Xây dựng đời sống văn hóa nông thôn mới gắn với bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang

Trong công cuộc xây dựng nông thôn mới, việc xây dựng đời sống văn hóa nông thôn và bảo tồn và phát triển văn hóa giữ vai trò rất quan trọng trong việc nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân.

Thực hiện Quyết định số 1980/QĐ-TTg ngày 17/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2016-2020, tỉnh Tuyên Quang đã triển khai thực hiện đồng bộ và toàn diện các giải pháp xây dựng nông thôn mới: Ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TU ngày 22/5/2016 của Tỉnh ủy Tuyên Quang về kiên cố hóa kênh mương, bê tông hóa đường giao thông nội đồng và vùng sản xuất hàng hóa, xây dựng nhà văn hóa thôn, bản, tổ nhân dân gắn với sân thể thao và khuôn viên trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2016-2020; Đề án số 307/QĐ-UBND ngày 15/9/2016 của Uỷ ban nhân dân tỉnh về việc xây dựng nhà văn hóa thôn, bản, tổ dân phố gắn với sân thể thao và khuôn viên giai đoạn 2016 -2025 trên địa bàn tỉnh, triển khai các văn bản hướng dẫn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về thực hiện đánh giá tiêu chí số 06 về cơ sở vật chất văn hóa và tiêu chí số 16 về văn hóa trong Bộ tiêu chí quốc gia xây dựng xã nông thôn mới giai đoạn 2016 -2020.


Lễ hội Lồng Tông huyện Chiêm Hóa. Nguồn ảnh: internet

Việc triển khai thực hiện tiêu chí số 06 và tiêu chí số 16 trong Chương trình xây dựng nông thôn mới được các cấp, các ngành quan tâm phối hợp. Triển khai xây dựng mới, sửa chữa và  nâng cấp một số hạng mục nhà văn hóa, hỗ trợ trang thiết bị cho các nhà văn hóa để đảm bảo điều kiện về cơ sở vật chất cũng như tổ chức hoạt động văn hóa, thể thao đáp ứng nhu cầu hưởng thụ, vui chơi giải trí, tiếp cận thông tin và sáng tạo các giá trị văn hóa của người dân ở cơ sở. Tính đến tháng hết 10/2018 toàn tỉnh đã có 119/141 nhà văn hóa xã, phường, thị trấn, trong đó có 33/129 xã có Trung tâm Văn hóa, Thể thao đạt quy chuẩn Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; toàn tỉnh có 1.737/2.096 nhà văn hóa thôn, bản, tổ dân phố, trong đó có 380 nhà văn hóa - khu thể thao thôn, bản (thuộc 23 xã mục tiêu xây dựng nông thôn mới của tỉnh) đạt quy chuẩn Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch gắn với tiêu chí xây dựng nông thôn mới về diện tích nhà văn hóa.

Việc thực hiện Tiêu chí số 16 cũng đạt được những kết quả tích cực. Năm 2017, có 177.165/202.087 hộ đạt danh hiệu Gia đình văn hóa (chiếm 88%, tăng 8,1% so với năm 2009); có 1.605/2.096 thôn, bản, tổ dân phố đạt Khu dân cư văn hóa (chiếm 77%, tăng 24,6% so với năm 2009). Các gia đình văn hóa là yếu tố nòng cốt trong việc giữ gìn an ninh chính trị trật tự an toàn xã hội, vệ sinh môi trường, thực hiện nếp sống văn minh nơi công cộng, tham gia vào các phong trào của địa phương nơi cư trú, góp phần không nhỏ vào thành công chung của phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa gắn với xây dựng nông thôn mới.

Bên cạnh đó, công tác bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc gắn với xây dựng đời sống văn hóa và phát triển du lịch ở nông thôn được chú trọng, Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh khôi phục các lễ hội tiêu biểu gắn với xây dựng nông thôn mới như: Lễ hội Lồng Tông của đồng bào dân tộc Tày (Chiêm Hóa, Na Hang, Lâm Bình), Lễ hội Nhảy lửa của dân tộc Pà Thẻn (Lâm Bình), Lễ hội Cầu mùa của đồng bào dân tộc Tày xã Tân Trào (Sơn Dương), Lễ hội Đình Giếng Tanh, Đình Minh Cầm của dân tộc Cao Lan (Yên Sơn), Lễ hội Động Tiên - Chợ quê (Hàm Yên) đã thu hút nhiều khách du lịch đến tham quan; hướng dẫn xây dựng các khu, điểm du lịch cộng đồng ở vùng nông thôn, tạo thêm nhiều việc làm, tăng thu nhập cho lao động ở nông thôn. Việc khai thác, bảo tồn văn hóa các dân tộc được các cấp chính quyền tỉnh quan tâm, chỉ đạo; đến nay đã có 141/141 xã, phường, thị trấn; có 2.949 tổ đội văn nghệ quần chúng; nhiều thôn, bản thành lập và duy trì hoạt động của các câu lạc bộ, đến hết năm 2017 toàn tỉnh có 129 câu lạc bộ, trong đó có 50 câu lạc bộ đàn hát dân ca, trên 60 câu lạc bộ Hát then - Đàn tính của dân tộc Tày, 06 câu lạc bộ Páo dung của dân tộc Dao, 13 câu lạc bộ Sình ca của dân tộc Cao Lan... Hằng năm, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Ban Dân tộc, Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố tổ chức hàng chục buổi liên hoan văn nghệ, thể thao, trong đó chú trọng khai thác, sưu tầm, dàn dựng các tiết mục văn hóa, văn nghệ, các môn thể thao dân tộc tiêu biểu và đặc sắc của đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh.


Hát Sình ca dân tộc Cao Lan thôn Dân Chủ, xã Đội Bình: nguồn ảnh internet

Những kết quả đã đạt được trong quá trình xây dựng đời sống văn hóa nông thôn gắn với bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc đã góp phần quan trọng vào thành tựu phát triển kinh tế - xã hội và góp phần từng bước thực hiện thành công Chương trình mục tiêu quốc gia về nông thôn mới trên địa bàn tỉnh./.

Thành Lê/VPĐP NTM

Tin cùng chuyên mục