Văn học đồng hành cùng nông thôn mới

Hiện thực đổi thay ở nông thôn, miền núi luôn là mảng đề tài hấp dẫn, phong phú để các văn nghệ sỹ khai thác. Trong đó, mảng đề tài nông thôn mới đã được các tác giả văn xuôi xứ Tuyên tích cực tìm tòi và sáng tạo.

Tác giả Đỗ Anh Mỹ, Phân hội trưởng Phân hội Văn học, Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh chia sẻ, mảng đề tài nông thôn mới là mảng đề tài lớn đòi hỏi đội ngũ những người viết phải có cái nhìn và cách tiếp cận mới. Trở lại nhiều vùng đất chứng kiến sự đổi thay, mới lạ khiến bao người không khỏi ngỡ ngàng. Người cầm bút không thể đứng ngoài cuộc trong việc phản ánh sự phát triển của quê hương.

Có thể nhận thấy mỗi bài viết của các tác giả đều thể hiện sự tác nghiệp có quy trình. Đó là bắt đầu với việc trải nghiệm thực tế để cảm nhận, chắt lọc từng chi tiết và hình ảnh đưa vào tác phẩm của mình. Bút ký là thể loại vừa có tính chất văn học, vừa có tính chất báo chí. Qua đó thể hiện khá trực tiếp khuynh hướng cảm nghĩ của tác giả. Ngọc Hiệp là một trong những cây viết năng nổ ở mảng đề tài này. Nhiều bút ký của Ngọc Hiệp đã thể hiện được cách cảm, cách nhìn nhận riêng. Những tác phẩm như: “Phù Lưu nay đã phong lưu”, “Thức với Bình Xa”, “Hàm Yên mùa quả ngọt”… 


Hội viên Phân hội Văn học, Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh trong một chuyến thực tế viết về đề tài nông thôn mới.

Ngọc Hiệp biết cách phối hợp nhuần nhuyễn giữa những số liệu khô khan và cảm xúc thực tại: “Dọc theo hai bên đường là màu xanh của rừng cây, đồi cam nên nắng hè dịu mát cảm giác như nắng mùa thu. Nằm tựa lưng vào dãy núi Cham Chu, phía trước nhìn ra sông Lô cuộn chảy, vì thế mà đất Phù Lưu cây cối tốt tươi, khí hậu trong lành” (Phù Lưu nay đã phong lưu). Cách lấy cảnh để tả tình, sử dụng từ ngữ nhuần nhuyễn câu văn mạch lạc, đậm chất thơ: “Vườn nhà ai nằm sát ven đường, những cây hồng quả đang chuyển màu vàng nhạt để rồi ấm lên màu đỏ rực chín, báo hiệu niềm vui cho chủ nhân bước vào thời kỳ thu hoạch” (Hàm Yên mùa quả ngọt).

Đọc tác phẩm của Trần Huy Vân, người đọc nhận thấy bức tranh thực tế đầy sinh động. Ông luôn đến tận từng vùng đất, gặp gỡ từng nhân vật. Nhiều bài viết của ông đã tái hiện thành công sự đổi mới của làng quê với ngôn từ vui tươi, trong sáng và đầy tự hào: “Đến các xã trong huyện Sơn Dương ở đâu cũng bắt gặp một Xóm Mới... Một nét mới ở làng quê, gần đây mới có. Nơi ấy, hình thành một khu dân cư nhỏ nửa tỉnh, nửa quê, một khu “phố mới”. (Xóm mới).

Đặc biệt con đường bê tông trải dài khắp bản làng được khắc họa trong hàng loạt bài ký như “Đường quê rộng mở”, “Con đường ý Đảng lòng dân”, “Gặp người làm đường thôn bản” của Nguyễn Hữu Dực; “Sức sống vùng đất khó” của Tạ Bá Hương... Những câu văn gợi tả, giàu hình ảnh lôi cuốn độc giả. Bức tranh quê hương tươi đẹp được chấm phá, vẽ lên gam màu xanh tươi: “Chúng tôi vòng theo cánh “đồng cong” vào bản. Đường bê tông lượn theo cánh lúa. Vài ba vạt hoa cỏ dại dẫn lối về. Những ngôi nhà sàn mái cọ nâu sẫm xen giữa những ngôi nhà xây, tươi mới màu sơn, thấp thoáng vườn nhãn cổ thụ” (Qua cầu sang Tông Khuật, tác giả Lê Na). Thế mới biết sức sống của bút ký, độ phóng bút của tác giả là rất quan trọng.

Các tác phẩm như: “Sức sống nơi vùng đất khó” của Tạ Bá Hương, “Thổ Bình trên con đường xây dựng nông thôn mới” của Lê Na; ghi chép “Người thương binh trưởng thôn” của Bàn Minh Đoàn; bút ký “Điện về bản Nà Ta” và “Chi Thiết xây dựng nông thôn mới” của Đỗ Anh Mỹ... đã tái hiện sinh động sự đổi mới, phát triển mảnh đất mà các tác giả đặt chân đến.

Từ khung cảnh miền quê đến niềm vui người lãnh đạo xã, người dân được tác giả miêu tả cụ thể. Tác giả đã biết cách lồng ghép những đoạn đối thoại để đưa lượng thông tin đến người đọc một cách khéo léo.
Một dòng sáng tác về nông thôn mới đã được khơi nguồn và đang hòa mình vào dòng chảy văn học tỉnh nhà. Đây là một đề tài mới, đòi hỏi sự tư duy sáng tạo của văn nghệ sỹ. Tuy đã có nhiều tác phẩm ra đời nhưng con số đó vẫn còn khiêm tốn. Hy vọng rằng trong thời gian tới độc giả yêu văn chương xứ Tuyên sẽ được đón nhận nhiều tác phẩm đặc sắc ở mảng đề tài mới mẻ, hấp dẫn này.

Bài, ảnh: Hoàng Niềm/Báo Tuyên Quang

Tin cùng chuyên mục