Ông Nguyễn Văn Tâm, Giám đốc Sở NN-PTNT Kiên Giang:Hướng đến xã nâng cao, kiểu mẫu, nâng dần chất lượng cuộc sống người dân nông thôn

Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (NTM) trên địa bàn tỉnh Kiên Giang đã gặt hái được nhiều thành tựu, với kết quả gần 50% số xã đạt chuẩn, cao hơn so với bình quân chung của cả nước.

Song song với việc xây dựng xã, huyện đạt chuẩn NTM, tỉnh còn hướng tới thực hiện xã nâng cao, kiểu mẫu, để nâng cao hơn nữa chất lượng cuộc sống người dân nông thôn. PV Báo NNVN đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Tâm, GĐ Sở NN-PTNT, Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng NTM tỉnh xung quanh vấn đề này.


Ông Nguyễn Văn Tâm

Kết thúc năm 2018, Chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2016-2020 đã đi qua hơn nửa chặng đường. Xin ông khái quát đôi nét về những thành tựu ấn tượng mà tỉnh đã đạt được trong thời gian qua?

Thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp và công tác giảm nghèo bền vững, UBND, Ban Chỉ đạo tỉnh Kiên Giang đã tập trung chỉ đạo, điều hành thực hiện chương trình trên cơ sở những thành quả đã đạt được, bài học kinh nghiệm từ giai đoạn trước, sự vào cuộc của các ngành, các cấp, các địa phương đã tập trung chỉ đạo những nội dung trọng điểm trên địa bàn, xem đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên.

Bộ máy chỉ đạo, điều hành Chương trình các cấp được hình thành đồng bộ, tập trung triển khai các chủ trương, chính sách xây dựng NTM đạt nhiều kết quả, nhận thức của phần lớn cán bộ và người dân về xây dựng NTM có chuyển biến rõ nét.

Về chỉ tiêu, Trung ương giao đến năm 2020, ngoài huyện Tân Hiệp, thì Kiên Giang có thêm 2 huyện và 59 xã đạt chuẩn, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn tối thiểu đạt 50 triệu đồng/người/năm. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh xây dựng Kế hoạch đến 2020, có ít nhất 61 xã và 2 huyện đạt chuẩn và trung bình toàn tỉnh đạt 16 tiêu chí/xã.

Kết quả tính đến cuối năm 2018, toàn tỉnh có 57/117 xã đạt chuẩn NTM, đạt 48,3% cao hơn so với bình quân cả nước hiện nay là 41,6%. Trung bình đạt 15,96 tiêu chí/xã, thu nhập bình quân khu vực nông thôn đến nay đạt 42,7 triệu đồng/người/năm, tăng 1,45 lần so với trước khi bắt tay thực hiện chương trình, xã đạt cao nhất hiện nay là trên 60 triệu đồng/người.

Giai đoạn 2018-2020, Kiên Giang đã đề ra phương hướng nhiệm vụ và giải pháp thực hiện chương trình này như thế nào, mục tiêu nào tỉnh đang hướng tới? Tỉnh đã có kế hoạch gì để thực hiện NTM nâng cao, kiểu mẫu?

Để góp phần thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ tỉnh, nhiệm kỳ 2015-2020, Ban chỉ đạo tỉnh đề ra mục tiêu tiếp tục không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống người dân nông thôn, đảm bảo tỷ lệ hộ tham gia BHYT trên 85%; tỷ lệ hộ sử dụng nước hợp vệ sinh đạt trên 95%, trong đó trên 65% tỷ lệ hộ sử dụng nước sạch theo tiêu chuẩn Bộ Y tế; tỷ lệ hộ sử dụng điện an toàn 99%; thu nhập bình quân 50 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 1-1,5%/năm, riêng các xã đặc biệt khó khăn giảm tỷ lệ hộ nghèo 2%/năm.

Tỉnh đã chọn 4 huyện là Giồng Riềng, Gò Quao, Vĩnh Thuận và Kiên Lương làm điểm thực hiện huyện NTM đến cuối năm 2020. Phấn đấu đến cuối giai đoạn, sẽ có thêm ít nhất 2 huyện đạt chuẩn NTM được công nhận chính thức, hàng năm tăng ít nhất có 9-10 xã đạt chuẩn NTM, các xã còn lại nâng lên từ 1-2 tiêu chí/xã/năm và tối thiểu mỗi xã đạt từ 11 tiêu chí trở lên, toàn tỉnh bình quân đạt 16,6 tiêu chí/xã.

Các xã đã đạt chuẩn tiếp tục nâng cao chất lượng các tiêu chí, Tân Hiệp nâng cao chất lượng tiêu chí huyện NTM; Giồng Riềng và Tân Hiệp mỗi huyện tối thiểu có 1 xã đạt tiêu chí nâng cao, huyện Tân Hiệp có ít nhất 1 xã kiểu mẫu. Ban chỉ đạo tỉnh đã lấy ý kiến sở, ngành và địa phương, đồng thời thành lập Hội đồng sửa đổi bộ tiêu chí của tỉnh và thông qua bộ tiêu chí nâng cao, kiểu mẫu để có cơ sở thực hiện.

Kiên Giang có số lượng xã nhiều, với 117 xã của 15 huyện, TX, TP, khối lượng công việc cũng như cần huy động nguồn vốn thực hiện rất lớn. Tuy nhiên, tỉnh đã không để xảy ra tình trạng nợ đọng trong xây dựng NTM. Xin ông chia sẻ bí quyết về vấn đề này?

Kiên Giang từ năm 2010 đến nay không xảy ra tình trạng nợ đọng trong xây dựng NTM. Tỉnh đã xác định xây dựng NTM là vì người dân, Ban chỉ đạo tỉnh quán triệt ngay từ đầu là không chạy theo thành tích, các hạng mục công trình xây dựng phải phát huy hiệu quả, tránh lãng phí, đảm bảo phù hợp với thực tế, với phong tục tập quán địa phương, cụ thể như giao thông nông thôn, trung tâm văn hóa xã, nhà văn hóa ấp, nhà thi đấu đa năng…

Triển khai thực hiện có hiệu quả việc lồng ghép các nguồn vốn của các chương trình, đồng thời, vận động thực hiện nguồn xã hội hóa để góp phần xây dựng NTM đạt mục tiêu đề ra. Riêng giai đoạn 2016-2018, tổng nguồn vốn được huy động thực hiện Chương trình là 7.524.325 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương đầu tư trực tiếp trên 341 tỷ đồng, nguồn đầu tư phát triển hơn 261 tỷ đồng, vốn sự nghiệp gần 80 tỷ đồng.

Nguồn vốn lồng ghép các chương trình từ ngân ngân Trung ương trên 1.927 tỷ đồng, ngân sách tỉnh, huyện hơn 3.203 tỷ đồng, vốn tín dụng 450 tỷ đồng, doanh nghiệp đầu tư 650 tỷ đồng và nhân dân đóng góp trên 951 tỷ. Như vậy, nguồn vốn phân bổ trực tiếp cho chương trình chiếm 4,5%, các nguồn khác chiếm 95,5%.

Chương trình xây dựng NTM có sự gắn kết chặt chẽ với việc thực hiện Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp, chương trình giảm nghèo bền vững, chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP)... Kiên Giang đã thực hiện tổng thể các chương trình này như thế nào, thưa ông?

Trong quá trình triển khai thực hiện Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng NTM, UBND tỉnh chỉ đạo các Sở, ngành có liên quan và chính quyền địa phương các cấp thường xuyên quan tâm triển khai thực hiện kịp thời để nắm tình hình, đề ra các giải pháp chỉ đạo, điều hành phù hợp với thực tế địa phương.

Sau 4 năm tổ chức thực hiện, đến nay chương trình đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đại bộ phận nhân dân. Tốc độ tăng giá trị sản xuất toàn ngành nông nghiệp giai đoạn 2015 - 2017 bình quân đạt 2,73%, tỷ trọng GRDP của ngành chiếm 35,75% toàn tỉnh.

Giá trị sản xuất trên 1ha đất sản xuất nông nghiệp trong lĩnh vực trồng trọt đạt 70,49 triệu đồng/năm, kế hoạch đến năm 2020 là 100 triệu đồng. Giá trị sản phẩm thu được trên 1ha đất mặt nước nuôi trồng thủy sản đạt 118,26 triệu đồng/năm, mục tiêu đến năm 2020 là 130 triệu đồng. Sản xuất lúa gạo nhiều năm liền luôn dẫn đầu cả nước, với sản lượng trên 4 triệu tấn mỗi năm. Tổng sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản trên 765.000 tấn, trong đó, sản lượng tôm nuôi đạt hơn 65.000 tấn.

Tỉnh đã đề ra nhiều giải pháp, chính sách, dự án liên quan đến công tác giảm nghèo trong từng giai đoạn và triển khai thực hiện có hiệu quả. Nỗ lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho xã nghèo, xã đặc biệt khó khăn, đã xây dựng được hàng trăm km đường nông thôn, hàng chục cây cầu, nạo vét nhiều km kênh mương thủy lợi, xây dựng hàng chục điểm trường học, trạm y tế, chợ.

Đẩy mạnh dự án khuyến nông, lâm, ngư hỗ trợ phát triển sản xuất, đã hỗ trợ sản xuất cho hàng ngàn hộ nghèo trồng lúa, trồng rau màu. Tổ chức thực hiện tốt chủ trương huy động, bố trí nguồn lực tín dụng chính sách xã hội gắn với việc chuyển đổi cơ cấu sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội, dạy nghề, tạo việc làm, đảm bảo an sinh xã hội, xóa nghèo bền vững, giúp dân vươn lên làm giàu.

Xin cảm ơn ông!

Để tạo ra được nhiều sản phẩm có thương hiệu xuất xứ từ các địa phương, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng NTM mới bền vững, tỉnh Kiên Giang đã xây dựng Đề án Chương trình OCOP, với tổng kinh phí trên 46,7 tỷ đồng. Trọng tâm của Chương trình OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân và kinh tế tập thể thực hiện.

Các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ này có nguồn gốc từ địa phương, đặc biệt trên cơ sở khai thác lợi thế so sánh về điều kiện sinh thái, văn hóa và công nghệ địa phương, nhằm góp phần nâng cao thu nhập của người dân vùng nông thôn thời gian tới.

Theo nongnghiep.vn

Tin cùng chuyên mục