Đưa cây dược liệu thành sản phẩm OCOP

Toàn tỉnh hiện có gần 130 ha trồng cây dược liệu với 14 loài, chủ yếu là phật thủ, đinh lăng, quế, nghệ, xạ đen, cà gai leo, hà thủ ô... Việc phát triển các sản phẩm hàng hóa từ cây dược liệu đang được nhiều địa phương tập trung thực hiện, nhất là khi đã có lực đẩy từ Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP).

Sản phẩm tinh dầu hương nhu của một số hộ dân thôn Đông Thịnh hiện đang được UBND xã Tú Thịnh (Sơn Dương) đưa vào danh mục hỗ trợ theo Chương trình Mỗi xã một sản phẩm. Ông Đỗ Đình Ý, người đầu tiên đưa nghề sản xuất tinh dầu hương nhu về Tú Thịnh cho biết, tinh dầu hương nhu có nhiều công dụng, như giúp mọc tóc hiệu quả, chăm sóc tóc khỏe mạnh, chữa cảm nắng, sốt nóng lạnh, hôi miệng, sát khuẩn vết thương, tăng sức đề kháng, điều trị viêm khớp, đau nhức cơ thể, xông hương nhu khử mùi và thư giãn, tốt cho hệ tiêu hóa và có thể làm nước hoa tự nhiên... Mỗi năm, riêng gia đình ông Ý cung cấp cho thị trường xấp xỉ 400 lít tinh dầu, giá bán khoảng 800 nghìn đồng đến 1,2 triệu đồng/lít. Ông Ý hy vọng, khi được hỗ trợ phát triển theo Chương trình Mỗi xã một sản phẩm, tinh dầu hương nhu của gia đình ông và các hộ dân trong thôn sẽ được đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại hơn, được hỗ trợ đăng ký nhãn hiệu sản phẩm để giá bán trên thị trường cao hơn và ổn định hơn. Vì theo ông Ý, cùng là tinh dầu hương nhu nhưng trên thị trường, những sản phẩm có nhãn hiệu đang được bán cao hơn tinh dầu Đông Thịnh gấp đôi, gấp ba lần. 


Vườn hương nhu của gia đình ông Đỗ Đình Ý, thôn Đông Thịnh, xã Tú Thịnh (Sơn Dương). 

4 năm trở lại đây, nhiều hộ dân thôn 17, phường Mỹ Lâm (TP Tuyên Quang) - trước đây là thôn 17, xã Phú Lâm của huyện Yên Sơn - đã có thêm thu nhập từ việc trồng cây xạ đen. Phát triển cây dược liệu góp phần đa dạng hóa sản phẩm nông sản của phường gắn với việc thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm. Gia đình bà Vũ Thị Toan, thôn 17 cho biết: Năm 2015, xác định cây xạ đen là cây dược liệu quý chữa các bệnh về gan, thận, hiệu quả kinh tế cao, gia đình bà đã cải tạo 2.000 m2 đất vườn đồi để trồng cây xạ đen. Trung bình mỗi tháng, xạ đen cho khai thác 1 lần, giá bán sản phẩm khô dao động từ 130.000 đồng - 140.000 đồng/kg. Với 2.000 m2, mỗi năm trừ chi phí đầu tư, gia đình bà Toan thu lãi trên 30 triệu đồng. Nhận thấy việc trồng cây xạ đen cho hiệu quả kinh tế cao nên bà Toan tiếp tục chuyển đổi diện tích đất còn lại của gia đình sang trồng xạ đen, cỏ ngọt, cà gai leo, đinh lăng. Cùng với gia đình bà Toan, nhiều hộ gia đình trong thôn cũng đã chuyển đổi sang hướng trồng cây dược liệu. Theo UBND phường Mỹ Lâm, phường đang tính toán để mở rộng diện tích cây xạ đen và một số cây dược liệu khác như: Cà gai leo, gừng, nghệ… Theo đó, việc kết hợp sử dụng dược liệu và nguồn nước khoáng nóng tự nhiên để phát triển du lịch nghỉ dưỡng và chữa bệnh sẽ đem lại lợi ích kép cho cả người sản xuất, người sử dụng và tăng nguồn thu cho địa phương.

Cà gai leo với công dụng hỗ trợ chữa các bệnh về gan với đặc tính dễ trồng, cho khai thác kéo dài 2 - 3 năm hiện cũng được nhiều địa phương ở Sơn Dương, Chiêm Hóa, Lâm Bình đưa vào trồng. Ngoài những diện tích cà gai leo tại Sơn Dương, Chiêm Hóa được một số doanh nghiệp tại Vĩnh Phúc, Hà Nội bao tiêu, thì một số hợp tác xã trên địa bàn tỉnh cũng đã tính đến chuyện đầu tư máy móc hiện đại để sản xuất ngay tại địa phương mà không phải xuất bán ra ngoài, qua đó tạo thành chuỗi liên kết ổn định, giúp người nông dân yên tâm, nâng cao thu nhập. Hợp tác xã thanh niên Thượng Lâm (Lâm Bình) hiện đã sản xuất thử nghiệm sản phẩm trà cà gai leo ngay tại địa phương. Sản phẩm của đơn vị này ngoài cung cấp cho khách du lịch đến địa phương đã bắt đầu tính đến việc mở rộng thị trường ra ngoài. 

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xu hướng trồng cây dược liệu đang bắt đầu phát triển mạnh tại Tuyên Quang, đặc biệt từ khi Chương trình Mỗi xã một sản phẩm được triển khai sâu rộng tại các địa phương. Hiện nay, ngoài những cây trồng như cà gai leo, khôi nhung, xạ đen... một số doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân đưa vào nhiều cây trồng mới như sachi, một số nơi khôi phục lại cây sả... Tuy nhiên, ngành nông nghiệp khuyến cáo, những cây trồng không nằm trong danh mục cây trồng chính của tỉnh, người dân nên thận trọng trong việc mở rộng diện tích. 

Bài, ảnh: Trần Liên/Báo Tuyên Quang

Tin cùng chuyên mục