Huyện Lâm Bình đạt nhiều thành quả quan trọng sự nghiệp xây dựng nông thôn mới

Mặc dù là địa phương miền núi có xuất phát điểm thấp, điều kiện kinh tế xã hội còn gặp nhiều khó khăn, trải qua 10 năm triển khai thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, đến nay huyện Lâm Bình đã đạt được những thành quả to lớn, đánh dấu bước tiến vượt bậc và ấn tượng.

Xã Lăng Can đón công nhân xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2018

Nhìn lại chặng đường 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, cũng bằng đấy thời gian từ khi thành lập, huyện Lâm Bình đã không ngừng nỗ lực để có được những thành quả vững chắc như ngày hôm nay

Bước vào thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, huyện Lâm Bình gặp vô vàn khó khăn: xuất phát điểm thấp, bình quân số tiêu chí đạt 3,5 tiêu chí/xã; cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội còn lạc hậu, yếu kém và thiếu đồng bộ, việc huy động nguồn lực đầu tư cho cơ sở hạ tầng thấp do huyện chưa chủ động được nguồn kinh phí; đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao nhất tỉnh (71,16%), thu nhập thấp khoảng 8,5 triệu đồng/người/năm; lực lượng lao động dồi dào nhưng chưa qua đào tạo, chủ yếu là lao động phổ thông, còn chịu ảnh hưởng những tập tục canh tác sản xuất nhỏ, chưa áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất. Một bộ phận cán bộ đảng viên và nhân dân chưa hiểu đúng tầm quan trọng, ý nghĩa của Chương trình, còn có tư tưởng trông chờ, ỷ lại; công tác chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện có mặt còn hạn chế, bước đầu triển khai còn vướng mắc, lúng túng; bộ máy giúp việc Ban Chỉ đạo nông thôn mới còn thiếu, chủ yếu là kiêm nhiệm, chưa có nhiều kinh nghiệm.


Trụ sở xã Thượng Lâm, huyện Lâm Bình được đầu tư xây dựng

Trong những lúc khó khăn chồng chất như vậy, huyện Lâm Bình đã nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy,  Uỷ ban nhân dân tỉnh, sự hướng dẫn, phối hợp của các Sở, ban, ngành của tỉnh. Cùng với đó, tỉnh đã ban hành hàng loạt cơ chế, chính sách nhằm thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới cũng như hỗ trợ cho huyện còn khó khăn như Lâm Bình. Đồng thời ưu tiên, bố trí nguồn vốn Trung ương hỗ trợ trực tiếp Chương trình xây dựng nông thôn mới cho huyện Lâm Bình với tỷ lệ cao hơn so với các huyện khác. Giai đoạn 2011-2019 đã bố trí 88,6 tỷ đồng, chiếm 10,38% tổng kinh phí Trung ương hỗ trợ, trong khi tỷ lệ số xã là 8/129, chiếm 6,2%. Ngân sách tỉnh cũng đã đầu tư trên 50 tỷ cho huyện Lâm Bình để triển khai xây dựng nông thôn mới.

Cùng với sự hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh, cấp ủy, chính quyền huyện Lâm Bình xác định thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, xuyên suốt trong quá trình phát triển toàn diện. Vì vậy, để triển khai thực hiện, huyện đã ban hành Chương trình hành động, chỉ đạo các xã ban hành Nghị quyết chuyên đề về xây dựng nông thôn mới, bộ máy chỉ đạo, điều hành từ huyện đến xã, thôn bản được thành lập, kiện toàn. Đồng thời tích cực thông tin, tuyên truyền để mọi tầng lớp và người dân hiểu ý nghĩa, tầm quan trọng của Chương trình xây dựng nông thôn mới, từ đó ý thức và tự giác tham gia.

Với sự cố gắng và quyết tâm cao độ, sau 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, bộ mặt nông thôn huyện Lâm Bình đã có nhiều đổi mới tích cực. Cơ cấu kinh tế được chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng ngành nông, lâm, thủy sản, tăng nhanh tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng và thương mại - dịch vụ. Sản xuất nông nghiệp, ngành nghề nông thôn chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với thị trường tiếp tục phát triển ổn định và có bước tăng trưởng khá, tạo được nhiều việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn, tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể. Đến hết năm 2018, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn huyện đạt 19,5 triệu đồng (tăng 11 triệu đồng so với năm 2011); tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 40,19% (giảm 30,97% so với năm 2011).


Cán bộ phổ biết chính sách xây dựng nông thôn mới cho nhân dân thôn Nặm Địp, xã Lăng Can

Nhiều công trình hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu ở nông thôn được tập trung đầu tư cải tạo, nâng cấp như: xây dựng, bê tông hóa 191,6 km đường giao thông nông thôn; nâng cấp 45 công trình đầu mối, kiên cố hóa 84,5 km kênh mương; xây dựng 05 nhà văn hóa xã, 44 nhà văn hóa thôn (bản); xây dựng 06 công trình chợ nông thôn; hỗ trợ trên 898 hộ gia đình xóa nhà tạm, dột nát, nâng cấp nhà ở; đầu tư xây dựng 29 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung, 04 bãi tập kết rác thải, 04 công trình nghĩa trang; hỗ trợ vốn vay cho 2.661 hộ xây dựng nhà tắm, nhà tiêu, chuồng trại chăn nuôi kết hợp hầm bể Biogas.

Đánh giá về những kết quả đạt được trong 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, ông Nguyễn Xuân Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện Lâm Bình cho biết, đến thời điểm hiện tại, toàn huyện đã có 03 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm tỷ lệ 37,5%). Số tiêu chí bình quân đạt 13,4 tiêu chí/xã, tăng 9,9 tiêu chí so với năm 2011. Diện mạo nông thôn Lâm Bình trong những năm gần đây đã thay đổi tích cực; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân đã được nâng lên; quốc phòng, an ninh trật tự được bảo đảm, giữ vững. Với khi thế đang lên và niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, chính quyền địa phương tin tưởng thời gian tới sự nghiệp xây dựng nông thôn mới của huyện Lâm Bình sẽ có bước tiến mạnh và vững chắc./.

Phạm Đình Tuyên/VPĐP NTM tỉnh

Tin cùng chuyên mục