Chương trình OCOP: Giải pháp phát triển nông thôn mới hiệu quả

Với trọng tâm là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân và kinh tế tập thể thực hiện... Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP) được coi là động lực mới cho phát triển kinh tế nông thôn ở Việt Nam.

Mới phê duyệt đề án cách đây 1 năm, song Quảng Nam là địa phương có nhiều lợi thế để triển khai thực hiện OCOP. Ông Mai Đình Lợi - Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam - cho biết: Năm 2018, triển khai thí điểm phát triển sản phẩm OCOP cho 35 sản phẩm, thuộc 7 nhóm ngành hàng của 33 chủ thể trên địa bàn 18 huyện, thị xã, thành phố; với kinh phí triển khai gần 20 tỷ đồng. Năm 2019, tỉnh Quảng Nam tiếp tục phát triển các sản phẩm đã tham gia thí điểm năm 2018; hỗ trợ phát triển, nâng cấp khoảng 90 sản phẩm mới, sản phẩm đã có, phấn đấu ít nhất 80% sản phẩm đạt 3 sao trở lên…


Nhiều nông sản của Sơn La có chất lượng tốt từ Chương trình OCOP

Tại tỉnh Bến Tre, Chương trình OCOP cũng đã chọn được 120 sản phẩm tiêu biểu, mang đặc trưng của làng, xã. Để các sản phẩm này vươn xa, Bến Tre đang tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp, trong đó nhấn mạnh đến công tác xúc tiến, quảng bá sản phẩm. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre – Ông Nguyễn Hữu Lập - cho biết, tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ hỗ trợ phát triển khoảng 80 sản phẩm đạt từ 3 sao trở lên, trong đó có sản phẩm đạt 5 sao. Đến năm 2030, toàn tỉnh có khoảng 250 sản phẩm, dịch vụ OCOP đạt tiêu chuẩn từ 3 sao trở lên, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Năm 2030 hình thành mới khoảng 50 tổ chức kinh tế dựa vào cộng đồng, có liên kết chuỗi giá trị bền vững.

Còn ở Sơn La, địa phương vốn được đánh giá có điều kiện khách quan thuận lợi để triển khai thực hiện OCOP, bởi tỉnh này có nhiều sản phẩm đặc trưng, vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh. Qua rà soát, Sơn La có khoảng 200 loại sản phẩm có thể phát triển thành các sản phẩm OCOP trong tương lai gần.

Nhờ Chương trình OCOP, số hợp tác xã ở tỉnh Quảng Nam, Bến Tre, Sơn La… hay nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước đã tăng nhanh; phong trào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn được đẩy mạnh. Nhiều sản phẩm đẹp, có chất lượng tốt từ Chương trình OCOP không chỉ được tiêu thụ ở địa phương mà còn phân phối ở các chuỗi siêu thị nước ngoài; đóng góp quan trọng vào việc nâng kim ngạch xuất khẩu nông sản Việt Nam lên 45 tỷ đồng trong năm 2019.

Tuy nhiên, theo chia sẻ của nhiều địa phương, trong tiến trình thực hiện Chương trình OCOP, vẫn còn không ít hạn chế. Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam Lê Muộn cho biết: Hạn chế hiện nay của tỉnh trong thực hiện chính là nhiều sản phẩm chưa quy hoạch xây dựng vùng nguyên liệu, chưa có nhãn mác, hoặc có nhưng nội dung ghi nhãn thiếu thông tin theo quy định; chưa có mã số, mã vạch, đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ… Trong khi đó, các chủ thể sản xuất chủ yếu quy mô hộ gia đình, nhỏ lẻ, tính liên kết thấp...

Để OCOP đạt được thành công trong thực tế, cần có cơ chế, chính sách khuyến khích, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư mở rộng, phát triển sản xuất, dịch vụ cho sản phẩm... có sự tham gia đóng góp ý kiến của nông dân - những người trực tiếp làm ra sản phẩm, nhằm phát huy được tính sáng tạo của cộng đồng dân cư trong nền kinh tế thị trường.

Từ Chương trình OCOP, các tiêu chí về nông thôn mới, đặc biệt là tiêu chí về sinh kế được cải thiện. Nhờ đó, mục tiêu có ít nhất 50% số xã được công nhận xã nông thôn mới được hoàn thành trong năm 2019, thay vì tới năm 2020 như kế hoạch.

Bài, ảnh: Nguyễn Hạnh/Báo Công Thương điện tử

Tin cùng chuyên mục