Gắn du lịch với xây dựng nông thôn mới

Phát triển du lịch nông thôn là giải pháp thúc đẩy xây dựng nông thôn mới (NTM) bền vững. Ngược lại, NTM là nền tảng hỗ trợ phát triển đa dạng, chất lượng, ổn định điểm đến. Phát triển du lịch nông thôn hiệu quả sẽ góp phần thực hiện đồng thời hai mục tiêu, là đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và xây dựng NTM bền vững.

Du lịch có vai trò quan trọng trong xây dựng NTM. (Trong ảnh: Các thành viên trong HTX Đồng Quê, xã Phương Độ, TP. Hà Giang chụp ảnh lưu niệm cùng khách du lịch).

Tại Hội nghị “Tổng kết 10 năm thực hiện tiêu chí văn hóa trong xây dựng NTM 2010-2020” vừa diễn ra cuối tháng 9, ông Ngô Hoài Chung, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) khẳng định, phát triển du lịch và xây dựng NTM có mối quan hệ mật thiết, hỗ trợ, bổ sung cho nhau. Phát triển du lịch nông thôn hay Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM thì đều hướng tới cải thiện, nâng cao đời sống của người nông dân, thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn và thành thị.

“Du lịch tạo nguồn thu cho hộ nông dân bên cạnh hoạt động sản xuất nông nghiệp thuần túy. Thông qua cung cấp dịch vụ “cùng ăn, cùng ở, cùng sinh hoạt và cùng lao động sản xuất” cho du khách, người dân địa phương đã có thu nhập và được hưởng lợi trực tiếp từ du lịch. Những năm gần đây, nhiều bản vùng cao phía Bắc (Hòa Bình, Hà Giang, Yên Bái…) đã có doanh thu hàng tỷ đồng/năm nhờ cung cấp dịch vụ homestay và các dịch vụ khác. Thu nhập của nhiều hộ gia đình tại các bản làng làm du lịch đã đạt con số 50-60 triệu đồng/năm”, ông Chung cho hay.

Một trong những tỉnh đầu tiên áp dụng phát triển nông nghiệp gắn với du lịch cộng đồng là Lào Cai. Bà Trần Thị Tố Uyên, Phó Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Lào Cai cho biết, để xóa đói, giảm nghèo cho cộng đồng các DTTS, Lào Cai đã thực hiện thí điểm mô hình du lịch cộng đồng tại hai xã Bản Hồ và San Sả Hồ, huyện Sa Pa, sau đó nhân rộng ra các xã Tả Van, Tả Phìn, Thanh Kim và các huyện Mường Khương, Si Ma Cai, Bắc Hà, Bát Xát.

Thông qua các mô hình, du lịch cộng đồng của Lào Cai đã từng bước khẳng định được thương hiệu, tham gia tích cực vào việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế, mở rộng đầu ra của sản phẩm, đem lại những nguồn lợi quan trọng cho bà con DTTS cũng như làm thay đổi bộ mặt làng bản, phát triển kinh tế-xã hội địa phương, đồng thời góp phần tạo thêm nguồn lực cho việc xây dựng NTM ngay tại địa phương.

“Quá trình phát triển du lịch, nông thôn sẽ có thêm nguồn lực tiếp tục thúc đẩy phong trào xây dựng NTM nhanh, bền vững hơn, góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa gốc của nông thôn. Du lịch là nhân tố quan trọng thúc đẩy phục hồi một số giá trị văn hóa, truyền thống và lịch sử của các dân tộc, hỗ trợ bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, vệ sinh môi trường, trật tự an toàn xã hội”, bà Tố Uyên khẳng định.

Cũng như Lào Cai, tại tỉnh Hà Giang, du lịch làng quê còn giúp các địa phương lưu giữ phong tục tập quán, trò chơi, trò diễn dân gian, nghề truyền thống... Do đó, Hà Giang đã tập trung quy hoạch, xây dựng các bản văn hóa du lịch cộng đồng. Tại đây, du khách được tham gia, tìm hiểu, học hỏi, trải nghiệm nhiều hoạt động sinh hoạt văn hóa truyền thống của người Mông, Tày, Cờ Lao, Pà Thẻn, Giáy, Phù Lá… từ ca, múa, nhạc, đến các lễ hội. Du khách được trải nghiệm cuộc sống hằng ngày của cộng đồng, được thụ hưởng, cảm nhận những giá trị văn hóa bản địa đặc sắc. Mô hình này giúp đề cao, khuyến khích sự tham gia của cộng đồng dân cư vào hoạt động du lịch, nhằm giúp du khách có thêm hiểu biết và tình yêu đối với văn hóa, môi trường, phong tục, nếp sống của người dân; đồng thời bảo tồn, phát huy, quảng bá những nét đẹp văn hóa bản địa.

Bài, ảnh: Hồng Minh/Báo Dân Tộc

Tin cùng chuyên mục