Chiêm Hóa đẩy mạnh việc thực hiện nhóm tiêu chí Kinh tế tổ chức sản xuất

Trong những năm qua, huyện Chiêm Hóa đã triển khai nhiều đề án, dự án để thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế nông lâm nghiệp. Bước đầu đã hình thành một số vùng sản xuất hàng hóa tập trung như: vùng lạc, mía, gỗ nguyên liệu giấy... Tạo thu nhập ổn định góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân, diện mạo nông thôn ngày một đổi mới.

Kinh tế tổ chức sản xuất được xem là nhóm tiêu chí “cốt lõi”, bởi mục tiêu cuối cùng của Chương trình xây dựng nông thôn mới là nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân khu vực nông thôn, đảm bảo người dân có một cuộc sống ấm no và hạnh phúc. Khi bắt đầu triển khai thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, tiêu chí bình quân trên địa bàn huyện mới đạt 3,08 tiêu chí/xã, hạ tầng kinh tế - xã hội chưa được quan tâm đầu tư, kinh tế và tổ chức sản xuất kém phát triển, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 44,53%, tỷ lệ lao động có việc làm dưới 90%, thu nhập bình quân đầu người năm 2011 đạt khoảng 10 triệu đồng/người/năm; các hình thức tổ chức sản xuất ở nông thôn chưa phát triển.

Thành viên Hợp tác xã NLN Yên Nguyên, xã Yên Nguyên thu hoạch ớt

Chính vì vậy, sau 10 năm triển khai thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, cùng với sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới huyện Chiêm Hóa đã đạt được một số kết quả quan trọng: Nâng số tiêu chí bình quân đạt 13 tiêu chí/xã (dự kiến năm 2019 đạt 14 tiêu chí/xã); phấn đấu có 07 xã hoàn thành 19/19 tiêu chí, chiếm 28% số xã.

Để đạt được kết quả đó, huyện Chiêm Hóa luôn xác định phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân là tiêu chí quan trọng, quyết định thành công của Chương trình xây dựng nông thôn mới. Trong giai đoạn 2011-2020, huyện đã tổ chức triển khai thực hiện nhiều Đề án, dự án phát triển sản xuất (với 82 dự án trồng trọt, chăn nuôi được triển khai thực hiện đã thu hút 11.227 lượt hộ tham gia và huy động được nguồn lực lớn để thúc đẩy phát triển sản xuất: Tổng kinh phí thực hiện trên 134 tỷ đồng, trong đó nhà nước hỗ trợ khoảng 15 tỷ đồng, còn lại là vốn đóng góp của nhân dân). Thông qua đó đã tạo điều kiện cho các hộ gia đình được tiếp cận với chính sách giảm nghèo (giai đoạn 2011-2018 đã giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 44,53% xuống còn 21,12%), đời sống nhân dân ngày một được nâng lên, thu nhập bình quân đạt 30 triệu đồng/người/năm. Đến nay, có 09/25 xã đạt tiêu chí về Thu nhập, 10/25 xã đạt tiêu chí về Hộ nghèo, 25/25 xã đạt tiêu chí về Lao động có việc làm.

Người dân thôn Nà Bó, xã Phúc Thịnh thu hoạch lạc

Trong thực hiện tiêu chí tổ chức sản xuất, cấp huyện, cấp xã đã triển khai quyết liệt, hiệu quả các cơ chế, chính sách của tỉnh về phát triển kinh tế trang trại, chính sách về hỗ trợ sản xuất hàng hóa đối với một số cây trồng, vật nuôi. Các cơ chế chính sách đã đi vào cuộc sống và  góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển mô hình kinh tế trang trại, kinh tế hợp tác xã, góp phần đa dạng các hình thức tổ chức sản xuất ở nông thôn.

Hiện toàn huyện có 38 HTX nông lâm nghiệp hoạt động theo luật HTX năm 2012 (trong đó năm 2018 thành lập mới 03 Hợp tác xã), 6 tháng đầu năm 2019 củng cố, kiện toàn 07 Hợp tác xã NLN hoạt động không có hiệu quả. Một số Hợp tác xã có sự chuyển biến rõ rệt và định hướng sản xuất kinh doanh liên kết theo chuỗi giá trị, như: Hợp tác xã Nông lâm nghiệp Tiến Quang, Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Như Ngọc, Hợp tác xã Nông lâm nghiệp Phúc Sơn… Với các Hợp tác xã hoạt động kém hiệu quả đã được tư vấn, hướng dẫn xây dựng phương án sản xuất kinh doanh cụ thể, theo định hướng thị trường. Nhiều  Hợp tác xã đã nhanh chóng nắm bắt được nhu cầu của thị trường, tận dụng được chính sách hỗ trợ của Nhà nước để mở rộng quy mô hoạt động sản xuất kinh doanh như: Hợp tác xã Nông lâm nghiệp Minh Đức và HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Hợp Tiến tiếp cận với chính sách vay vốn có hỗ trợ lãi suất theo Nghị quyết số 05 của HĐND tỉnh, với số tiền đã giải ngân 1.500 triệu đồng. Đến nay, có 23/25 xã đạt tiêu chí về Tổ chức sản xuất.

Về kinh tế trang trại, toàn huyện đã phát triển được 108 trang trại. Tuy quy mô một số trang trại còn nhỏ, phân tán nhưng bước đầu đã góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tạo ra các vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa, hiệu quả sản xuất của trang trại ngày càng tăng và tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản. Việc tập trung phát triển kinh tế trang trại góp phần tích cực trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi tạo ra nhiều nông sản phẩm chất lượng, giá trị. Đã có 67 trang trại được tiếp cận nguồn vốn vay theo Nghị quyết số 10 của HĐND tỉnh với tổng số tiền vay là 18.295 triệu đồng (trong đó, 56 trang trại đã được hỗ trợ lãi suất vốn vay với tổng số tiền 1.370 triệu đồng).

Trong thời gian tới, để thực hiện có hiệu quả hơn nhóm tiêu chí về Kinh tế tổ chức sản xuất nói riêng và thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới nói chung, huyện Chiêm Hóa luôn xác định cần duy trì, củng cố và nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt, hướng dẫn các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới xây dựng và thực hiện kế hoạch đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao, xã nông thôn mới kiểu mẫu; tiếp tục triển khai có hiệu quả các nội dung của Chương trình đảm bảo chất lượng và bền vững, phát huy kết quả đạt được, khắc phục những yếu kém còn tồn tại, góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện thực hiện Chương trình nhằm thực hiện mục tiêu: Nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần của người dân; bảo tồn và phát huy giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc; dần thu hẹp khoảng cách phát triển giữa xã đặc biệt khó khăn và xã khác; từng bước hướng tới một nền nông nghiệp hiện đại, theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa./.

Nguyễn Thị Thu Hương/VPĐP NTM tỉnh

Tin cùng chuyên mục