Chiêm Hóa thực hiện hiệu quả công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho người lao động

Đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với nhu cầu của người lao động là một trong những yếu tố quan trọng, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập và giảm nghèo ở mỗi địa phương. Trong những năm gần đây Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Chiêm Hóa đã có nhiều đổi mới trong dạy nghề, chỉ tổ chức mở lớp dạy nghề cho những lao động có nhu cầu thực sự, lựa chọn nghề đào tạo trên cơ sở bám sát quy hoạch, định hướng phát triển kinh tế, định hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp ở địa phương.

Lớp học đào tạo nghề Sửa chữa máy nông nghiệp tại xã Bình Nhân, huyện Chiêm Hóa.

Chiêm Hoá là huyện miền núi phía Bắc của tỉnh Tuyên Quang. Diện tích tự nhiên của huyện Chiêm Hóa là 127.882,3ha, trong đó có 14.965,19 ha đất sản xuất nông nghiệp và 105.126,2 ha đất lâm nghiệp. Toàn huyện có 378 thôn, tổ  dân phố, dân số trên 132.000 người với 18 dân tộc cùng chung sống. Thu nhập chính của người dân chủ yếu dựa vào nông nghiệp. Công tác đào tạo nghề cho lao động trên địa bàn huyện được quan tâm và đẩy mạnh, trung bình có trên 1.000 lao động được đào tạo nghề/năm góp phần nâng tỷ lệ lao động có việc làm qua đào tạo đến năm 2018 đạt 24,03%.

Năm 2019, kế hoạch huyện Chiêm Hóa tổ chức mở 12 lớp dạy nghề cho lao động nông thôn, với 420 lao động. Đến nay đã hoàn thành 100% kế hoạch, trong đó số học viên tham gia học nghề là người dân tộc thiểu số chiếm trên 70%. Các ngành nghề đào tạo chủ yếu là: Sửa chữa máy nông nghiệp; Nề hoàn thiện; Mây giang tre đan; Chăn nuôi gia súc, gia cầm; Trồng rau an toàn; Trồng cây ăn quả; Nuôi trồng thủy sản. Công tác đào tạo nghề mở ra nhiều hướng đi mới trong tạo việc làm cho người dân trên địa bàn, nhiều lao động đã phát triển nghề được học, đem lại thu nhập khá, vươn lên thoát nghèo, làm giàu hiệu quả.

Chị Hoàng Thị Hoan, ở thôn Ngầu 1, xã Hùng Mỹ, tổ trưởng Tổ hợp tác tổng hợp xã Hùng Mỹ chia sẻ: Nhằm phát huy nguồn nguyên liệu sẵn có và tạo việc làm cho lao động ở địa phương, từ đầu năm 2019, thôn Ngầu 1 đã rà soát và lập hồ sơ những người có nhu cầu học nghề và đăng ký mở lớp. Tháng 6/2019 Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Chiêm Hóa đã tổ chức mở lớp dạy nghề mây giang tre đan, với 35 học viên tham gia. Để đảm bảo chất lượng đào tạo, Trung tâm đã mời Nghệ nhân Trần Văn Quỳnh ở làng nghề mây tre đan Phú Vinh, xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ, Hà Nội đến dạy. Các sản phẩm được tạo thành từ cây giang, cây tế sẵn có ở địa phương, với một số sản phẩm chính như khay đựng hoa quả, bánh kẹo, cơi trầu, làn xách tay, giỏ đựng hàng. Toàn bộ các sản phẩm đạt chất lượng đều được các cơ sở của chính làng nghề Phú Vinh lên ký hợp đồng thu mua, tiêu thụ cho nhân dân. Trong gần 3 tháng trở lại đây, Tổ hợp tác đã xuất bán trên 800 sản phẩm, với tổng giá trị trên 40 triệu đồng.


Lớp dạy nghề Mây giang tre đan tại thôn Ngầu 1, xã Hùng Mỹ, huyện Chiêm Hóa

  Ông Hoàng Văn Chung, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Chiêm Hóa cho biết: Thực hiện kế hoạch công tác đào tạo nghề cho lao động năm 2019, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Chiêm Hóa đã chủ động phối hợp với các xã triển khai tuyển sinh và tổ chức đào tạo đảm bảo hiệu quả. Để đảm bảo hiệu quả sau đào tạo, Trung tâm chỉ tổ chức dạy nghề cho những học viên xác định được việc làm và thu nhập có được sau học nghề; việc đào tạo nghề được thực hiện tại địa phương, cơ sở với phương châm vừa học lý thuyết vừa thực hành, cầm tay chỉ việc nhưng chỉ dạy ở nơi học viên học xong có việc làm phải phát huy được tiềm năng, thế mạnh của địa phương, gắn với vùng nguyên liệu và tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Với chủ trương đó, trong những năm qua gần 90% học viên của Trung tâm sau học nghề đều gắn và tạo được việc làm, đặc biệt đối với học viên học nghề lĩnh vực nông nghiệp gần như 100% lao động gắn và tạo được việc làm.

Năm 2019, ngoài mở 12 lớp dạy nghề cho lao động nông thôn được hỗ trợ từ nguồn kinh phí Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, gồm 5 lớp dạy nghề lĩnh vực phi nông nghiệp và 7 lớp dạy nghề lĩnh vực nông nghiệp, Trung tâm còn tổ chức tuyển sinh mở 02 lớp giáo dục thường xuyên gắn với học các nghề như hàn, điện, nấu ăn cho 81 em học sinh trên địa bàn huyện; liên kết với Trường Đại học Thành Đông mở lớp Đại học Luật cho 41 học viên trên địa bàn.


Học viên nhận Chứng chỉ nghề tại lớp Kỹ thuận trồng cây ăn quả ở xã Hà Lang

Việc chủ động, tích cực trong công tác đào tạo nghề, đặc biệt là đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với nhu cầu của người lao động, theo quy hoạch, định hướng phát triển kinh tế, định hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn huyện, xã là hướng đi đúng, phù hợp, góp phần từng bước nâng tỷ lệ lao động có việc làm qua đào tạo trên địa bàn huyện Chiêm Hóa, từng bước nâng cao trình độ, tay nghề của người dân nông thôn để có điều kiện phát triển kinh tế gia đình, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương./.

Phạm Đình Tuyên/VPĐP NTM tỉnh

Tin cùng chuyên mục