Cần xác định tính đặc thù trong xây dựng chợ miền núi

Theo mục tiêu của Chương trình Phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo giai đoạn 2015-2020 sẽ có 60-80% các xã miền núi có chợ đạt chuẩn theo tiêu chí nông thôn mới. Tuy nhiên, đến nay Chương trình này đang gặp rất nhiều khó khăn.

Đích đến còn xa

Tỉnh Nghệ An là một trong những địa phương quan tâm đầu tư xây dựng chợ ở miền núi, tuy nhiên theo kế hoạch vẫn rất chậm. Giai đoạn 2011-2015, mới có 105 chợ được xây dựng mới, nâng cấp và cải tạo, đạt gần 28% so với quy hoạch; giai đoạn 2016-2018, Nghệ An cũng mới chỉ xây dựng, nâng cấp được 38 chợ nông thôn, miền núi.

Tính đến nay, Nghệ An có 323/431 xã đạt tiêu chí số 7 về xây dựng chợ NTM, trong đó có 78 chợ được công nhận đạt chuẩn theo quy định của Bộ Công Thương. Đáng lưu ý, các chợ đạt chuẩn chủ yếu là của các xã vùng ngoại thành, thị xã, khu đô thị và các xã vùng đồng bằng; còn các xã miền núi hầu như chưa đạt chuẩn do chưa đáp ứng đủ các tiêu chí. Theo đại diện Sở Công Thương Nghệ An, mục tiêu đến năm 2020, tỉnh phấn đấu có 370 xã đạt tiêu chí xây dựng chợ trong NTM là khá nặng nề.

Chợ có vai trò rất quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội ở miền núi.

Tại tỉnh Bắc Kạn, theo thống kê của Sở Công Thương tính đến nay, tỉnh có 66 chợ, trong đó có 56 chợ nông thôn, miền núi. Số chợ được đầu tư xây dựng kiên cố là 10 chợ, còn lại, 52 chợ bán kiên cố và 4 chợ tạm. Chợ chủ yếu họp theo phiên.

Tuy nhiên, chất lượng hoạt động của các chợ ở miền núi còn rất hạn chế. Ông Đinh Lâm Sáng, Phó Giám đốc Sở Công Thương Bắc Kạn cho biết, ban quản lý, tổ quản lý chợ các địa phương chủ yếu do cán bộ chính quyền địa phương kiêm nhiệm, đa phần chưa được đào tạo bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ quản lý chợ, trình độ năng lực chỉ dừng lại ở kinh nghiệm và sự chỉ đạo từ cấp có thẩm quyền tại địa phương.

Việc quản lý và điều hành hoạt động chợ còn nhiều bất cập như: Mặc dù là đơn vị sự nghiệp có thu, tự trang trải các chi phí, có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng, nhưng vai trò, trách nhiệm của Ban quản lý chợ chưa được phát huy; thu lệ phí chợ không đủ chi cho công tác quản lý, duy tu bảo dưỡng chợ…

Cần xem xét về tính chất, cơ chế

Thực tế cho thấy, cuộc sống ở miền núi hiện còn nhiều khó khăn, chợ góp phần phát triển sản xuất tiêu thụ sản phẩm, cải thiện đời sống của đồng bào. Đặc biệt, việc phát triển các chợ đầu mối nông sản tổng hợp hoặc chuyên doanh của tỉnh, của vùng, liên vùng có vai trò quan trọng trong việc tiêu thụ nông sản, làm tăng trưởng kinh tế trong phát triển sản xuất.

Để tăng cường chất lượng hoạt động của các chợ miền núi, Giáo sư Hoàng Đức Thân, nguyên Viện trưởng Viện Thương mại và Kinh tế quốc tế, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, chúng ta cần có các chính sách đặc thù, cụ thể cho việc phát triển hạ tầng thương mại tại các khu vực này. Đặc thù là phải có một chính sách khác với chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng tại các khu vực đồng bằng, các đô thị lớn. Các chính sách phải theo trình độ phát triển kinh tế-xã hội ở từng địa phương, theo từng loại hình kinh doanh thương mại. Chính sách cần đảm bảo tầm nhìn chiến lược, nhất quán, minh bạch trong chính sách phát triển chung của miền núi, vùng sâu, vùng xa.

Giáo sư Hoàng Đức Thân cũng cho biết thêm, phát triển thương mại miền núi nói chung và phát triển hạ tầng, hệ thống chợ khu vực miền núi nói riêng dứt khoát phải dựa vào tư nhân và lấy tư nhân làm động lực chủ yếu; đồng thời phải đa dạng hóa các hình thức thu hút đầu tư tư nhân; các tỉnh miền núi cũng cần phải cải cách để nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.

Ngoài ra, chúng ta cần hạn chế sự phát triển quá tập trung tại các đô thị để tránh các nguồn lực đổ dồn về đây. Việc phân bổ đầu tư phải theo nguyên tắc phân tán các trung tâm, chứ không theo mô hình tập trung để có thể phát triển đồng bộ, đồng đều hạ tầng thương mại ở miền núi và từng bước hạn chế sự chênh lệch đó.

Bài, ảnh: Thiên Đức/Báo Dân tộc

Tin cùng chuyên mục