Phát triển kinh tế hộ trong xây dựng nông thôn mới ở Cấp Tiến

Phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân luôn được xác định là nhiệm vụ và giải pháp quan trọng trong Chương trình xây dựng nông thôn mới tại xã Cấp Tiến, huyện Sơn Dương. Để thực hiện mục tiêu nâng cao thu nhập của người dân, cấp ủy chính quyền xã đã thực hiện công tác tuyên truyền, xây dựng các mô hình phát triển kinh tế hộ gắn với xây dựng nông thôn mới để giúp nhân dân xóa đói, giảm nghèo bền vững.

Phát triển kinh tế hộ gắn với xây dựng nông thôn mới là chủ trương, hướng đi đúng đắn, phù hợp nhằm nâng cao năng lực sản xuất cũng như đời sống của người dân nông thôn. Nhận thức được điều này, thời gian qua với sự định hướng của cấp ủy chính quyền địa phương, nhiều hộ gia đình trên địa bàn xã Cấp Tiến đã chủ động, đẩy mạnh và gắn việc phát triển kinh tế hộ gia đình với xây dựng nông thôn mới. Qua đó đã góp phần tăng thu nhập cho người dân nơi đây. Thu nhập bình quân đầu người của xã tăng đáng kể từ 7,76 triệu đồng/người/năm 2011 lên 33,39 triệu đồng/người/năm 2018; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 4,11% (hộ nghèo đa chiều) năm 2019.

Khi đến thăm hộ gia đình ông Đào Duy Tiến, thôn Phú Lương chúng tôi đã bất ngờ trước sự vươn lên làm giàu của người cán bộ hưu trí. Với diện tích đất canh tác sản xuất trên 05 ha, hưởng ứng các phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới, trong những năm qua bản thân và gia đình ông đã quyết tâm phát triển sản xuất, phát huy hết tiềm năng quỹ đất đai sẵn có của gia đình, lựa chọn mô hình trồng, sản xuất chế biến tinh bột nghệ phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng đất đai.

Ông Tiến cho biết: Qua tìm hiểu và đi khảo sát và tiến hành sản xuất chế biến tinh bột nghệ từ nguồn giống nghệ nguyên liệu ở nhiều nơi từ Lâm Đồng, Nghệ An, Cao Bằng và một số tỉnh phía Bắc về sản xuất. Qua sản xuất thử nghiệm, gia đình ông  đã đem 35 mẫu tinh bột nghệ thành phẩm về Viện Dinh dưỡng Bộ Y tế để phân tích kiểm nghiệm, qua kiểm nghiệm phân tích tinh bột nghệ được sản xuất từ giống nghệ rừng ở Bảo Lâm - Cao Bằng cho sản phẩm có chất lượng hơn cả. Đây là giống nghệ không cần nhiều ánh sáng rất phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng đất đai. Ông đã cùng gia đình tiến hành cải tạo vườn tạp trước kia trồng các loại cây không hiệu quả để trồng cây nghệ nguyên liệu chế biên tinh bột nghệ, học hỏi tìm hiểu và áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng sản xuất chế biến tinh bột nghệ đảm bảo chất lượng cao nhất. Để giữ hàm lượng Cucumin (thành phần chính quan trọng quyết định chất lượng hiệu quả sử dụng của sản phẩm tinh bột nghệ).


Quy trình sấy nghệ bằng tủ sấy dùng bóng đèn điện sợi đốt có nhiệt lượng cao, ánh sáng ít của gia đình ông Đào Duy Tiến

Năm 2014, gia đình ông đã mạnh dạn vay vốn đầu tư máy móc thiết bị, kho chứa sản phẩm, phòng kín sản xuất đảm vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định. Cùng với đó, gia đình ông đã vận dụng linh hoạt chính sách hỗ trợ của Nhà nước thông qua Nghị quyết số 10/2014/NQ-HĐND ngày 22/7/2014 của Hội đồng nhân dân tỉnh để xây dựng nhãn mác thương hiệu sản phẩm và được Cục Sở hữu trí tuệ xác nhận. Qua kiểm nghiệm đánh giá chất lượng của Viện dinh dưỡng vệ sinh an toàn thực phẩm hàm lượng Cucumin đạt 39,2 mg, sản phẩm tinh bột nghệ ngày càng được nâng cao chất lượng, được thị trường tin dùng và đạt được nhiều danh hiệu như: Sản phẩm tiêu biểu tỉnh Tuyên Quang; Thương hiệu uy tín sản phẩm tiêu biểu vì người tiêu dùng; vinh dự đứng trong top 100 sản phẩm bán chạy của Việt Nam do Hiệp Hội chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam bình chọn. Năm 2018, sảm phẩm tinh bột nghệ Tiến Phát của gia đình ông đạt Huy Chương vàng vì sức khỏe cộng đồng và được vinh dự là 01 trong 35 sản phẩm của Việt Nam được vinh danh là sản phẩm đẳng cấp Asean. Hiện sản phẩm tinh bột nghệ có mặt ở thị trưởng 63 tỉnh, thành phố và một số nước trên thế giới (Nhật Bản). Sản phẩm ngày càng được đổi mới phong phú về hình thức mẫu mã đa dạng đáp ứng nhu cầu thị trường và thị hiếu người tiêu dùng.

Ông Tiến cho biết thêm: Trong quá trình sản xuất, kinh doanh bản thân ông và gia đình luôn học hỏi, tìm tòi để đúc rút kinh nghiệm nhằm hoàn thiện nâng cao chất lượng cũng như giá trị kinh tế của sản phẩm. Mặt khác, ông cũng tập trung đẩy mạnh việc xúc tiến thương mại quảng bá sản phẩm, tìm kiếm mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Với diện tích trồng nghệ hiện tại, bình quân mỗi gia đình ông sản xuất khoảng 2,5 tấn nghệ, giá bán bình quân 500.000 đồng/kg, doanh thu đạt khoảng 1,2 tỷ đồng. Sau khi trừ mọi chi phí, lợi nhuận gia đình ông thu được khoảng trên 600 triệu đồng/năm.


Tinh bột nghệ Tiến Phát của gia đình ông Đào Duy Tiến tham gia trưng bày giới thiệu sản phẩm tại Hội chợ Thương mại năm 2019

Với mục tiêu giữ vững và không ngừng nâng cao chất lượng, thương hiệu, hiệu qủa kinh tế từ các sản phẩm nông sản của địa phương để tham gia Chương trình OCOP của huyện, tỉnh, trung ương và mở rộng liên doanh, liên kết với các hộ trên địa bàn xã. Trong thời gian tới, cấp ủy chính quyền xã Cấp Tiến xác định sẽ tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân, hộ gia đình tích cực, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện đất đai, thổ nhưỡng, khí hậu của xã để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm.

Những nỗ lực phát triển kinh tế của từng hộ gia đình và phong trào xây dựng nông thôn mới đã góp phần không nhỏ làm thay đổi diện mạo vùng quê Cấp Tiến. Thời gian này, đảng bộ, chính quyền xã Cấp Tiến đang tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các tổ chức chính trị - xã hội của xã và nhân dân hoàn thiện hồ sơ để đề nghị công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2019./.

Nguyễn Thị Thu Hương/VPĐP NTM tỉnh

Tin cùng chuyên mục