Na Hang “chuyển mình” sau 10 năm xây dựng nông thôn mới

Na Hang là huyện vùng cao của tỉnh Tuyên Quang, với tổng diện tích tự nhiên trên 86.000 ha. Hiện trạng xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện khi bắt đầu triển khai thực hiện mới có 01 xã đạt 5/19 tiêu chí, hầu hết các xã đạt từ 1-3 tiêu chí, tiêu chí bình quân của huyện đạt 2,45 tiêu chí/xã, thấp hơn trung bình chung toàn tỉnh 0,35 tiêu chí/xã (toàn tỉnh là 2,8 tiêu chí/xã); thu nhập bình quân đầu người đạt thấp 7,5 triệu đồng/người/năm, bằng 60,48% mức thu nhập bình quân chung toàn tỉnh (12,4 triệu đồng); tỷ lệ hộ nghèo cao 54,46%.

Đồng chí Nguyễn Đình Quang, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh trao bằng công nhận cho xã Năng Khả đạt chuẩn nông thôn mới năm 2015

Cùng với sự cố gắng, quyết tâm lãnh chỉ đạo của cấp ủy chính quyền địa phương và sự hưởng ứng, đồng thuận của nhân dân trong huyện, đến nay sự nghiệp xây dựng nông thôn mới của huyện đã có kết quả rõ nét: 02 xã đã hoàn thành đạt chuẩn nông thôn mới, dự kiến năm 2019 có thêm 01 xã hoàn thành đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 27,27% số xã trên địa bàn huyện, tiêu chí bình quân đạt 13,73 tiêu chí/xã; đời sống thu nhập của người dân đã được nâng lên và cải thiện đáng kể, đến hết năm 2018 đạt 21,9 triệu đồng/người/năm (bằng 292% so với năm 2010); tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể xuống còn 33,97% năm 2018, dự kiến giảm xuống còn 29,29% vào cuối năm 2019; kết cấu hạ tầng nông thôn được đầu tư xây dựng, 100% xã có đường giao thông thuận lợi cho việc đi lại của người dân và giao thương buông bán; 100% các xã đã được phủ sóng điện thoại di động, hầu hết người dân khu vực nông thôn được sử dụng các dịch vụ bưu chính viễn thông thuận tiện; hàng hóa giao thương thuận lợi, cơ bản đáp ứng nhu cầu mua sắm và tiêu dùng của nhân dân. Nhiều công trình điện, trường, trạm đã được đầu tư xây dựng, nâng cấp phục vụ và đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, khám chữa bệnh của nhân dân trên địa bàn huyện. Đặc biệt là huyện đã quan tâm đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp. Đã hình thành vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa như: rau an toàn, cá đặc sản, cây lê, rượu ngô men lá, đặc biệt một số xã đã sản phẩm hình thành mô hình liên kết “4 nhà”, giá trị sản phẩm được nâng lên.

Vùng chè Shan tuyết xã Hồng Thái, huyện Na Hang

Từ Phong trào thi đua chung sức xây dựng nông thôn mới, người dân đã nhận thức được vị trí, vai trò chủ thể của mình trong việc tham gia thực hiện Chương trình, từ đó tích cực đóng góp ngày công lao động, tiền, của, vật chất tham gia xây dựng nông thôn mới. Qua 10 năm thực hiện Chương trình, trên địa bàn huyện đã có nhiều tấm gương điển hình, tự nguyện hiến đất làm nhà văn hóa, đường giao thông nông thôn, xây dựng trường học... như hộ gia đình ông Hoàng Văn Tuấn, thôn Nà Chang, xã Năng Khả hiến trên 538 m2 làm đường giao thông; gia đình ông Nông Văn Huấn, thôn Khâu Tinh, xã Khau Tinh hiến 300 m2 đất làm đường; gia đình ông Hoàng Văn Thống, thôn Khuổi Phầy, xã Hồng Thái hiến 600 m2 đất làm nhà văn hóa thôn... Với sự chung tay, góp sức đến nay, diện mạo, sức sống mới nông thôn ở các xã đã có sự đổi thay; kết cấu hạ tầng được quan tâm đầu tư; vệ sinh môi trường được cải thiện; hệ thống chính trị ổn định, an ninh trật tự được giữ vững; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được cải thiện và từng bước được nâng cao.

Để sự nghiệp xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện tiếp tục thực hiện có hiệu quả cao, tạo đà để phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, thời gian tới, cấp ủy Đảng chính quyền huyện Na Hang xác định cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt hơn; phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân, trong đó tổ chức thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm, với các giải pháp chủ yếu như: (1) Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân phát huy vai trò chủ thể trong việc tham gia xây dựng nông thôn mới tại cơ sở. Coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu, phải thường xuyên, liên tục. Đồng thời, xây dựng lộ trình và giải pháp để tiếp tục thúc đẩy Phong trào xây dựng nông thôn mới phát triển rộng khắp, chiều sâu, hiệu quả, thiết thực; gắn với thực hiện các đề án sản xuất của huyện. Cùng với đó, hàng năm tổ chức sơ kết, đánh giá về quá trình tổ chức thực hiện, kịp thời xử lý khó khăn, vướng mắc với các giải pháp phù hợp, hiệu quả; bên cạnh đó có hình thức biểu dương, khen thưởng kịp thời những điển hình tiên tiến, những cách làm hay, sáng tạo để nhân ra diện rộng. (2) Đẩy mạnh thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Tập trung phát triển sản xuất theo quy trình sản xuất VietGAP, nông nghiệp hữu cơ gắn với liên kết theo chuỗi giá trị. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ; thực hiện có hiệu quả Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) với mục tiêu cao nhất là không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn của huyện. (3) Phát huy vai trò của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp trong vận động hội viên, đoàn viên, nhân dân đẩy mạnh các Phong trào thi đua yêu nước. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, phát huy tốt việc phản biện xã hội của tổ chức và dân cư, huy động nội lực và mọi nguồn lực trong xây dựng nông thôn mới tại các địa phương./.

Nguyễn Thị Thu Hương/VPĐP NTM tỉnh

Tin cùng chuyên mục