Bức tranh mới ở Hợp Thành

- Sau những nỗ lực trong xây dựng nông thôn mới, bức tranh nông thôn Hợp Thành (Sơn Dương) được tô điểm nhiều “gam màu” tươi sáng. Sự sung túc, đủ đầy hiển hiện trong mỗi nếp nhà, đời sống tinh thần của người dân được nâng lên rõ rệt.

Cuộc sống đổi thay

Làng Sảo nơi đón Bác Hồ, Trung ương Đảng, Chính phủ rời Hà Nội sau ngày toàn quốc kháng chiến giờ đã thay đổi hoàn toàn. Rảo bước trên tuyến đường bê tông sạch đẹp đến từng ngõ xóm, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Làng Sảo Nguyễn Duy Biền cho biết: “Những con đường bê tông này là kết quả của sự đồng thuận cao từ nhân dân. Trước đây, toàn bộ các tuyến đều là đường đất nhỏ hẹp, người dân đi lại rất vất vả, nông sản làm ra cũng khó vận chuyển về nhà. Khi quyết định làm đường, cấp ủy, ban quản lý thôn đã lường trước được đây là việc khó, tốn kém, nên đã họp bàn rất kỹ, lấy ý kiến của người dân trong thôn cả về cách làm, đóng góp và phương án thi công. Làng Sảo đã làm 1 km đường giao thông nông thôn, 500 m đường bê tông nội đồng; xây dựng nhà văn hóa thôn theo phương châm “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ”. Anh La Tiến Văn, người dân Làng Sảo phấn khởi bảo, cuộc sống đã khác trước nhiều, đường đẹp, nhà đẹp, chất lượng cuộc sống ngày một tốt lên.

Ngôi nhà của anh Triệu Văn Quyết là ngôi nhà tạm cuối cùng của Làng Sảo. Dẫn chúng tôi thăm ngôi nhà vừa được hoàn thành tháng trước, ông Biền bảo, cả 2 vợ chồng đều bệnh tật cả nên nhiều năm phải ở nhà dột nát. Năm nay, được Tỉnh đoàn hỗ trợ 50 triệu đồng từ nguồn quỹ “Ngôi nhà 26-3” cộng với tiền hỗ trợ của các mạnh thường quân, bà con lối xóm và anh em trong nhà, thôn đứng ra quản lý số tiền và xây dựng căn nhà cấp 4 rộng gần 50 m2.

Thôn Cây Sấu, xã Hợp Thành vẫn giữ được nét đẹp làng quê truyền thống.

Anh Quyết chân đi tập tễnh vì đau nhưng niềm nở mời nước, bảo: “May quá có nhà mới chứ không rét thế này chả biết đắp bao nhiêu chăn mới ấm”. Câu nói giản dị nhưng ánh mắt của anh toát ra niềm hạnh phúc vô bờ. Anh bệnh tật nên sức khỏe yếu, trái nắng trở trời lại đau nên không làm thuê, làm mướn được nhiều. Anh bảo, khổ lắm, trước ngày nhà bốn bề gió thổi. Giờ có nhà xây, cuộc sống tốt hơn nhiều. Rồi anh chỉ tay ra vườn rau giới thiệu, đất vườn nhiều, gia đình đang trồng rau, trồng cây ăn quả… cũng phải sống sạch sẽ, gọn gàng hơn trước chứ. 

Khu dân cư Đồng Diễn đã thay đổi rõ nét, đường làng, ngõ xóm quang đãng sạch sẽ, nhà sinh hoạt cộng đồng cũng được xây dựng khang trang nhất xã; có đường điện thắp sáng ban đêm; an ninh trật tự ổn định... Kết quả của sự đổi thay này là kết quả của toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới. Ông Lê Văn Bắc, Bí thư Chi bộ Đồng Diễn kể: Năm 2018, thôn thành lập Tổ tự quản với 9 thành viên, đây là thành phần nòng cốt cùng với các hộ dân tập trung để hoàn thành tiêu chí môi trường. Tổ tự quản có nhiệm vụ kiểm tra, đôn đốc các hộ thực hiện công tác đảm bảo vệ sinh môi trường từ đồng ruộng đến mỗi hộ gia đình; phối hợp với các đoàn thể trong thôn thực hiện trồng hoa ven đường, xây dựng đường điện thắp sáng đường làng; kiểm tra, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn. Hiện trong thôn nhà nào cũng có hố rác, xử lý rác ngay tại nhà không bỏ rác ra ngoài đường.

Ở tất cả cánh đồng đều có bể chứa bao đựng thuốc bảo vệ thực vật. Thành viên Tổ tự quản có nhiệm vụ thu gom đưa về kho chứa của thôn và được công ty môi trường đem đi xử lý. Anh Trần Quyết Thắng, một trong những hộ có trang trại chăn nuôi gà của thôn Đồng Diễn cho biết, hiện trang trại của anh nuôi 2.000 con gà thịt, trung bình mỗi năm đem lại thu nhập cho gia đình trên 100 triệu đồng. Để đảm bảo môi trường, anh đặt trang trại cách xa nơi ở, áp dụng nhiều biện pháp xử lý chất thải đúng quy định.

Về đích sớm

Về Hợp Thành hôm nay, không chỉ hạ tầng đổi mới mà tư duy, thu nhập của người dân đã thay đổi nhiều. Bởi những năm qua, tiêu chí thu nhập được xã coi là tiêu chí “xương sống” để xây dựng nông thôn mới bền vững.

Chủ tịch UBND xã Hoàng Thế Mạnh khoe, trong 5 năm trở lại đây, xã luôn nằm trong top đầu của huyện Sơn Dương về hoàn thành và vượt chỉ tiêu trồng rừng. Hiện toàn xã có gần 2.000 ha rừng gồm rừng trồng của nhân dân và rừng liên doanh với Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Sơn Dương. Kinh tế rừng là nguồn thu nhập chính của người dân với 16/17 thôn có rừng trồng, nhiều hộ có từ 10 - 15 ha rừng.

Ngôi nhà của anh Triệu Văn Quyết, thôn Làng Sảo, xã Hợp Thành vừa hoàn thành từ nguồn xã hội hóa.

Cùng với rừng, người dân trong xã đã nâng cao chất lượng thâm canh 104 ha chè với sản lượng đạt trên 700 tấn/năm. Ông Hứa Văn Mão, Trưởng thôn Đồng Đài cho biết, thôn có 60 hộ với hơn 80% số hộ sản xuất chè, cây chè đã được người dân trồng từ hơn 20 năm trước nên có nhiều kinh nghiệm thâm canh. Do đem lại thu nhập ổn định nên những năm gần đây diện tích chè không ngừng tăng, đến nay thôn có gần 30 ha chè. Ngoài cải tạo đưa các giống chè mới năng suất, chất lượng vào trồng thay thế giống chè cũ người dân còn mạnh dạn ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trồng, chăm sóc chế biến chè. Thôn đã được cấp giấy chứng nhận làng nghề chè, đây sẽ là cơ hội để chè Đồng Đài có thương hiệu riêng.

Trên địa bàn xã cũng phát triển 21 mô hình trang trại với tổng đàn vật nuôi hàng năm đạt gần 40.000 con, trong đó có 19 trang trại chăn nuôi gia cầm với tổng đàn 31.000 con/năm. Xã có HTX chăn nuôi gia cầm xã Hợp Thành với 17 thành viên với tổng đàn gia cầm lên đến 30.000 con/năm, mang lại thu nhập cho các thành viên mỗi năm từ 100 - 300 triệu đồng.

Bên cạnh sản xuất nông lâm nghiệp, thương mại dịch vụ được người dân phát huy lợi thế nằm dọc Quốc lộ và trung tâm huyện lỵ Sơn Dương với hơn 40 hộ kinh doanh các loại hình dịch vụ từ nhà nghỉ, vật liệu xây dựng, cung ứng lương thực, thực phẩm… Với sự đa dạng về loại hình kinh tế, thu nhập bình quân đầu người năm 2021 đạt 37,85 triệu đồng/người/năm.

Kinh tế phát triển, thu nhập của người dân nâng cao, người dân đã chung sức cùng cấp ủy, chính quyền xã hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Đồng chí Ngô Hải Ngà, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Cây Sấu chỉ tay giới thiệu: “Đây nhé, cây đa đầu làng, giếng nước ngày xưa cán bộ cách mạng dùng nấu cơm vẫn còn nguyên vẹn, mới đây thôn xây dựng cổng làng gần 30 triệu đồng, nhằm lưu giữ “hồn quê” để nông thôn mới hiện đại nhưng vẫn có nét đẹp của làng quê truyền thống”. Quả thật, khi nhìn thấy cây đa, giếng nước, cổng làng đều gợi nhớ hình tượng của làng quê xưa. Ông Ngà tự hào, “Cây Sấu hiện đại chứ! Thôn có 107 hộ, có 70 hộ có cuộc sống khá giàu, thu nhập bình quân đầu người của thôn đạt 5,5 triệu đồng/người/tháng, tốp cao nhất xã đấy”.

Với nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và đặc biệt sự đồng thuận trong thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, đến hết tháng 11-2021, xã Hợp Thành đã về đích sớm trong xây dựng nông thôn mới, hoàn thành 19/19 tiêu chí. Đồng chí Hoàng Thế Mạnh, Chủ tịch UBND xã khẳng định: Về đích nông thôn mới sẽ tạo thế và lực mới để Hợp Thành phát triển bền vững những năm tới. Mục tiêu là xây dựng Hợp Thành là một trong xã mạnh về mọi mặt của huyện Sơn Dương, xứng đáng là mảnh đất có truyền thống lịch sử.

Bài, ảnh: Trang Tâm/Báo Tuyên Quang

Tin cùng chuyên mục