Khoa học công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới

Quá trình xây dựng nông nông thôn mới đòi hỏi phải đúc kết kinh nghiệm trong thời gian thực hiện, đồng thời phải nghiên cứu giải quyết những vấn đề phát sinh có tính đặc thù của từng địa phương. Chính vì vậy, Khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới của tỉnh Hà Giang đã được quan tâm và đạt được một số kết quả quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao năng suất lao động và chất lượng sản phẩm cho nhiều địa phương trong tỉnh.

Mô hình trồng dưa lưới công nghệ cao xã Đồng Yên, huyện Bắc Quang

Từ 2010 đến nay, việc nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ trong xây dựng nông thôn mới đã được triển khai thực hiện có hiệu quả trên địa bàn tỉnh, với 20 nhiệm vụ cấp trung ương; 62 nhiệm vụ cấp tỉnh và 40 dự án mở rộng cấp huyện, thành phố. Các nhiệm vụ khoa học và công nghệ đã tập trung giải quyết được những vấn đề cấp thiết, mang tính "đột phá" phù hợp với điều kiện,khả năng kinh tế của tỉnh Hà Giang.

Đối với lĩnh vực nông lâm nghiệp, đã ưu tiên các nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới, sử dụng các giống cây trồng, vật nuôi có ưu thế cho năng suất, chất lượng cao, khả năng phòng chống dịch bệnh tốt; xây dựng các mô hình chăn nuôi tập trung; sản xuất hàng hóa theo hướng liên kết, chuỗi giá trị, nông nghiệp sạch. Đẩy mạnh phát triển các giống cây con đặc trưng, có lợi thế của tỉnh. Khảo nghiệm một số giống ngô lai mới, sản xuất hạt giống đậu tương chất lượng cao, đồng thời xây dựng các mô hình ứng dụng các phương pháp giúp nâng cao năng suất, chất lượng cho các cây trồng. Cụ thể như, mô hình trồng chuối tây bằng phương pháp cấy mô thâm canh trên đất dốc tại huyện Quang Bình; áp dụng các giải pháp khoa học và công nghệ nâng cao năng suất, chất lượng quả hồng không hạt; nhân giống vô tính và sản xuất giống hoa hồng tại Đồng Văn... Nhằm giải quyết vấn đề chậm thời vụ sản xuất, tăng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đã thực hiện điều tra, đánh giá, thử nghiệm chuyển đổi cơ cấu cây trồng ngô, lúa  ở huyện Yên Minh, Bắc Mê. Từ đó đưa ra khuyến cáo về thời vụ, cơ cấu cây trồng, được các huyện đánh giá cao. Xây dựng mô hình nuôi cá lồng, vịt bầu trên lòng hồ thủy điện sông Chừng, huyện Quang Bình; mô hình trồng và nhân giống cây hoàng tinh hoa đỏ dưới tán rừng tại huyện Bắc Quang; mô hình nhân giống, thâm canh hồng không hạt Quản Bạ; nghiên cứu sản xuất giống 20 loài dược liệu trong danh mục ưu tiên của tỉnh. Xây dựng quy trình bón phân viên nén cho cây ngô và chuyển giao thành công kỹ thuật sản xuất phân viên nén tại 3 huyện Đồng Văn, Yên Minh, Quản Bạ đã giúp giảm chi phí đầu vào về phân bón, nước tưới, tăng hiệu quả kinh tế trên dịn tích đất canh tác.

Ngoài ra, ngành Khoa học và công nghệ cũng đã đầu tư tuyển chọn và phục tráng các giống cây trồng, vật nuôi đặc trưng của tỉnh như: Nghiên cứu tuyển chọn và phục tráng giống quýt chum vỏ vàng Hà Giang; Nghiên cứu ứng dụng một số biện pháp kỹ thuật nhằm bảo tồn và phát triển giống bò vùng cao Hà Giang; Ứng dụng công nghệ thụ tinh nhân tạo đàn trâu tại huyện Bắc Quang; nhân giống và bảo tồn gen gà lông xước, lợn đen Lũng Cú…

Trong nuôi trồng thủy sản, thông qua các đề tài, dự án đã tiếp nhận và làm chủ được các công nghệ sản xuất cá giống tiên tiến, tận dụng được lợi thế về khí hậu, nguồn nước, tạo ra sản phẩm có chất lượng kinh tế cao theo hướng hàng hóa, chủ động sản xuất nguồn giống trong nuôi trồng thủy sản, đáp ứng nhu cầu của thị trường, đào tạo được cán bộ kỹ thuật cho Trung tâm thủy sản, các hợp tác xã, nông dân trong vùng dự án. Đánh giá các nguồn nước đủ điều kiện để xây dựng mô hình phát triển nuôi cá Tầm, cá Hồi. Nghiên cứu và chuyển giao công nghệ sản xuất cá giống rô phi đơn tính; mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật nuôi cá Chép V1 thương phẩm và chuyển giao công nghệ sản xuất giống cá chày mắt đỏ tại huyện Vị Xuyên và thành phố Hà Giang; nghiên cứu ứng dụng sinh sản nhân tạo đối với giống cá chiên và cá lăng chấm; nghiên cứu bảo tồn và phát triển gen một số loại thủy sản trên địa bàn tỉnh Hà Giang.

Từ kết quả nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực nông nghiệp, đến nay đã có 06 sản phẩm đặc sản là Mật ong Bạc hà Mèo Vạc, Cam sành Hà Giang, Hồng không hạt Quản Bạ, Gạo tẻ Già Dui Xín Mần, Chè Shan tuyết Hà Giang, Thịt bò Hà Giang được Bộ Khoa học và Công nghệ cấp giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý.

Trong chế biến, nâng cao giá trị các sản phẩm thế mạnh của tỉnh, đã tiếp nhận các công nghệ sản xuất có quy mô phù hợp với điều kiện phát triển của tỉnh góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm như: Công nghệ giảm thủy phần mật ong Bạc Hà, công nghệ chiết xuất dược liệu, công nghệ sản xuất ván ghép thanh từ gỗ rừng trồng, công nghệ chế biến chè xuất khẩu, công nghệ chế biến các sản phẩm thảo quả... Tạo ra một số sản phẩm từ nguồn nguyên liệu của địa phương như: cao Atiso, cao Đương quy, cao Hà thủ ô, cao mạnh gân hoạt cốt, bổ khí ích não, cao tắm, trà gừng cao nguyên đá, mật ong Bạc Hà, trà giảo cổ lam, kem xoa bóp ấu tẩu, bột dinh dưỡng ấu tẩu…

Trong công tác xử lý môi trường, đã nghiên cứu thực trạng và ứng dụng giải pháp công nghệ xử lý nhiễm bẩn các hồ chứa nước sinh hoạt tại 4 huyện vùng cao núi đá phía Bắc. Ứng dụng công nghệ lò đốt BD-anpha để xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn huyện Quản Bạ. Nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ trong xây dựng chuồng trại và xử lý chất thải chăn nuôi trâu bò

Để đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới, thời gian tới, ngành Khoa học Công nghệ tỉnh Hà Giang sẽ tiếp tục nghiên cứu, chuyển giao các giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng và giá trị cao, phù hợp với điều kiện tự nhiên của tỉnh để phục vụ cho phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ bảo quản, chế biến sản phẩm sau thu hoạch. Triển khai có hiệu quả việc ứng dụng khoa học công nghệ phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới.

Bài, ảnh: Nguyễn Hằng/NTM Hà Giang

Tin cùng chuyên mục