Phú Thọ chú trọng giữ 'chất' nông thôn mới sau cán đích

Cán đích NTM, những kết quả đã đạt được theo 19 tiêu chí trở thành nền tảng vững chắc để các địa phương tiếp tục vươn lên phát triển. Tuy nhiên...

Tuy nhiên, xác định xây dựng NTM là quá trình lâu dài, liên tục, các xã NTM vượt qua khó khăn, nỗ lực liên tục để giữ vững và phát huy các tiêu chí, tỉnh Phú Thọ chú trọng tiếp tục dành nguồn vốn phân bổ cho các xã thực hiện duy trì, duy tu, bảo dưỡng các công trình hạ tầng.

Chủ trương của tỉnh Phú Thọ đề ra, việc tiếp tục nâng cao chất lượng các tiêu chí là mục tiêu hàng đầu của các xã đã về đích NTM. Trong đó, các địa phương đều tập trung vào các nhiệm vụ ưu tiên: Tiếp tục hoàn thiện cơ sở hạ tầng thiết yếu trên địa bàn, nhằm tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, tăng mức độ hưởng thụ trực tiếp cho cư dân nông thôn; phát triển SX gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân; phát triển đời sống văn hóa nông thôn, nâng cao chất lượng công tác giáo dục và y tế; nâng cao chất lượng môi trường nông thôn, giữ vững an ninh, trật tự xã hội...


Phú Thọ chú trọng giữ “chất” NTM, tiếp tục đẩy mạnh xây dựng sau khi cán đích

Chính vì thế, năm 2018, tỉnh trung du này tiếp tục chú trọng các tiêu chí được cho là “chất” như thu nhập (132/247 xã đạt tiêu chí về thu nhập, chiếm 53,4%, tăng 8 xã so với năm 2017); 190/247 xã đạt tiêu chí về tổ chức SX (chiếm 76,9%), tăng 2 xã so với năm 2017; 126/247 xã đạt tiêu chí giao thông nông thôn (chiếm 51%), tăng 31 xã so với năm 2017; 228/247 xã đạt tiêu chí thủy lợi và hệ thống kênh mương phục vụ SX (chiếm 92,3%, tăng 12 xã so với năm 2017)… Toàn tỉnh Phú Thọ đã có 113 khu dân cư đạt chuẩn NTM.

Đặc biệt, đối với huyện Lâm Thao đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận đạt chuẩn NTM năm 2015,sau 3 năm về đích, đến thời điểm hiện tại, cả địa phương vẫn đang tiếp tục thực hiện nâng chất các tiêu chí của huyện NTM với tinh thần “đạt chuẩn không có nghĩa là dừng lại”. Có thể nói rằng, Phú Thọ đã sớm xác định, sau khi cán đích NTM là cả một chặng đường dài đầy những thách thức.

Xã Xuân Lộc (huyện Thanh Thủy) là một trong những địa phương đầu tiên của tỉnh Phú Thọ hoàn thành chương trình xây dựng NTM vào năm 2015, ông Phương Văn Dụ, Chủ tịch UBND xã chia sẻ: “Nếu chỉ dừng lại ở những kết quả đã đạt được khi hoàn thành xây dựng NTM thì xã sẽ tụt lùi trước sự vận động liên tục của đời sống xã hội và yêu cầu ngày càng cao về vật chất và tinh thần của người dân. Vì vậy, Xuân Lộc tiếp tục huy động các nguồn vốn, phát huy nội lực, nâng cao hơn nữa chất lượng các tiêu chí đã đạt.

Ví dụ, khi cán đích NTM, Xuân Lộc mới chỉ hoàn thành bê tông hóa hơn 70% đường giao thông nông thôn. Đến năm 2017, sau khi 99% đường giao thông nông thôn được bê tông hóa, xã đã huy động người dân đóng góp lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng và trồng hoa hai bên đường giao thông đến từng khu, xóm. Phong trào này được đông đảo người dân đồng tình, ủng hộ, làm nên diện mạo sáng - xanh - sạch - đẹp cho địa phương”.

Tương tự, xã Phương Xá (huyện Cẩm Khê) khi được công nhận đạt chuẩn NTM mới chỉ có 2km đường trục xã, liên xã được nhựa hóa, bê tông hóa; gần 10km đường liên thôn, xóm và đường trục chính nội đồng được cứng hóa; hơn 90% lao động có việc làm thường xuyên, hơn 80% người dân tham gia BHYT; thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 21 triệu đồng/năm... Không bằng lòng, Phương Xá đã xây dựng các giải pháp cụ thể nhằm duy trì và nâng cao chất lượng các nhóm tiêu chí.

Ông Nguyễn Hồng Sơn, Chủ tịch UBND xã khẳng định: Xã đã đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; đưa tiến bộ KHKT vào SX; khuyến khích bà con đầu tư, phát triển trang trại, gia trại chăn nuôi gia súc, gia cầm. Đồng thời, hỗ trợ hộ nghèo vay vốn, có phương tiện và tư liệu SX, từng bước vươn lên thoát nghèo. Nhờ đó đến nay, thu nhập bình quân đầu người đạt 29 triệu đồng/năm. Nhiều mô hình kinh tế tập thể đã phát huy hiệu quả, đóng góp lớn vào sự phát triển chung của địa phương như Quỹ tín dụng nhân dân và HTX Dịch vụ nông nghiệp và điện năng.

Bên cạnh nhóm tiêu chí kinh tế, xã cũng chú trọng nâng cao đời sống tinh thần cho người dân thông qua việc phát động các phong trào thể thao, văn hóa, văn nghệ, tổ chức các cuộc sinh hoạt cộng đồng tại các nhà văn hóa thôn. Qua đó không những tạo ra môi trường sống lành mạnh mà còn gắn kết cộng đồng, phát huy sự đoàn kết, đồng thuận trong nhân dân.

Xã Lương Nha là xã đầu tiên của huyện Thanh Sơn “cán đích” NTM vào tháng 3/2017. Tính từ thời điểm bắt tay xây dựng NTM vào năm 2011 đến khi đạt chuẩn, xã đã huy động tổng nguồn lực đạt trên 73 tỉ đồng, trong đó nhân dân đóng góp trên 9,1 tỉ đồng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng trong xã. Đến giai đoạn này, việc huy động nguồn lực của xã bị “chững” lại, 6 tháng đầu năm 2018, xã chỉ huy động được người dân góp công, góp của với tổng giá trị 101 triệu đồng để tu sửa, nâng cấp một số công trình nhỏ. 

Ông Đinh Công Hường, Chủ tịch UBND xã Lương Nha chia sẻ: “Các tiêu chí được xem là “tĩnh” như: Giao thông, thủy lợi, trường học, điện, chợ nông thôn, theo thời gian và quá trình sử dụng sẽ bị hao mòn, xuống cấp, đòi hỏi phải được duy tu, bảo trì, bảo dưỡng thường xuyên. Tuy nhiên, khả năng huy động và tích lũy vốn từ nội lực của xã còn thấp và sau khi đạt chuẩn, các nguồn vốn dự án, chương trình hỗ trợ cũng sẽ hạn chế hơn trước. Do đó, để giữ vững các tiêu chí này đã là vấn đề rất nan giải chứ chưa kể đến việc nâng cao chất lượng”.

Từ những thực tiễn tại địa phương, song song với mục tiêu năm 2019 phấn đấu có 135 xã đạt và cơ bản đạt chuẩn NTM (trong đó có ít nhất 90 xã đạt chuẩn NTM), tỉnh Phú Thọ cũng đề ra những mục tiêu khác như duy trì huyện Lâm Thao đạt chuẩn NTM; xây dựng TX Phú Thọ hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; bình quân tiêu chí toàn tỉnh đạt 14,5 tiêu chí/xã, không có xã dưới 7 tiêu chí; có 246 khu dân cư NTM...

Theo nongnghiep.vn

Tin cùng chuyên mục