Trung Sơn tạo việc làm cho người lao động

Trung Sơn (Yên Sơn) là xã có những bước chuyển mình nhanh chóng với diện mạo nông thôn mới ngày càng khang trang. Đời sống của người dân từng ngày “thay da đổi thịt”, hạ tầng cơ sở được đầu tư đầy đủ hơn. Có được kết quả đó là nhờ Đảng bộ, chính quyền xã luôn quan tâm chuyển dịch cơ cấu lao động, trong đó tạo điều kiện khuyến khích người dân phát triển kinh doanh dịch vụ.

Gia đình ông Nhữ Văn Anh, thôn Lâm Sơn, xã Trung Sơn mở cửa hàng cắt chữ, làm biển quảng cáo. Cơ sở của gia đình ông đã tạo việc làm ổn định cho 3 lao động địa phương với mức thu nhập trung bình từ 5 đến 7 triệu đồng/tháng. Ông Anh cho biết, đời sống của người dân được nâng cao, nhu cầu mở các cửa hàng, dịch vụ nhiều nên nghề quảng cáo có cơ hội phát triển.


Cơ sở sản xuất đồ gỗ gia dụng của gia đình anh Ma Văn Hoan, thôn Nà Ho, xã Trung Sơn (Yên Sơn) 
tạo việc làm thường xuyên cho 3 - 5 lao động địa phương.

Còn gia đình anh Ma Văn Hoan, thôn Nà Ho đầu tư phát triển cơ sở sản xuất đồ gỗ gia dụng. Mô hình này giải quyết việc làm cho từ 3 đến 5 lao động địa phương với thu nhập bình quân từ 170 đến 200 nghìn đồng/ngày/người. Anh Hoan nói, trong quá trình mở xưởng và hoạt động, anh luôn nhận được sự quan tâm, khuyến khích của cán bộ thôn và xã. Đây là sự khích lệ rất lớn để anh tiếp tục đẩy mạnh mở rộng sản xuất kinh doanh. Từ đó, giải quyết thêm nhiều việc làm cho người lao động ở các thôn, bản ở địa phương.

Không chỉ khuyến khích, tạo điều kiện để người dân sản xuất kinh doanh, tạo việc làm tại chỗ cho nhiều lao động địa phương, hàng năm UBND xã còn thường xuyên phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp có uy tín tổ chức 5-7 buổi tư vấn, giới thiệu, tuyển dụng lao động đi làm việc tại các khu, cụm công nghiệp trong nước. Theo thống kê của UBND xã, trung bình mỗi năm xã giải quyết việc làm cho 110 lao động địa phương. Trong đó lao động làm việc tại các khu công nghiệp chiếm 30 đến 60%.

Hiện nay, mức thu nhập bình quân của người dân trên địa bàn xã đạt 1,6 triệu đồng/người/tháng. Xã quan tâm tạo điều kiện cho hộ nghèo vay vốn, phát triển kinh tế, giải quyết việc làm. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo năm 2017 là 41,4%, đến nay giảm xuống là 23,7%. Gia đình chị Nguyễn Thị Thúy, thôn Nà Đỏng là hộ thoát nghèo năm 2019. Nhớ lại thời gian trước đây, chị bộc bạch, vợ chồng chị làm nghề tự do, gia đình không có ruộng nương nên cái nghèo, cái đói cứ mãi đeo đẳng. Được vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, chị đã đầu tư mua trâu và chăn nuôi gia cầm, mua máy làm đậu phụ. Nhờ chăm chỉ làm ăn nên kinh tế ổn định hơn trước, mỗi năm trừ chi phí, gia đình chị thu được từ 50 - 70 triệu đồng. Giờ chị đã có của ăn của để, các con được học hành đầy đủ.

Ông Nguyễn Văn Dần, Chủ tịch UBND xã Trung Sơn cho biết, trong thời gian tới, xã tiếp tục rà soát, tìm hiểu thông tin, thị trường lao động để cập nhật thường xuyên giúp người lao động có thêm cơ hội về việc làm. Cùng với đó, thực hiện tốt chính sách hỗ trợ của Nhà nước, của tỉnh về sản xuất hàng hóa đối với cây trồng, vật nuôi để nâng cao năng suất, chất lượng các sản phẩm; đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới gắn với giảm nghèo... Từ đó, góp phần nâng cao thu nhập và đời sống của người dân trên địa bàn.   

Bài, ảnh: Giang Lam/Báo Tuyên Quang

Tin cùng chuyên mục