Bứt phá trong công tác giảm nghèo ở xã Năng Khả

Từ trên 40% số hộ trên địa bàn là hộ nghèo theo kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều (đầu năm 2016), đến nay tỷ lệ hộ nghèo của xã Năng Khả (Na Hang) đã giảm hơn một nửa. Điều này cho thấy, những giải pháp đồng bộ như: Tạo điều kiện cho hộ nghèo vay vốn, hỗ trợ sản xuất, đào tạo nghề và giải quyết việc làm... đã thực sự mang lại hiệu quả thiết thực, giúp tăng thu nhập cho người dân trên địa bàn xã.

Người dân thôn Nà Chang học nghề may tre đan do UBND xã phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện tổ chức.

Gia đình anh Phùng Văn Trường, dân tộc Tày ở thôn Nà Khá thuộc diện hộ nghèo, qua tìm hiểu nguyên nhân do gia đình anh Trường thiếu vốn sản xuất và không có nghề nghiệp ổn định. Từ đó, xã đã tạo điều kiện cho gia đình anh Trường vay vốn thông qua tổ tín dụng của thôn để đầu tư mua trâu sinh sản. Gia đình anh còn được tham gia học các lớp về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi. Nhờ nắm vững kỹ thuật, mô hình nuôi trâu sinh sản của gia đình anh phát triển tốt, khi đạt số lượng, gia đình anh bán dần thu hồi vốn và có thu nhập đều hàng năm. Cùng với đó, gia đình anh Trường đã phát triển thêm mô hình chăn nuôi gia cầm, nuôi tằm và đã vươn lên thoát nghèo trong năm 2018.

Không chỉ khuyến khích, tạo điều kiện để người dân phát triển sản xuất, tạo việc làm tại chỗ, UBND xã còn thường xuyên phối hợp với các cơ quan chức năng của huyện và các doanh nghiệp uy tín trong và ngoài tỉnh tổ chức hoạt động tư vấn, tuyển dụng lao động đi làm việc, tổ chức dạy nghề cho người lao động trên địa bàn. Chị Hoàng Thị Sứ, dân tộc Tày ở thôn Nà Chang nói, gần đây chị được tham gia lớp dạy nghề mây tre đan do UBND xã phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện tổ chức. Lớp học rất bổ ích, thu hút gần 30 học viên, đến nay sau 3 tháng học nghề, chị và các học viên đã biết đan các sản phẩm: Làn, khay đựng hoa quả, bình hoa... Các sản phẩm này hiện nay nhu cầu trên thị trường rất nhiều. Chị tin rằng sau khi học nghề xong sẽ giúp chị và các học viên phát triển nghề phụ để tăng thu nhập cho gia đình.

Theo thống kê của UBND xã, từ năm 2016 đến nay đã có trên 1.200 lượt hộ nghèo, cận nghèo được vay vốn phát triển sản xuất; xã đã phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện, các đơn vị mở 11 lớp dạy nghề cho 385 lao động nông thôn. Cùng với đó, qua các phiên tư vấn, giới thiệu việc làm, mỗi năm trên địa bàn xã có trên 100 lao động đi làm việc tại các cụm, khu công nghiệp trong và ngoài tỉnh. Công tác xuất khẩu lao động đang là hướng đi mới giúp nhiều gia đình vươn lên có kinh tế khá. Đồng chí La Văn Đường, Phó Chủ tịch UBND xã Năng Khả cho biết, trong thời gian tới, xã tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp trong công tác giảm nghèo. Trong đó, xác định những nhiệm vụ trọng tâm là: Tăng cường hoạt động dạy nghề cho người lao động trên địa bàn gắn với giải quyết việc làm mới cho người lao động; ưu tiên, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có năng lực và uy tín đến tư vấn, tuyển dụng lao động đi làm việc; thực hiện hiệu quả, kịp thời các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, của tỉnh đối với hộ nghèo..., phấn đấu đến hết năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm xuống còn 17,2%. 

Những giải pháp giảm nghèo hiệu quả ở Năng Khả đã góp phần nâng cao thu nhập, đời sống của người dân trên địa bàn. Từ đó, tiếp tục củng cố và nâng cao chất lượng các tiêu chí của xã nông thôn mới, làm thay đổi diện mạo nông thôn trên địa bàn xã.      

Bài, ảnh: Huy Hoàng/Báo Tuyên Quang

Tin cùng chuyên mục