Sơn Phú xây dựng thiết chế văn hóa ở cơ sở

Nhằm nâng cao đời sống tinh thần, đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới ở địa phương, mấy năm gần đây xã Sơn Phú (Na Hang) đã tập trung mọi nguồn lực, huy động sức dân để xây dựng thiết chế văn hóa ở cơ sở.

Ông Ma Ngọc Hiệp, Bí thư Đảng ủy xã Sơn Phú cho biết, xã có 663 hộ với 3.319 nhân khẩu sinh sống ở 8 thôn, trong đó có 64% dân số của xã là đồng bào Dao, 27% là đồng bào Tày, còn lại là một số dân tộc khác. Toàn xã hiện có 43,4% hộ nghèo… Trước kia hệ thống nhà văn hóa của thôn chủ yếu là nhà tạm, diện tích chật hẹp. Mỗi lần thôn có “công to việc lớn” thì nhà văn hóa không đủ sức chứa. Nhiều thôn phải đi họp nhờ nhà dân, trường học, rất bất tiện. Vì vậy, Nghị quyết số 03 của Hội đồng nhân dân tỉnh về hỗ trợ các địa phương xây dựng nhà văn hóa gắn với khuôn viên thể thao được người dân  đồng tình ủng hộ. Qua công tác rà soát của xã, việc mở rộng diện tích khuôn viên nhà văn hóa ở xã không khó. Bởi ở đây đất rộng người thưa, chỉ cần có chủ trương đúng thì sẽ  huy động được sức dân.


Nhà văn hóa thôn Nà Lạ được xây dựng khang trang.

Chị Ma Thị Minh Nghĩa, cán bộ Văn hóa xã hội xã Sơn Phú nói, 8/8 thôn của xã đến nay đều có nhà văn hóa đạt tiêu chuẩn. Trong đó có 2 nhà văn hóa của thôn Bản Lằn, Bản Dạ trước đây xây theo hình thức nhà sàn, được tỉnh hỗ trợ 150 triệu đồng/nhà. Còn 5 nhà văn hóa các thôn Bản Tàm, Nà Sảm, Phia Chang, Nà Cọn, Nà Lạ làm theo Nghị quyết 03 của HĐND tỉnh. Mỗi nhà được tỉnh hỗ trợ vật liệu, kết cấu trị giá 280 triệu đồng/nhà. Còn nhà văn hóa thôn Nà Mu chuyển đổi từ trường mầm non sang nhà văn hóa. Tính đến nay, trong 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới ở xã Sơn Phú thì tiêu chí văn hóa đã hoàn thành.
Tại thôn Phia Chang có 100% đồng bào Dao đỏ sinh sống trên sườn núi cao. Vào mùa mưa việc đến thôn rất khó khăn. Tuy nhiên, sau khi họp thôn, nhân nhân quyết tâm xây dựng nhà văn hóa.

Ông Triệu Văn Chang, dân tộc Dao, Trưởng thôn chia sẻ, toàn bộ thôn tập trung nhân lực, dùng tời, sức người, sức trâu, ngựa để kéo vật liệu, cấu kiện bê tông lên núi cao. Mỗi hộ dân ở Phia Chang ngoài đóng góp trên 1 triệu đồng tiền mặt, còn ủng hộ ngày công lao động và một số vật liệu sẵn có ở địa phương để làm nhà văn hóa. Khi khánh thành đưa vào sử dụng, nhà văn hóa  trị giá trên 500 triệu động, trong đó có khoảng một nửa là do người dân đóng góp tiền, công sức, vật liệu. Tết Nguyên đán 2020, thôn Phia Chang có nhà văn hóa khang trang, sân chơi thể thao rộng rãi để bà con sinh hoạt. Người dân rất phấn khởi, còn tích cực đóng góp mua sắm thêm các thiết bị nội thất của nhà văn hóa.

Ông Đào Văn Thành, dân tộc Mông thôn Nà Sảm bày tỏ, khi chủ trương đúng, đi vào lòng dân, thì việc khó đến mấy cũng thành công. Từ khi có nhà văn hóa khang trang đã góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho nhân nhân ở địa phương. Các tổ, đội văn nghệ, thể thao, câu lạc bộ hát Then, Páo dung được củng cố, thường xuyên luyện tập, biểu diễn phục vụ bà con và các hoạt động chính trị của xã.

Việc Đảng ủy, UBND, HĐND xã Sơn Phú tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các thôn xây dựng thiết chế văn hóa cơ sở là rất hợp lòng dân. Các thiết chế đã phát huy tác dụng, tác động mạnh đến phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa. Đến nay, toàn xã có 50% số thôn đạt danh hiệu thôn văn hóa, 75% hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa.

Bài, ảnh: Quang Hòa/Báo Tuyên Quang

Tin cùng chuyên mục