Nông thôn mới phải 'giải bài toán' chất lượng lao động

Vấn đề cốt lõi để phát triển kinh tế nông thôn chính là nguồn nhân lực. Vẫn còn tồn tại thực tế là lao động giỏi, người có trình độ cao ở nông thôn vẫn tìm cách “ly nông”, “ly hương”…

Khoa học, công nghệ giúp nông nghiệp thu hiệu quả kinh tế cao nhưng cũng đòi hỏi phải có lực lượng lao động chất lượng cao để có thể ứng dụng hiệu quả - Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Trong tổng kết đánh giá 10 năm thực hiện xây dựng nông thôn mới (NTM) của Bộ NN&PTNT, cơ cấu lao động nông thôn chuyển dịch rất chậm chạp, có xu hướng bị già hóa do lao động di chuyển (đặc biệt là lao động trẻ, lao động nữ) từ khu vực nông thôn ra đô thị. 

Năm 2018 vẫn còn đến 87,18% lao động nông thôn không được đào tạo. Chỉ có 2,53% lao động có trình độ sơ cấp, và 1,76% trình độ trung cấp (trình độ phù hợp nhất với lao động nông thôn). Đáng chú ý là lao động trình độ trung cấp giảm với tốc độ rất cao, 12,3%/năm, lao động có trình độ cao đẳng chỉ chiếm 4,36% và lao động trình độ độ đại học chỉ chiếm 4,03%.

Điều đó kéo theo thu nhập của lao động nông thôn ở mức thấp, và khoảng cách thu nhập giữa thành thị và nông thôn ngày càng lớn. Năm 2010, bình quân một lao động  thu nhập 2,132 triệu đồng/tháng, năm 2018 đạt 3,766 triệu đồng/tháng. Trong cùng thời kỳ, tốc độ tăng thu nhập của lao động thành thị gần gấp đôi lao động nông thôn, 8,81%/năm so với 4,74%. 

Đây chính là rào cản cho việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào nông thôn, cũng như tạo áp lực gia tăng dòng di cư nông thôn - thành thị trong thời gian tới.

“Nhiều khi chúng ta cứ hy vọng nâng cao dân trí ở nông thôn để phát triển kinh tế tại chỗ nhưng thực ra những người được học cao hơn luôn muốn ở lại thành phố để tìm kiếm các cơ hội tốt hơn. Chính vì vậy, khu vực nông thôn không những “chảy máu chất xám” mà còn bị giảm cơ hội tiếp cận thông tin, khoa học rất nhiều so với thành thị”, TS. Đặng Kim Sơn, Viện nghiên cứu thị trường và thể chế nông nghiệp, Học viện Nông nghiệp Việt Nam nhìn nhận.

Một lý do nữa cũng được tính đến đó là việc triển khai quy hoạch chi tiết tại nông thôn vẫn còn nhiều hạn chế nên chưa thu hút đầu tư tạo động lực phát triển kinh tế. Ông Bùi Quang Sơn, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Lâm Đồng đề xuất cần tập trung vào các quy hoạch như: xây dựng trung tâm dịch vụ hỗ trợ sản xuất; phát triển điểm dân cư tập trung, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại dịch vụ; hệ thống hạ tầng xã hội…

“Nông thôn đang phát triển, nhưng đô thị còn phát triển nhanh hơn. Cần phải xây dựng được mô hình phát triển bao trùm gắn kết các ngành, các vùng, các thành phần kinh tế lại với nhau", TS. Đặng Kim Sơn nêu giải pháp và đưa ra ví dụ, giữa những năm 1980, Trung Quốc phát triển phía Đông, bỏ rơi phía Tây. Kinh tế phát triển mạnh nhưng mất công bằng xã hội. Trong khi đó Australia, New Zealand, Canada và khu vực Đông Á (Nhật Bản, Hàn Quốc) “phát triển bao trùm” mọi địa phương. Cụ thể, Hàn Quốc phân đều các đô thị về các vùng trong cả nước, khiến trong quá trình phát triển thu nhập thành thị và nông thôn đều nhau.

Với quy hoạch đến năm 2020 tỉ lệ đô thị hóa nước ta là 45%; đến năm 2025 là 50%, tỷ lệ cư dân nông thôn được dự báo sẽ còn giảm mạnh. Làm thế nào để kích hoạt xu thế tích cực nông dân giỏi ở lại nông thôn, và hạn chế xu hướng tiêu cực bỏ ruộng đất, bỏ nông nghiệp do kém cạnh tranh là bài toán đặt ra đối với xây dựng NTM trong giai đoạn tiếp theo. 

Theo TS. Nguyễn Lan Hương, Viện trưởng Viện nghiên cứu, tư vấn giáo dục nghề nghiệp và an sinh xã hội, cần ủng hộ nông dân phát triển thị trường, liên kết sản xuất giữa các vùng các ngành nghề chứ không chỉ đơn thuần là mỗi làng một sản phẩm. "Sự phát triển của cảnh quan và môi trường nông thôn là cơ sở để giữ lại và thu hút những người có năng lực và tầng lớp trung lưu quay về sống ở nông thôn" bày tỏ quan điểm.

Bài, ảnh: Đỗ Hương/Báo Chính Phủ

Tin cùng chuyên mục