Ứng dụng khoa học công nghệ trong xây dựng nông thôn mới

Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ (KHCN) vào xây dựng nông thôn mới (NTM) là nội dung quan trọng trong Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM. Dấu ấn của KHCN đã và đang thể hiện rõ nét trong các quy hoạch xây dựng NTM, cũng như thành quả của việc áp dụng tiến bộ KHCN vào sản xuất, phát triển kinh tế nông thôn… Qua đó, góp phần tích cực làm đổi thay diện mạo nông thôn.

Cải thiện đời sống người dân

Làng nghề sản xuất và chế biến chè Phú Thịnh (xã Phú Hộ, TX.Phú Thọ) là một trong những làng nghề tiêu biểu của tỉnh Phú Thọ trong việc ứng dụng KHCN vào sản xuất nông nghiệp. Thông qua các chương trình hỗ trợ của Nhà nước và người dân tự đầu tư máy móc, trang thiết bị và kỹ thuật trong sản xuất đã góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, kéo theo giá trị sản phẩm cũng tăng lên.


 Máy hái chè được người dân đưa vào sử dụng rộng rãi.

Ông Nguyễn Hữu Hồng, Trưởng làng nghề Phú Thịnh cho biết, làng nghề có 130 hộ, diện tích chè vào khoảng 25ha, trong đó có 60 hộ trồng chè kết hợp với chế biến. Trước đây, người dân chỉ trồng chè theo tập quán cũ, không có nhiều hiểu biết về tiến bộ kỹ thuật, máy móc hỗ trợ, dẫn tới chất lượng sản phẩm thấp. Từ năm 2014, người trồng chè ở Phú Thịnh đã được cán bộ Viện Khoa học Kỹ thuật nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật, trồng thí điểm các giống chè mới có năng suất cao, chất lượng tốt. Nhờ đó mà rất nhiều doanh nghiệp, thương lái trong và ngoài tỉnh như Yên Bái, Lào Cai, Hà Giang, Thái Nguyên, Bắc Giang… đã đến thu mua chè.

Thông qua các chương trình hỗ trợ của Nhà nước, bà con đã tự đầu tư các trang thiết bị máy móc phục vụ sản xuất và chế biến chè, như máy sao chè bằng gas; máy hút chân không… Bên cạnh đó, người sản xuất chè còn được hỗ trợ bao bì, tem truy xuất nguồn gốc, sản phẩm bắt đầu được tiêu thụ qua một số siêu thị, cửa hàng. Nhờ đó, hầu hết các hộ trồng, chế biến chè ở đây đã vươn lên thoát nghèo. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người trong làng nghề đạt trên 30 triệu đồng/năm.

Hay như Hợp tác xã (HTX) Sản xuất nông sản và Thương mại Hồng Giang (Lục Ngạn, Bắc Giang) cũng đã có nhiều thay đổi tích cực nhờ áp dụng KHCN phục vụ xây dựng NTM. Theo đó, HTX Hồng Giang được sự giúp đỡ của Viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) hỗ trợ hai dây chuyền xử lý hoa quả. Nhờ đó, sản phẩm vải Hồng Giang đã xuất khẩu được sang thị trường châu Âu, Mỹ…

Tiếp tục phát huy lợi thế

Theo ông Nguyễn Tuấn Anh, Chủ nhiệm Chương trình KHCN phục vụ xây dựng NTM, trong thời gian triển khai thực hiện, với sự ủng hộ rộng rãi và phối hợp khá chặt chẽ của các bộ, ngành và địa phương, Chương trình đã thực hiện được 69 nhiệm vụ KHCN (47 đề tài và 22 dự án), bám sát các mục tiêu và nội dung của Chương trình, cơ bản phù hợp với yêu cầu của Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM. Cụ thể: Triển khai xây dựng được 185 mô hình chuyển giao kết quả nghiên cứu và liên kết sản xuất-tiêu thụ nông sản thuộc nhiều lĩnh vực ngành nghề, giúp hơn 5.000 hộ nông dân của gần 100 xã trên địa bàn 40 tỉnh được hưởng lợi, giúp các địa phương, hợp tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đạt hiệu quả kinh tế-xã hội rõ rệt.

Tuy nhiên, trên thực tế, việc ứng dụng KHCN và sản xuất tại khu vực nông thôn vẫn còn nhiều hạn chế. Nguyên nhân do còn nhiều nông hộ vẫn sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, khó áp dụng tiến bộ KHCN vào sản xuất; nguồn kinh phí hạn chế; một số địa phương và người dân chưa chủ động, sẵn sàng trong việc tiếp thu các mô hình ứng dụng KHCN đã thành công để nhân rộng sản xuất, phát triển kinh tế trên địa bàn…

Ông Nguyễn Tuấn Anh cho biết thêm, trong giai đoạn tới, Chương trình sẽ ưu tiên tập trung chỉ đạo triển khai các mô hình, dự án chuyển đổi sản xuất gắn với thực tiễn, chuyển giao ứng dụng, phát huy lợi thế của từng vùng, miền để phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn, xây dựng NTM… Trong đó, đặc biệt chú trọng đến các dự án, mô hình phục vụ triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm.

Bài, ảnh: Báo Dân tộc

Tin cùng chuyên mục