Nông thôn đã thực sự mới

Không chỉ là đầu tàu kinh tế năng động, trung tâm công nghiệp, dịch vụ trọng điểm của cả nước, quá trình xây dựng nông thôn mới (NTM) ở Đông Nam bộ đã thu được kết quả ấn tượng. Theo đó, khu vực nông thôn vùng Đông Nam bộ đã có diện mạo mới, cơ sở hạ tầng khang trang, đời sống văn hóa - xã hội phong phú, sản xuất nông nghiệp ngày càng phát triển, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của đất nước.
Tuyến đường nông thôn mới khang trang, sạch đẹp tại xã Bảo Quang, TP.Long Khánh

Vùng Đông Nam bộ có 18 đơn vị cấp huyện đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn NTM, trong đó Đồng Nai là tỉnh đầu tiên hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.

* Gần 70% số xã đạt chuẩn NTM

Với sự quyết tâm, nỗ lực của cả hệ thống chính trị từng địa phương, đến nay vùng Đông Nam bộ đã có 311/445 xã đạt chuẩn NTM (đạt 69,89%, tăng 35,8% so với cuối năm 2015).

Cùng với Đồng Nai, Bình Dương là tỉnh có 100% số xã đạt chuẩn NTM, đặc biệt đây là địa phương không có nợ đọng trong xây dựng NTM. Trong giai đoạn 2016-2018, Bình Dương đã huy động tổng nguồn vốn để xây dựng NTM khoảng 6,6 ngàn tỷ đồng. Tỉnh đã chú trọng bố trí vốn xây dựng NTM lồng ghép qua quá trình xây dựng cơ sở vật chất của các ngành. Với cách làm này, các cấp có thể chủ động trong quá trình chọn danh mục đầu tư gắn với nhu cầu bức thiết của địa phương, tránh nợ đọng và chủ động trong quá trình tổ chức triển khai thi công và giám sát thi công các công trình NTM.

Trong giai đoạn 2021-2025, vùng Đông Nam bộ đặt mục tiêu có ít nhất 4 địa phương được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Đối với cấp huyện, có ít nhất 70% đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, trong đó mỗi địa phương có ít nhất một đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Đối với cấp xã, có ít nhất 90% số xã đạt chuẩn NTM, trong đó có khoảng 40% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 10% số xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.

Là tỉnh nông nghiệp, vùng sâu, vùng xa, biên giới, xuất phát điểm thấp khi xây dựng NTM nhưng Bình Phước đã đầu tư có hiệu quả cho nông nghiệp công nghệ cao. Hiện trên địa bàn tỉnh đã có 100 hécta diện tích nhà lưới, nhà màng ứng dụng công nghệ thông minh vào sản xuất; 7 doanh nghiệp, hợp tác xã đăng ký sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, công nghệ cao với diện tích 590 hécta; trên 90 trại chăn nuôi có hệ thống làm lạnh, tự điều chỉnh nhiệt độ, sử dụng máng ăn bằng silo và nước uống tự động...

Theo Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, đến nay gần 100% số xã vùng Đông Nam bộ đã có đường giao thông đến huyện, đường trục xã, 98% đường trục thôn được bê tông, nhựa hóa… Đặc biệt, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn vùng Đông Nam bộ tăng đáng kể, đạt khoảng 51,26 triệu đồng vào năm 2018, cao hơn bình quân cả nước (35,88 triệu đồng).

Quá trình xây dựng NTM cũng đã góp phần giảm đáng kể tỷ lệ hộ nghèo của vùng. Theo đó, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều khu vực nông thôn năm 2018 của vùng Đông Nam bộ còn khoảng 0,3%. Trong đó, TP.Hồ Chí Minh và Đồng Nai áp dụng chuẩn nghèo riêng của địa phương với định mức và yêu cầu cao hơn nhiều so với tiêu chí chung của cả nước.

Bên cạnh đó, vùng Đông Nam bộ còn nổi bật với các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao - công nghệ sinh học trên quy mô lớn như tại TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Bình Phước. Toàn vùng đã hình thành 404 chuỗi cung ứng nông sản an toàn với 160 sản phẩm, 48 thương hiệu nông sản...

* Chú trọng phát huy tiềm năng, thế mạnh vùng

Tại hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2010-2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, chương trình xây dựng NTM đã khai thác được sức mạnh tổng thể của cả hệ thống chính trị kết hợp sức mạnh của từng người dân, tạo nên thành tích to lớn, toàn diện, lịch sử. Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn còn những điểm tồn tại, hạn chế. Đó là sự chỉ đạo chưa đồng bộ, có lúc có nơi cấp ủy, chính quyền chưa sát sao, chưa quyết liệt, làm cho bức tranh phát triển không đồng đều; thậm chí ngay ở những nơi có điều kiện hay trong cùng những điều kiện giống nhau nhưng kết quả lại rất khác nhau. Các chỉ tiêu phát triển sản xuất, chăm lo môi trường sống cho người dân, củng cố chính quyền ở cơ sở chưa có được kết quả đồng bộ với kết quả phát triển hạ tầng...

Do đó, Thủ tướng đề nghị cần tiếp tục coi nông nghiệp, nông dân, nông thôn là thế mạnh, còn rất nhiều dư địa, là lợi thế trong tiến trình phát triển và hội nhập. Trong 5 năm tới, nhóm đã hoàn thành 19 chỉ tiêu giai đoạn 2010-2020 cần phải có mục tiêu cao hơn cả về sản xuất, cả về đời sống, môi trường, đặc biệt là hoàn thiện hạ tầng.

Việc giữ vững và phát huy các giá trị của NTM là vấn đề mà các địa phương trong cả nước, trong đó có vùng Đông Nam bộ quan tâm. Đặc biệt là việc xây dựng các mô hình điểm về NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu theo hướng “phát triển sản xuất hàng hóa nông nghiệp bền vững”. Theo định hướng của vùng Đông Nam bộ, quá trình xây dựng NTM sẽ tiếp tục trên cơ sở phát triển nông nghiệp bền vững, an toàn gắn với sản xuất quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao - công nghệ sinh học hướng tới nông nghiệp hữu cơ, chăn nuôi an toàn sinh học để phát triển bền vững. Bên cạnh đó là phát triển cơ sở hạ tầng, kết nối đồng bộ các địa phương trong khu vực để khai thác bền vững các tiềm năng, lợi thế, đồng thời tiếp tục phát huy vai trò đầu tàu trong phát triển.

Các địa phương trong vùng cũng đang nỗ lực thực hiện mục tiêu trong giai đoạn 2021-2025 về đảm bảo tính kết nối, liên thông và ứng phó với biến đổi khí hậu đối với các công trình hạ tầng thiết yếu như: giao thông, điện, nước, trường học, trạm y tế... Đặc biệt hướng tới nâng chất lượng cuộc sống của cư dân nông thôn, thu nhập bình quân tăng ít nhất 1,8 lần so với năm 2020.

Bài, ảnh: Nhật Hạ/Báo Đồng Nai

Tin cùng chuyên mục