Giảm nghèo bền vững từ OCOP

Nếu biết khai thác đúng tiềm năng, nhất là những sản phẩm đặc trưng thì nhiều địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn vẫn có những lợi thế nhất định trong giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới (NTM).

Nậm Đét từng là một trong những xã đặc biệt khó khăn của huyện Bắc Hà, (Lào Cai). Khi bước vào xây dựng NTM (2010), toàn xã mới chỉ đạt 4/19 tiêu chí; tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí đơn chiều xấp xỉ 62%.

Với nguồn lực của Nhà nước cùng với nỗ lực của cấp ủy đảng, chính quyền và đồng bào các dân tộc, cuối tháng 8/2019, xã Nậm Đét đã “về đích” NTM. Đời sống của Nhân dân trên địa bàn xã được nâng lên rõ rệt; tỷ lệ hộ nghèo của xã đã giảm xuống còn 11,7%. Trong gần 10 năm xây dựng NTM, Nhân dân xã Nậm Đét đã đóng góp tiền của, ngày công với giá trị trên 16,1 tỷ đồng.

Thành quả này xuất phát từ việc Nậm Đét chọn trúng cây trồng chủ lực. Vốn là địa phương có thế mạnh về lâm nghiệp, nhiều năm qua, với định hướng của chính quyền địa phương, Nhân dân xã Nậm Đét đã lấy cây quế làm “cây xóa nghèo, tăng giàu”.

Kết quả giảm nghèo ở Nậm Đét càng được bảo đảm hơn khi xã chọn sản phẩm quế hữu cơ để tham gia Chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm”. Để gia tăng giá trị của sản phẩm, Hợp tác xã (HTX) quế hữu cơ Nậm Đét đã được thành lập. Phát huy vai trò “bà đỡ”, HTX đã đầu tư cơ sở hạ tầng, ứng dụng công nghệ vào quá trình chế biến với 12 loại sản phẩm quế có chất lượng cao, như: Quế ống điếu, quế ống sáo, quế thuốc lá, quế lát vuông, quế tăm, tinh dầu quế...

Đây đều là các sản phẩm có sức cạnh tranh mạnh trên thị trường với giá bán cao, ổn định. Hầu hết các sản phẩm từ quế của HTX đều được xuất khẩu sang thị trường Ấn Độ, một số nước Trung Đông và các thị trường khó tính như châu Âu, Nhật Bản.

Bài, ảnh: Tùng Nguyên/Báo Dân Tộc

Tin cùng chuyên mục