Phát huy vai trò “cầu nối” của người có uy tín

Thực hiện Chỉ thị 06 của Thủ tướng Chính phủ về “Phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, từ năm 2014 đến 2019, toàn tỉnh đã bầu chọn và công nhận 7.393 lượt người có uy tín là các trưởng thôn bản, trưởng dòng họ… Người có uy tín do chính bà con tin tưởng bầu chọn, có vai trò quan trọng trong việc tham mưu và giúp cấp ủy, chính quyền địa phương tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Ông Trần Văn Nguyên (bên phải), người có uy tín thôn Phai Đá, xã Chiêu Yên (Yên Sơn) vận động người dân phát triển kinh tế.

Làm tốt vai trò người uy tín, ông Nịnh Văn Hạnh, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn 8, xã Đội Cấn (thành phố Tuyên Quang) đã vận động đồng bào Cao Lan hiến 300 m2 đất làm nhà văn hóa thôn, góp công, tiền để làm đường bê tông nông thôn, đường bê tông nội đồng, giữ vệ sinh môi trường, phát triển kinh tế gắn với bảo vệ an ninh trật tự. Ông Hạnh cho biết, được người dân tín nhiệm bầu là người có uy tín, nên ông thuận hơn trong việc vận động người dân thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Đến nay, 100% đường trong thôn được bê tông, tỷ lệ hộ nghèo còn 1%; thu nhập bình quân đạt 42,2 triệu đồng/người/năm.Thôn Nặm Đíp, xã Lăng Can (Lâm Bình) có 156 hộ gia đình, chủ yếu là đồng bào dân tộc Tày. Tuy đời sống còn khó khăn nhưng người dân đã góp hàng nghìn ngày công lao động để làm đường bê tông liên thôn, bản. Đến nay, 100% các tuyến đường trong thôn đã được bê tông. Thôn đã triển khai thực hiện và đưa vào sử dụng hệ thống điện “Thắp sáng đường quê” với tổng chiều dài trên 1 km, xây nhà văn hóa thôn. Trên 99% hộ gia đình trong thôn có nhà ở đạt tiêu chuẩn theo quy định. 100% hộ gia đình không nuôi, nhốt vật nuôi dưới gầm sàn. Kết quả này có sự đóng góp của người có uy tín, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Nặm Đíp Nguyễn Văn Nhật. Với vai trò là người đứng đầu, người có uy tín, ông Nhật đã cùng với đảng viên trong thôn vận động người dân tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới, từ việc góp công, góp của làm đường, kênh mương, nhà văn hóa đến chỉnh trang nhà cửa, phát triển kinh tế...

Người có uy tín không chỉ vận động người dân đóng góp, hiến đất mà còn là những người tiên phong trong phát triển kinh tế ở cơ sở. Ông Trần Văn Nguyên là người uy tín của người Dao, thôn Phai Đá, xã Chiêu Yên (Yên Sơn) làm kinh tế giỏi. Gia đình ông có trên 7 ha rừng, 1 ha bưởi ngọt, gần 1 ha na. Ông Nguyên chia sẻ, lúc trẻ, vợ chồng ông đã không quản mưa nắng trồng rừng, trồng cây ăn quả nên đã tích cóp làm được ngôi nhà sàn cột bê tông 3 gian, ngót một tỷ đồng. Không chỉ phát triển kinh tế gia đình, ông Nguyên cùng với cấp ủy, chính quyền, đoàn thể thôn vận động người dân trồng rừng, trồng mía, bưởi, na. Hiện nay, cả thôn có trên 100 ha rừng sản xuất, 25 ha mía, 40 ha cây bưởi ngọt, 10 ha na. Chuyện tích lũy dành dụm để xây nhà, mua chiếc xe máy, chiếc ti vi hay những tiện nghi sinh hoạt đắt tiền khác không còn là điều mơ ước của nhiều gia đình ở đây.

Với những đóng góp tích cực của người có uy tín, những thôn, bản người dân tộc thiểu số trong tỉnh đã và đang từng bước thoát nghèo từ thực hiện tốt các chính sách dân tộc, giữ an ninh trật tự. Người dân đoàn kết, chung sức cùng cộng đồng xây dựng hạ tầng nông thôn, xây dựng nông thôn mới.  

Tin, ảnh: Mỹ An/Báo Tuyên Quang

Tin cùng chuyên mục