Bừng sáng bức tranh nông thôn

TQĐT - Sự quan tâm hỗ trợ của Nhà nước, sự nỗ lực vượt lên khó khăn của các địa phương và hơn cả là sự chung tay vào cuộc của người dân - những chủ thể trong công cuộc xây dựng nông thôn mới đã mang lại một bức tranh mới giàu đẹp hơn cho nhiều miền quê nông thôn trong tỉnh.

Nông dân xóm 12, xã Mỹ Bằng (Yên Sơn) sử dụng máy thu hái chè nguyên liệu. Ảnh: Duy Hùng

Từ một xã khó khăn, giờ đây xã Mỹ Bằng (Yên Sơn) đã vươn mình trở thành điểm sáng trong xây dựng nông thôn mới và là trung tâm cụm các xã phía tây nam của huyện. Đồng chí Đỗ Văn Dậu, Chủ tịch UBND xã cho biết: Xây dựng nông thôn mới, bên cạnh sự hỗ trợ của nhà nước, người dân trong xã đã tự nguyện đóng góp công sức, vật chất trị giá trên 60 tỷ đồng để xây dựng 131 km đường giao thông nông thôn; xây dựng 25 nhà văn hóa thôn; kiên cố 28 km kênh mương nội đồng.

Chung tay xây dựng kết cấu hạ tầng, người dân Mỹ Bằng tập trung khai thác tiềm năng, thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là sản xuất, chế biến chè. Hiện nay, toàn xã có 670 ha chè đang cho thu hái, sản lượng hàng năm đạt khoảng 8.000 tấn, doanh thu trung bình đạt trên 35 tỷ đồng/năm. 

Cùng với sản xuất chè lai, người dân Mỹ Bằng đã mạnh dạn thử nghiệm, từng bước nhân rộng giống chè đặc sản có lợi thế cạnh tranh cao như: chè Bát Tiên, chè Ngọc Thúy... Lĩnh vực chăn nuôi cũng đã mang lại nguồn thu đáng kể cho người dân nơi đây, hiện nay, nhãn hiệu sản phẩm gà chất lượng cao Mỹ Bằng đã khẳng định được chỗ đứng trên thị trường trong và ngoài tỉnh.

Tại xã, hoạt động thương mại, dịch vụ đồng thời phát triển, phục vụ sản xuất nông nghiệp hàng hóa trên địa bàn. Ngoài Công ty cổ phần Chè Mỹ Lâm đã thực hiện liên kết sản xuất chế biến chè xuất khẩu, trên địa bàn xã Mỹ Bằng còn có các tổ hợp tác, hợp tác xã nông nghiệp tham gia cung ứng các dịch vụ phát triển sản xuất hàng hóa.

Diện mạo xã Kim Bình (Chiêm Hóa) cũng đã được thay đổi đáng kể từ công cuộc xây dựng nông thôn mới. Đồng chí Đào Ngọc Vang, Chủ tịch UBND xã vui mừng cho biết: Hiện nay, các công trình trường học, bệnh viện khu vực, đường giao thông... đã được đầu tư xây dựng đạt chuẩn, phục vụ tốt cho việc sản xuất và sinh hoạt của bà con.

Hạ tầng phát triển đã tạo điều kiện cho các hoạt động thương mại dịch vụ phát triển. Thôn Đồng Ẻn giờ đã trở thành khu dân cư thương mại. Tại đây các cửa hàng, cửa hiệu tự chọn như ở thành phố, đô thị. Bên cạnh hàng hóa tiêu dùng thiết yếu, may mặc; các mặt hàng điện tử, điện lạnh cũng được các tiểu thương đưa về nên giờ bà con không còn phải ra thị trấn hay về trung tâm thành phố mới mua được nữa. 

Trong sản xuất nông nghiệp, từ thói quen sản xuất manh mún nhỏ lẻ, tự cung, tự cấp, người dân Kim Bình đã dần chuyển hướng sang sản xuất hàng hóa. Hiện nay, toàn xã có khoảng 500 ha chuối tây cho thu hoạch, sản phẩm chuối tây Kim Bình không những xuất bán ra các tỉnh trong khu vực mà đã xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

Thống kê chưa đầy đủ, hàng năm xã Kim Bình đã xuất bán ra thị trường trên 7.000 tấn chuối quả. Ngoài sản phẩm chuối Tây, cây mía trở thành cây làm giàu cho người dân địa phương. Thu nhập bình quân đầu người toàn xã đạt 21 triệu đồng/người/năm  

Không riêng các xã đã hoàn thành chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tại các xã đang nằm trong lộ trình, công cuộc xây dựng nông thôn mới cũng thổi luồng sinh khí mới cho cả chính quyền và người dân.

Ông Nguyễn Văn Hải, thôn Hợp Hòa 2, xã Lưỡng Vượng (TP Tuyên Quang) phấn khởi nói: Xây dựng nông thôn mới, người dân chúng tôi đều tự nguyện đóng góp công sức, tiền của chung tay cùng nhà nước xây dựng các công trình phục vụ lợi ích chung. Báo cáo của UBND xã Lưỡng Vượng, trong tổng số 1,2 tỷ đồng nâng cấp, xây dựng 5 nhà văn hóa thì người dân trong xã đóng góp 620 triệu đồng.

Theo Văn phòng điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh, năm 2016, tỉnh đầu tư 116,4 tỷ đồng để xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng và triển khai các dự án phát triển sản xuất cho người dân tại các địa phương nằm trong lộ trình xây dựng nông thôn mới và các xã thuộc đối tượng ưu tiên.

Trong đó, vốn sự nghiệp 21,9 tỷ đồng, vốn đầu tư phát triển 21,5 tỷ đồng và vốn trái phiếu chính phủ là 73 tỷ đồng. Sự đầu tư của nhà nước và sự chung tay vào cuộc của người dân đã mang đến một sức sống mới ấm no, hạnh phúc trên mỗi làng quê.                  

Đoàn Thư

Tin cùng chuyên mục