Kinh nghiệm trong phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị ở tỉnh Bắc Giang

Phát triển sản xuất quy mô lớn, hợp tác liên kết theo chuỗi giá trị với một quy trình khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ ngày càng được đẩy mạnh đã góp phần giảm bớt các khâu trung gian, hạ giá thành và gia tăng giá trị sản phẩm…là những kết quả tích cực trong phát triển sản xuất hàng hóa ở tỉnh Bắc Giang.

Sản phẩm gà đồi huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang (nguồn: Internet)

Theo Báo cáo của Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh Bắc Giang, đến nay, tỉnh đã hình thành được trên 60 chuỗi giá trị thuộc các nhóm sản phẩm: Lợn thịt, lợn giống, gà thịt, trứng gà, rau các loại, gạo chất lượng, lạc giống, nấm, gỗ nguyên liệu, cây ăn quả… Trong đó theo hợp đồng ký kết giữa các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, như: Công ty CP (Thái Lan), JAFA (Indonexia),… với 64 cơ sở, trang trại sản xuất ban đầu trong tỉnh để chăn nuôi gia công lợn thịt, gà thịt và trứng gà, với sản lượng tiêu thụ hàng năm khoảng trên 9.000 tấn lợn thịt, trên 2.900 tấn gà thịt và trên 08 triệu trứng gà... Ngoài ra trên địa bàn tỉnh cũng đã hình thành trên 500 mô hình được doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm, như: Mô hình ứng dụng công nghệ cao đối với rau và hoa; mô hình trong sản xuất cánh đồng mẫu lớn…

Đặc biệt, tỉnh đã phát triển được một số chuỗi giá trị điển hình như: Chuỗi liên kết tiêu thụ vải thiều đã thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia kết nối tiêu thụ sản phẩm với các vùng miền trong cả nước và xuất khẩu ra các nước: Trung Quốc, Mỹ, Úc,… doanh thu  hàng năm đạt khoảng 4.000-5.000 tỷ đồng; chuỗi liên kết lúa chất lượng, lúa xuất khẩu, bước đầu gạo đã xuất khẩu sang Nhật Bản; chuỗi thịt lợn hữu cơ khép kín, sản lượng trên 300 tấn/năm; chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ rau thực phẩm với sản lượng trên 21.000 tấn; chuỗi liên kết rau cần với sản lượng khoảng 18.000 tấn/năm, sản phẩm đã xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc.


Vùng sản xuất rau cần VietGAP, xã Hoàng Lương - Hiệp Hòa – Bắc Giang (nguồn: Internet)

Văn phòng điều phối nông thôn mới tỉnh khẳng định, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị giữa người dân với doanh nghiệp, hợp tác xã đã ổn định đầu ra sản phẩm để người nông dân yên tâm sản xuất, hỗ trợ lẫn nhau về nguồn lực và chia sẻ rủi ro trong quá trình sản xuất, tạo động lực thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, góp phần thực hiện thành công Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, quá trình thực hiện liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị ở Bắc Giang cũng gặp phải một số khó khăn:

 Việc chạy theo lợi ích trước mắt mang tính thời vụ vẫn còn tồn tại, chính là trở ngại của các mối liên kết, đôi khi dẫn tới phá vỡ hợp đồng, không tuân thủ cam kết.

 Trong một số chuỗi nông sản (trồng trọt, chăn nuôi,…), sự hài hòa, chia sẻ lợi ích cũng như rủi ro chưa được đảm bảo dẫn tới một số tác nhân bị thiệt thòi về lợi ích khi tham gia vào chuỗi.

 Đất đai nhỏ lẻ, manh mún và phân tán, dẫn đến chi phí sản xuất trên mỗi đơn vị diện tích cao, ảnh hưởng đến việc liên kết giữa nông dân với các chủ thể khác.

 Người nông dân khó khăn về nguồn vốn đầu tư mở rộng phát triển sản xuất, lại khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng; một số doanh nghiệp tham gia chuỗi hạn chế về năng lực hoặc chưa mặn mà đầu tư sản xuất, kinh doanh nông nghiệp.

 Số Hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn tỉnh nhiều, nhưng số hoạt động hiệu quả ít (khoảng 40%), do vậy chưa trở thành cầu nối giữa doanh nghiệp với nông dân.

Sản phẩm nông nghiệp còn ở dạng thô, chủ thể sản xuất chưa quan tâm đến thương hiệu, bao bì nhãn mác, truy xuất nguồn gốc nên khó tham gia được chuỗi liên kết giá trị.

Các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đứng ra liên kết hợp đồng sản xuất và bao tiêu sản phẩm còn ít, không thường xuyên, chủ yếu theo mùa vụ, trách nhiệm chưa cao.

Để phát huy những kết quả đã đạt được, đồng thời khắc phục những khó khăn trong thực hiện phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị. Tỉnh Bắc Giang đã tập trung giải quyết một số vấn đề chủ yếu:

Thứ nhất, làm tốt việc rà soát, điều chỉnh quy hoạch trong sản xuất nông nghiệp, ban hành được quy hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn; quy hoạch vùng ứng dụng công nghệ; quy hoạch vùng sản xuất theo thế mạnh của từng địa phương để thu hút đầu tư trong thời gian tiếp theo.

Thứ hai, quan tâm công tác dồn điền, đổi thửa gắn với xây dựng mô hình cánh đồng mẫu, cánh đồng thu nhập cao; nghiên cứu, ban hành chính sách tích tụ đất đai để tạo điều kiện thu hút doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp.

Thứ ba, thường xuyên rà soát xác nhận sản phẩm chủ lực, đặc trưng, tiềm năng của tỉnh để tập trung đầu tư, thu hút doanh nghiệp vào liên kết sản xuất theo chuỗi, thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”.

Thứ tư, quan tâm tạo điều kiện hỗ trợ các Hợp tác xã nông nghiệp hoạt động hiệu quả hơn, ban hành chính sách riêng về hỗ trợ Hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp thông qua các cơ chế như: Hỗ trợ lãi suất, tích tụ đất đai, đầu tư hạ tầng,... để Hợp tác xã thực sự là cầu nối giữa nông dân với doanh nghiệp trong liên kết.

Thứ năm, chú trọng đến việc nhận diện sản phẩm để tập trung chỉ đạo xây dựng thương hiệu, tem nhãn, bao bì sản phẩm, truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh.

Đến nay, tỉnh Bắc Giang đã có 683 sản phẩm được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ, trong đó có 01 chỉ dẫn địa lý, 04 nhãn hiệu chứng nhận... Đây là điều kiện huận lợi để tỉnh tiếp tục đẩy mạnh thực hiện phát triển sản xuất hàng hóa liên kết theo chuỗi giá trị nhằm nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường, góp phần thực hiện hiệu quả Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” trên địa bàn tỉnh.

Trần Gia Lam/VPĐP NTM tỉnh

Tin cùng chuyên mục