Phát triển giao thông nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới

Xây dựng đường giao thông nông thôn với phương châm “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ” đã và đang mang lại những kết quả tích cực, tỷ lệ các tuyến đường giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang được nhựa hóa, bê tông hóa ngày càng tăng, góp phần không nhỏ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Từng bước hoàn thiện hệ thống giao thông nông thôn gắn với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, cần được ưu tiên nguồn lực để đầu tư xây dựng. Từ năm 2011, tỉnh Tuyên Quang đã ban hành chính sách hỗ trợ và phê duyệt Đề án bê tông hóa đường giao thông nông thôn giai đoạn 2011-2015; giai đoạn 2016-2020, tiếp tục phê duyệt Đề án bê tông hóa đường giao thông nội đồng với cơ chế, chính sách hỗ trợ cụ thể. Sau 07 năm thực hiện (giai đoạn 2011- 2017), với tổng chiều dài 5.317km, trong đó có 1.677km đường trục xã, liên xã; 2.001km đường trục thôn, xóm; 1.639km đường nội đồng. Toàn tỉnh đã thực hiện đầu tư và nâng cấp được trên 3.000km đường giao thông nông thôn đưa tổng số thôn, bản có đường ô tô đến trung tâm lên 2.092thôn bản, đạt 100% và đã có 46/129 xã (chiếm 35,70%)  đạt chuẩn tiêu chí số 2 về giao thông.


Điều kiện đường giao thông nông thôn khó khăn là một trong những trở ngại trong việc đi lại, giao lưu văn hóa của các bản, làng vùng cao. (ảnh: sưu tầm)

Cùng với đó, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Đề án xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2020 và Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 để tập trung chỉ đạo kết hợp lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình, dự án  hỗ trợ phát triển hạ tầng giao thông nông thôn, trong đó tiếp tục xác định nhiệm vụ phát triển mạng lưới đường giao thông nông thôn, đảm bảo thuận lợi cho lưu thông, thúc đẩy giao thương hàng hóa, phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân.


Nhân dân huyện Lâm Bình tham gia làm đường giao thông nông thôn (nguồn internet)

Đến nay, các xã đều có đường ô tô đến trung tâm xã và từ trung tâm xã đến các thôn được rải nhựa hoặc đổ bê tông đảm bảo chất lượng tốt, đường trục chính nội đồng và đường ngõ xóm cơ bản được cứng hóa không bị lầy lội trong mùa mưa. Hệ thống đường giao thông nông thôn được xây dựng đã trở thành động lực quan trọng cho phát triển kinh tế, xã hội, làm thay đổi căn bản bộ mặt nông thôn; điều kiện phục vụ sản xuất thuận lợi hơn, sản phẩm của nông dân được thông thương tiêu thụ tốt hơn, năng suất, chất lượng và giá cả đều nâng lên rõ rệt.


Dân quân xã tham gia giúp đỡ người dân làm đường giao thông nông thôn.(nguồn: Internet)

Tiếp tục xây dựng hệ thống giao thông nông thôn từng bước đồng bộ, hiện đại, đảm bảo kết nối đến tận các thôn, bản, đạt mục tiêu 100% thôn bản có đường ô tô đến trung tâm và đi lại được quanh năm. Đòi hỏi cấp ủy, chính quyền các cấp cần tập trung chỉ đạo quyết liệt, tăng cường công tác tuyên truyền thường xuyên, sâu rộng, thiết thực với nhiều hình thức khác nhau đến các tầng lớp nhân dân; phổ biến cho người dân hiểu rõ về chủ trương, cơ chế chính sách, quyền lợi và nghĩa vụ của mỗi cá nhân, cộng đồng thôn bản trong quá trình xây dựng đường giao thông nông thôn trên địa bàn. Tập trung chỉ đạo các xã cần chú trọng công tác duy tu bảo dưỡng các tuyến đường giao thông nông thôn  nhằm phát huy hiệu quả và nâng cao thời gian sử dụng cho các tuyến đường.









Nhân dân huyện Chiêm hóa tích cực xây dựng đường trục thôn.Nguồn: Internet

Đặc biệt, cần huy động tối đa nguồn vốn Trung ương, vốn tài trợ, ngân sách địa phương, vốn dân đóng góp và xã hội hóa đầu tư xây dựng, nâng cấp cải tạo các công trình đường giao thông nông thôn đã xuống cấp. Tuy nhiên, phải lồng ghép sử dụng có hiệu quả sự hỗ trợ của ngân sách nhà nước và các nguồn lực đa dạng; việc huy động, đóng góp của người dân phải được thực hiện trên cơ sở thực sự tự nguyện, bàn bạc dân chủ không gượng ép quá sức dân.

Hàng năm, cấp huyện cần chủ động mở các lớp tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý chủ chốt cấp xã, công chức cấp xã tham gia học tập, tập huấn về công tác quản lý, công tác tài chính, quản lý hồ sơ sổ sách; tăng cường cán bộ kỹ thuật trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật cho người dân, các tổ đội trực tiếp thi công đường giao thông nông thôn những nội dung về kiểm tra chất lượng vật liệu, tỷ lệ thành phần cấp phối, ghép ván khuôn, bảo dưỡng bê tông để đảm bảo kỹ thuật… Thực hiện được như vậy, chắc chắn sẽ góp phần thực hiện thành công tiến trình xây dựng nông thôn mới ở địa phương.

Giang Tuấn/VPĐP NTM tỉnh

Tin cùng chuyên mục