Bí quyết xây dựng nông thôn mới ở Tuyên Quang

Là tỉnh miền núi phía Bắc, Tuyên Quang bước vào xây dựng nông thôn mới (NTM) với xuất phát điểm rất thấp. Tại thời điểm 2011, tỉnh chưa có xã nào đạt NTM. Thế nhưng, đến hết năm 2018, toàn tỉnh có 30 xã đạt NTM. Để có kết quả này, Tuyên Quang đã tích cực trong việc huy động mọi nguồn lực xây dựng NTM, đồng thời tỉnh cũng đặc biệt chú trọng tới các mô hình sản xuất.

Bộ mặt NTM ngày càng thay đổi.

Huy động mọi nguồn lực

Về thôn Đá Bàn 1, xã Mỹ Bằng, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang, nhiều người ngạc nhiên chứng kiến ngôi nhà văn hóa khang trang, sạch sẽ. Thế nhưng, ít ai biết được rằng, khi tiến hành xây dựng, chính quyền và người dân loay hoay không tìm được đất. Rất may, qua sự tuyên truyền vận động của các cấp chính quyền, ông Lê Hải Thanh, dân tộc Dao, ở thôn Đá Bàn 1 đã tình nguyện về ở cùng con trai nhường 640m2 đất làm nhà văn hóa, không những vậy ông còn hiến luôn 225m2 đất để làm đường vào (tổng giá trị 120 triệu đồng).

Không riêng gì ông Thanh, việc hiến đất làm công trình NTM đã trở thành phong trào lan tỏa trong vùng DTTS tỉnh Tuyên Quang. Ông Tạ Văn Chức, dân tộc Mông, thôn Nà Đeo, xã Đà Vị, huyện Na Hang cũng đã tình nguyện hiến 1.200m2 đất làm trường mầm non. Ông Triệu Văn Lan, dân tộc Dao ở thôn Làng Trà, xã Lực Hành, huyện Yên Sơn hiến 1.380m2 đất xây sân thể thao trung tâm xã…

Ông Nguyễn Văn Việt, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình NTM tỉnh Tuyên Quang cho biết, những năm qua cùng với cộng đồng dân cư trên địa bàn tỉnh, người dân các xã vùng đồng bào DTTS đã đóng góp được trên 383 tỷ đồng, gần 820 ngàn ngày công lao động, hiến 10.000m2 đất. Bê tông hóa được 456km đường giao thông nông thôn, xây dựng tu sửa trên 160 công trình thủy lợi, kiên cố hóa 570km kênh mương; xây dựng mới, nâng cấp cải tạo trên 783 công trình văn hóa, gồm 32 nhà văn hóa, 34 sân thể thao xã, 608 nhà văn hóa thôn, 109 sân thể thao thôn… Nổi bật trong đó có một số huyện như: Lâm Bình, Chiêm Hóa, Hàm Yên, Sơn Dương…

Thay đổi tư duy sản xuất

Để Chương trình Xây dựng NTM đạt được nhiều thành tựu, bên cạnh việc huy động sức dân, tỉnh Tuyên Quang còn đặc biệt chú trọng tới việc xây dựng các mô hình kinh tế hiệu quả.

Bên cạnh đó, tỉnh tiến hành xây dựng các mô hình ứng dụng, chuyển giao khoa học-công nghệ trong trồng trọt, chăn nuôi, sản xuất các sản phẩm nông nghiệp (có 951 mô hình, trong đó 649 mô hình trồng trọt, 219 mô hình chăn nuôi, 61 mô hình lâm nghiệp, 22 mô hình thủy sản) tạo ra sản phẩm hàng hóa tăng thu nhập cho người DTTS.

Ông Nguyễn Văn Việt đánh giá, qua các mô hình phát triển sản xuất được triển khai ở vùng đồng bào DTTS đã từng bước thay đổi tập quán sản xuất lạc hậu, nhỏ lẻ sang sản xuất theo tổ hợp tác giúp các hộ nghèo có cơ hội áp dụng các biện pháp khoa học-kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi. Qua đó, tăng trách nhiệm, ý thức của hộ nghèo khi tham gia mô hình, góp phần hình thành các mô hình sản xuất tập trung theo hướng hàng hóa, cải thiện các giống, cây, con, đặc biệt giống trâu, bò sinh sản tại địa phương (đến nay đã có trên 60% hộ nghèo tham gia dự án thoát nghèo), tỷ lệ hộ nghèo người DTTS giảm từ 53,98% năm 2011 xuống còn 25,02% năm 2018

Bài, ảnh: Hiếu Anh/Báo Dân tộc

Tin cùng chuyên mục