Giải pháp nâng cao tiêu chí thu nhập ở Hàm Yên

Thu nhập là một trong những tiêu chí khó trong xây dựng nông thôn mới. Vì vậy, huyện Hàm Yên đã tích cực triển khai nhiều giải pháp phát triển sản xuất, dạy nghề, tạo việc làm để nâng cao thu nhập cho người dân.

Từ đầu năm đến nay, huyện Hàm Yên đã tạo việc làm mới cho hơn 4.000 lao động, đạt 137,7% kế hoạch năm, trong đó tạo việc làm tại địa phương cho 2.762 lao động, hơn 1.200 lao động đi làm việc tại các khu công nghiệp trong nước, còn lại là số lao động đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài.

Để thực hiện tiêu chí thu nhập trong xây dựng nông thôn mới, UBND huyện Hàm Yên khai thác tiềm năng, lợi thế từ cây cam sành. Giai đoạn 2018-2019, huyện triển khai thực hiện Dự án Hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ cam sành VietGAP với tổng kinh phí hỗ trợ hơn 1,8 tỷ đồng từ nguồn vốn xây dựng nông thôn mới. Đến nay, toàn huyện có hơn 750 ha cam được trồng theo quy trình VietGAP, đồng thời còn phát triển các mô hình cam sản xuất theo phương pháp hữu cơ đạt gần 17 ha. Chỉ tính riêng năm 2018, giá trị thu được từ cam đạt 800 tỷ đồng. Nhiều hộ gia đình có thu nhập hàng tỷ đồng từ cam. Đời sống nhân dân cũng từ đó được nâng cao, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn mới ở các vùng trồng cam.


Mô hình trồng thanh long VietGAP của gia đình ông Đỗ Đình Hân, xã Yên Phú (Hàm Yên) cho thu nhập hơn 500 triệu đồng/năm.

Cùng với cam, huyện định hướng người dân đầu tư vào sản xuất chè. Cây chè tuy có diện tích lớn với gần 2.150 ha nhưng chủ yếu là sử dụng các giống chè cũ, năng suất thấp, diện tích chè già cỗi chiếm đa số. Vì vậy huyện vận động người dân chuyển đổi sang các giống chè mới năng suất cao là LDP1, LDP2, PH1, PH11. Đồng thời lồng ghép nguồn vốn các chương trình 135, vốn sự nghiệp khoa học của huyện để trồng mới, cải tạo gần 163 ha chè già cỗi sang chè giống mới. Huyện thành lập các HTX chè Tân Thái 168, HTX chè Bạch Xa, HTX chè Thái Sơn, HTX chè xanh Làng Bát, góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất, chế biến, kinh doanh, tiêu thụ chè cho người nông dân. 

Các vùng trồng rừng nguyên liệu phục vụ công nghiệp chế biến trên địa bàn huyện, đáp ứng nhu cầu của Nhà máy Giấy và Bột giấy An Hòa, các nhà máy sản xuất đồ gỗ theo quy hoạch phát triển công nghiệp của tỉnh. Tổng diện tích trồng rừng tập trung giai đoạn 2016-2019 là 10.244 ha, trong đó, diện tích rừng trồng bằng giống cây keo có chất lượng cao (keo mô, keo nhập ngoại) là 622 ha. Diện tích rừng nguyên liệu lũy kế đạt gần 40.500 ha, vượt 15,65% mục tiêu Nghị quyết. Sản lượng khai thác gỗ trừng trồng đạt 858.500 m3, giá trị sản phẩm hàng năm đạt 230 - 250 tỷ đồng. Giá trị doanh thu đạt 99 triệu đồng/ha.

Từ việc hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, ngành Nông nghiệp huyện đã phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng nhãn hiệu hàng hóa cho các sản phẩm cam sành Hàm Yên, vịt bầu Minh Hương, chè xanh Làng Bát, chè Tân Thái 168…và mở rộng xúc tiến thị trường. Nhờ vậy, thu nhập của người dân ngày càng tăng. Giai đoạn 2016-2019, thu nhập bình quân của người dân huyện Hàm Yên đạt 29 triệu đồng/người/năm, so với giai đoạn 2011-2015 tăng 7,2 triệu đồng người/năm.


Vịt bầu Minh Hương, xã Minh Hương (Hàm Yên) đã được xây dựng nhãn hiệu tăng sức cạnh tranh của sản phẩm và nâng cao thu nhập của người dân.

Ông Hứa Phi Hùng, Phó Trưởng phòng Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện cho biết, ngoài việc đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, chuyên canh, huyện Hàm Yên còn thực hiện tốt các giải pháp xúc tiến đầu tư, thu hút được nhiều doanh nghiệp triển khai các dự án trên địa bàn như dự án Thủy điện Sông Lô 6, Sông lô  8A, dự án Nhà máy sản xuất giày tại Cụm công nghiệp Tân Thành… giúp giải quyết việc làm tại chỗ cho lao động địa phương. Trong đó, dự án Nhà máy sản xuất giày đang tạo việc làm cho 200 - 300 lao động địa phương với mức thu nhập từ 3 - 5 triệu đồng/người/tháng. Thời gian tới, khi Nhà máy gia giày hoàn thiện và hoạt động sẽ tạo việc làm cho hơn 1.000 lao động địa phương…

Sau 10 năm xây dựng nông thôn mới, toàn huyện đã có 4 xã đạt chuẩn, gồm Bình Xa, Thái Hòa, Đức Ninh, Nhân Mục. Số tiêu chí bình quân/xã tăng từ 4 tiêu chí năm 2011 lên 12,41 tiêu chí năm 2019. Tỉ lệ hộ nghèo giảm còn 18%. Huyện phấn đấu giai đoạn 2021-2025 có 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, nâng số tiêu chí bình quân/xã lên 16,5% tiêu chí.

Trong thời gian tới, huyện tiếp tục nâng cao năng suất, chất lượng cam sành, chè theo hướng hữu cơ, VietGAP; mở rộng vùng chuyên canh thanh long, táo, vịt bầu, trồng rừng, tạo điều kiện tốt nhất để các doanh nghiệp đầu tư vào Cụm công nghiệp Tân Thành, bảo đảm tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. Huyện phấn đấu đến năm 2030 đạt nông thôn mới cấp huyện.

Bài, ảnh: Hải Hương/Báo Tuyên Quang

Tin cùng chuyên mục