Đoàn kết xây dựng khu dân cư giàu đẹp

Kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp của MTTQ Việt Nam, thời gian qua, MTTQ các cấp trong tỉnh đã phát huy vai trò của mình trong việc xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo sự đồng thuận trong các tầng lớp nhân dân, góp phần tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Lấy sức dân để chăm lo cho dân 

Quán triệt đường lối, chủ trương của Đảng về đại đoàn kết toàn dân tộc, MTTQ các cấp trong tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng, các tổ chức thành viên tăng cường tuyên truyền, vận động, tập hợp các tầng lớp nhân dân, tạo sự đồng thuận, thống nhất để thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Hưởng ứng phong trào “Tuyên Quang chung sức xây dựng nông thôn mới”, thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, với phương châm lấy sức dân để chăm lo cho đời sống nhân dân, từ năm 2014 đến nay, MTTQ các cấp phối hợp vận động nhân dân tham gia xây dựng mới 494 km kênh mương; làm 268 km đường giao thông nội đồng. Nhân dân đóng góp xây dựng nông thôn mới trên 383,301 tỷ đồng; hiến hàng nghìn m2 đất để làm đường bê tông nông thôn và xây dựng mới 404 nhà văn hóa thôn bản, tổ dân phố.

Công tác vận động, chăm lo giúp đỡ người nghèo tiếp tục nhận được sự quan tâm hưởng ứng của toàn xã hội. Trong nhiệm kỳ 2014 - 2019 vừa qua, Quỹ vì người nghèo các cấp trong tỉnh tiếp nhận trên 41,423 tỷ đồng, tập trung hỗ trợ hộ nghèo phát triển kinh tế và làm nhà ở tại các xã lộ trình về đích xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020.


Đồng chí Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Nguyễn Hưng Vượng chúc mừng nhân dân 
thôn An Phú, xã Tân Thịnh (Chiêm Hóa).   Ảnh: Bàn Thanh

Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tiếp tục được triển khai và nâng tầm. Theo đó, bên cạnh việc sử dung hàng Việt, tỉnh đã chú trọng xây dựng các thương hiệu sản phẩm hàng hóa của địa phương như cam sành Hàm Yên, vịt bầu Minh Hương, miến dong Hợp Thành, bưởi Xuân Vân, rượu ngô Na Hang, mắm cá Kim Bình, bánh gai, bánh gấc Chiêm Hóa, chè đen xuất khẩu của Công ty cổ phần Chè Sông Lô... Hàng năm, MTTQ các cấp trong tỉnh đã phối hợp tổ chức tốt các hội chợ thương mại giới thiệu sản phẩm hàng hóa Việt Nam tới các chợ nông thôn, vùng sâu, vùng xa, phối hợp hình thành các kênh phân phối sản phẩm đến với người tiêu dùng, tham gia kiểm soát thị trường, chống hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng; tôn vinh, biểu dương các doanh nghiệp trong tỉnh có sản phẩm giới thiệu với người tiêu dùng; phối hợp hướng dẫn người tiêu dùng cách phân biệt hàng giả, hàng thật.

Hoạt động giám sát, phản biện xã hội đã trở thành hoạt động thường xuyên, trọng tâm của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội. Theo thống kê, MTTQ và các tổ chức thành viên từ tỉnh đến cơ sở đã thực hiện 6.088 cuộc giám sát và hàng chục cuộc phản biện xã hội. Nội dung giám sát tập trung vào thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước liên quan đến người có công với cách mạng; vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; việc thu và sử dụng các nguồn quỹ, các khoản đóng góp của các trường học; việc giải quyết khiếu nại, tố cáo ở cơ sở; việc chấp hành pháp luật trong việc kinh doanh, mua bán, sử dụng các loại vật tư, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật... Thông qua giám sát, đã phát huy vai trò và quyền làm chủ của nhân dân trong việc đóng góp ý kiến về hoạt động quản lý nhà nước, quản lý xã hội của chính quyền và cơ quan Nhà nước các cấp ở địa phương.

Hân hoan ngày hội đoàn kết

Đã thành thông lệ, vào mỗi dịp kỷ niệm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam 18-11, các khu dân cư trong toàn tỉnh đều tưng bừng tổ chức ngày hội. Ở mỗi thôn, bản, tổ dân phố, ban công tác mặt trận của các khu dân cư đã chủ trì tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc với các hoạt động ý nghĩa. Mỗi địa phương tùy theo điều kiện để có quy mô tổ chức phù hợp, đảm bảo trang trọng, thiết thực, tiết kiệm. 

Ngày hội Đại đoàn kết thôn Bản Tát, xã Tri Phú (Chiêm Hóa).  Ảnh: Lý Thịnh

Trong dịp này, các khu dân cư đều tổ chức các hoạt động vệ sinh môi trường, văn nghệ, thể thao; biểu dương, khen thưởng những tập thể, gia đình, cá nhân tiêu biểu, tạo khí thế thi đua sôi nổi, rộng khắp. Trong Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã phân công các đồng chí lãnh đạo tỉnh về dự Ngày hội tại khu dân cư. Ở cấp huyện, cấp xã cũng phân công cán bộ về chung vui với bà con nhân dân tại thôn, xóm, tổ dân phố góp phần làm sâu sắc thêm mối quan hệ máu thịt giữa Đảng, chính quyền và nhân dân.  

Ông Ma Công Lương, Trưởng Ban Công tác Mặt trận Khu dân cư thôn 9, xã Trung Môn (Yên Sơn) chia sẻ, ngày hội năm nay về hình thức tổ chức thì vẫn giống như mọi năm, đảm bảo cả phần lễ và phần hội theo hướng dẫn. Nhưng năm nay, khu dân cư đã đông vui hơn mọi năm vì sau sáp nhập thôn, tổng số hộ tăng lên 244 hộ. Hai thôn giờ về chung “một nhà” khiến ngày hội đại đoàn kết năm nay thêm phần ý nghĩa. Ngày hội là dịp để các hộ từ hai thôn trước đây được giao lưu, trao đổi kinh nghiệm làm ăn, gắn kết hơn tình làng nghĩa xóm.

Ở bản vùng cao Khâu Tràng, xã Hồng Thái (Na Hang), đồng bào người Dao nơi đây tổ chức Ngày hội đại đoàn kết trong không khí vui tươi, phấn khởi trước những thành tựu đạt được trong xây dựng nông thôn mới. Ông Đặng Văn Hò, Trưởng Ban Công tác Mặt trận thôn chia sẻ: Thôn Khâu Tràng từ một bản nghèo, đường giao thông đi lại khó khăn, nhưng trong mấy năm gần đây, với sự quan tâm định hướng của các cấp, các ngành, bà con dân bản đã biết tận dụng lợi thế khí hậu quanh năm mát mẻ để phát triển nông nghiệp hàng hóa. Từ đó, từng bước đẩy lùi nghèo đói. 

Nét mới trong ngày đại đoàn kết ở nhiều khu dân cư năm nay còn được thể hiện ở sự đoàn kết, hòa đồng sau sáp nhập các thôn bản, tổ dân phố. Mỗi người dân đều ý thức sâu sắc trước yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đòi hỏi mỗi người dân phải bằng hành động thiết thực của mình, để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. 

Bài, ảnh: Ngọc Hưng/Báo Tuyên Quang

Tin cùng chuyên mục