Thành công từ định hướng phát triển đa dạng chủng loại sản phẩm gắn với liên kết sản xuất của Hợp tác xã Nặm Đăm

Định hướng phát triển đa dạng chủng loại sản phẩm từ cây dược liệu gắn với với du lịch cộng đồng, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, là lối đi riêng được Hợp tác xã Cộng đồng Nặm Đăm, xã Quản Bạ, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang lựa chọn phát triển để phát huy lợi thế vùng miền, quyết tâm thay đổi cuộc sống cho người dân thôn Nặm Đăm và mang lại những giá trị tốt đẹp cho cộng đồng xã hội trên địa bàn tỉnh Hà Giang nói riêng và của cả nước nói chung.

Khâu sơ chế, chế biến dược liệu của Hợp tác xã Nặm Đăm

Hợp tác xã Cộng đồng Nặm Đăm, xã Quản Bạ, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang  được thành lập ngày 28 tháng 8 năm 2014, với 23 thành viên. Ngành nghề sản xuất, kinh doanh chính của Hợp tác xã là phát triển dược liệu gắn du lịch cộng đồng. Sau hơn 04 năm thành lập, đến nay Hợp tác xã đã liên kết với hơn 30 hộ dân, 04 Hợp tác xã và 1 công ty trong khu vực để thu mua cây dược liệu tươi như: cây actiso, cây đương quy, cơm cháy, củ dòm, kim ngân hoa, huyền sâm… với diện tích sản xuất nguyên liệu ổn định 10 ha. Hợp tác xã có 1 xưởng sơ chế, chế biến, nhà kho bảo quản sản phẩm trước và sau chế biến với  tổng diện tích khoảng 4.000 m2;  có hệ thống máy sao, sấy, nấu cao do Việt Nam sản xuất, công suất 1,5 tấn/mẻ/ngày.

Kết quả sau hơn 04 năm, cùng những nỗ lực và cố gắng hết mình trên con đường phát triển dược liệu. Đến nay, HTX tổ chức ký hợp đồng liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm với Công ty cổ phần Thung Lũng dược liệu xanh Việt Nam, Công ty cổ phần Thảo dược Cao nguyên đá, công ty Dkpharma trường đại học Dược Hà Nội và Trung tâm KHKT giống cây trồng và gia súc Phó Bảng Đồng Văn và đã chính thức tham gia Hiệp hội Dược liệu tỉnh Hà Giang, tạo ra hơn 16 loại sản phẩm từ dược liệu, như: Mạnh gân hoạt cốt cao, Cao củ dòm, Cao actiso, Bổ khí ích não, Xoang mũi, Trà gừng cao nguyên đá, Cồn xoa bóp, Hà Thủ ô cao nguyên đá, Sinh lý rượu, Nước tắm theo dược Nặm Đăm, nước Ngâm chân, Thuốc tắm phụ nữ, 04 loại tinh dầu, thuốc tắm khô,…


Một số sản phẩm dược liệu của Hợp tác xã Cộng đồng Nặm Đăm

Anh Lý Tà Dèn, Giám đốc Hợp tác xã Cộng đồng Nặm Đăm cho biết: Trong quá trình xây dựng và phát triển Hợp tác xã cũng gặp không ít những khó khăn, đặc biệt về thị trường. Hiện nay trên thị trường có nhiều sản phẩm từ dược liệu, thuốc, mỹ phẩm ... không rõ nguồn gốc xuất xứ, làm giả, không đảm bảo chất lượng... Nhiều người đến với HTX cũng có những tâm lý lo ngại về các sản phẩm và đặt ra những câu hỏi, như: Nguồn gốc sản phẩm có đảm bảo không? Quy trình sản xuất có đạt yêu cầu không? Sản phẩm dùng có chất lượng không? sản phẩm hiệu quả mà sao chưa được bán phổ biến?... Và sản phẩm của Hợp tác xã được sản xuất và tiêu thụ trên thị trường đã góp phần giải đáp được một trong những băn khoăn, nghi ngại  của người tiêu dùng về nguồn gốc sản phẩm và quy trình sản xuất; Hợp tác xã tự tin và cam đoan là các nguồn dược liệu đều được thu hái hoặc trồng trực tiếp trên mảnh đất Hà Giang với sự hỗ trợ về mặt kỹ thuật của Trường Đại học Dược Hà Nội, sự hướng dẫn và giúp đỡ của công ty Dược khoa. Sản phẩm của Hợp tác xã là các sản phẩm chăm sóc sức khỏe và hỗ trợ điều trị bệnh. Do là sản phẩm mới chưa có điều kiện mở rộng quy mô nên mới có đại lý ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và cửa hàng trực tiếp tại Quản Bạ.


Sản phẩm tiềm năng của Hợp tác xã Nặm Đăm thực hiện Chương trình OCOP được giới thiệu tại Trung tâm trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang

Anh Lý Tà Dèn phấn khởi chia sẻ: Bên cạnh việc đẩy mạnh liên kết thu mua dược liệu của các đối tác liên kết và các thành viên tham gia Hợp tác xã. Năm 2018, Hợp tác xã đạt doanh thu từ các hoạt động sản xuất kinh doanh trên 1,6 tỷ đồng, lợi nhuận đạt khoảng 25% doanh thu, đồng thời tạo công ăn việc làm ổn định cho 18 lao động thường xuyên, với mức thu nhập bình quân từ 4 đến 5 triệu đồng/người/tháng.

Thời gian tới, Hợp tác xã tiếp tục thực hiện các hợp đồng đã ký kết với các doanh nghiệp để sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm; duy trì và mở rộng thêm vùng nguyên liệu lên khoảng 20 ha; năm 2019 sản xuất thêm 3 sản phẩm; tiếp tục đầu tư thêm hạ tầng 2,5 tỷ và nâng cấp sản phẩm từ nấu cao sang thành dạng viên nang. Tiếp tục liên kết với các Hợp tác xã và các hộ dân để sản xuất, thu mua cây dược liệu để đảm bảo đủ nguyên liệu chế biến; liên kết thêm với các hộ trong và ngoài xã, huyện ngoài để mở rộng vùng nguyên liệu phục vụ sản xuất. Tham gia các Hội chợ trong và ngoài tỉnh do huyện, tỉnh tổ chức để quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm và các cơ hội đầu tư. Phân công cán bộ, thành viên tham gia các lớp đào tạo, tập huấn để nâng cao năng lực phục vụ sản xuất, sơ chế, chế biến của HTX.

Phát triển cây dược liệu gắn với chế biến theo lợi thế vùng miền được Hợp tác Cộng Đồng Nặm Đăm, xã Quản Bạ, huyện Quản Bạ khai thác và phát huy là những kinh nghiệm quý báu để các địa phương có tính tương đồng về địa lý như Tuyên Quang học hỏi, xây dựng và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất (Hợp tác xã, Tổ hợp tác,...) phù hợp nhằm khai thác lợi thế về cây dược liệu nói riêng và các sản phẩm có lợi thế khác nói chung trên địa bàn tỉnh theo định hướng đa dạng chủng loại sản phẩm gắn với với du lịch cộng đồng, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị./.

Trần Gia Lam/VPĐP NTM tỉnh

Tin cùng chuyên mục