, Côn Lôn đã đạt 13 tiêu chí, trong đó có những tiêu chí được coi là động lực để thúc đẩy phát triển kinh tế như giao thông, điện, thủy lợi, bưu điện, hình thức tổ chức sản xuất, giáo dục, y tế, văn hóa... Những tiêu chí còn lại dự kiến sẽ được hoàn thành trong năm nay. Nhưng nan giải nhất vẫn là tiêu chí về thu nhập và tỉ lệ hộ nghèo.

Chủ tịch UBND xã Nguyễn Xuân Bạch chia sẻ, từ đầu năm đến nay, nhà nước đã hỗ trợ 800 triệu đồng hỗ trợ trực tiếp cho bà con phát triển sản xuất. Trong đó, 2/3 số tiền hỗ trợ hơn 100 hộ nuôi dê sinh sản, còn lại gần 200 hộ được hỗ trợ chăn nuôi gà, vịt. Khi đặt ra mục tiêu phấn đấu đạt xã nông thôn mới trong năm nay, bà con ở Côn Lôn được tỉnh, huyện hỗ trợ nhiều. Nếu theo cách tính thu nhập đa chiều, đến cuối năm nay, xã Côn Lôn sẽ đạt các tiêu chí như mục tiêu đã đặt ra. Tuy nhiên, điều mà người dân mong muốn là hướng thoát nghèo bền vững, lâu dài. Đàn gia cầm được hỗ trợ sinh trưởng tốt đấy, cán bộ sâu sát với dân, phòng dịch tốt đấy, nhưng giống vịt được hỗ trợ có trở thành loại con đặc sản như ở huyện Hàm Yên, Yên Sơn hay không? Hết lứa được hỗ trợ rồi, dân xứ Mường xưa có tái đàn, có biết cách để phát triển quy mô  hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung hay không?... Những câu hỏi như vậy không chỉ đặt ra cho những người lãnh đạo mà cả những người con xứ Mường xưa phải tìm lời giải đáp. Anh Bạch nhận định: “Hiệu quả lâu dài dễ nhận thấy là hướng chăn nuôi dê, nuôi đại gia súc và nuôi gia cầm đặc sản. Con suối Nậm Mường chạy dọc xã là lợi thế mà người xứ Mường xưa nuôi Ngỗng cỏ, một giống ngỗng bản địa, thịt ngon được nhiều người ưa chuộng. Hiện nay, các hộ gia đình ở Bản Viềng, Bản Kèo, Bản Muông đã nuôi được vài trăm con. Tuy nhiên, quy mô chăn nuôi của từng hộ vẫn còn nhỏ, mỗi nhà chỉ hơn chục con. Có người muốn nuôi nhiều lại đắn đo vì xã cách xa thị trường tiêu thụ”. Anh Chủ tịch trẻ cũng tiết lộ dự định của xã là thu gom trứng vịt bầu, trứng ngỗng bản địa trong vùng, nhân giống để hình thành vùng chăn nuôi đặc sản. Vừa nuôi đặc sản vừa giúp dân quảng bá, tiếp cận thị trường. Kinh nghiệm về thực hiện cánh đồng mẫu lớn và bê tông hóa đường giao thông nông thôn trong thời gian qua ở Côn Lôn cho thấy sức dân ở Côn Lôn rất mạnh. Chủ trương xây dựng nông thôn mới lại được nhân dân ủng hộ. Vì thế để Côn Lôn có vị thế của “xứ Mường” như trước đây sẽ trở thành hiện thực.

Chia tay Trung Mường để tiếp tục chuyến đi đến với xã vùng cao khác của Nà Hang, chúng tôi quay trở lại đèo Bụt. Anh Chủ tịch xã bật mí, huyện Nà Hang đã có chủ trương mở rộng đoạn đường nối giữa Côn Lôn với xã Thượng Nông. Sau khi chủ trương này được thực hiện, đường vào Côn Lôn không còn là đường cụt. Thêm đường, thêm tuyến, hàng hóa ở Côn Lôn sẽ hòa vào dòng chảy của thị trường để bà con nơi đây nhanh chóng xây dựng xứ Mường.

Ghi chép: Vũ Tuấn

Tin cùng chuyên mục