Phát huy vai trò tín dụng trong xây dựng nông thôn mới

Sau 10 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), Tuyên Quang đã có 30 xã đạt chuẩn NTM, dự kiến năm 2019 có thêm 6 xã đạt chuẩn. Đóng góp vào kết quả này, ngành Ngân hàng tỉnh đã triển khai nhiều chính sách ưu tiên nguồn vốn tín dụng cho phát triển nông nghiệp, nông thôn, góp phần cùng các địa phương hoàn thành các tiêu chí NTM.

Tính đến hết tháng 9-2019, dư nợ cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn và xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh đạt gần 9.000 tỷ đồng, chiếm gần 53% tổng dư nợ trên địa bàn tỉnh. Dư nợ cho vay tại 30 xã đã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM và 6 xã đăng ký đạt chuẩn NTM năm 2019 là gần 3.000 tỷ đồng. Từ nguồn vốn tín dụng này, hàng nghìn hộ gia đình có điều kiện mua sắm máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất, xây dựng cơ sở hạ tầng và phục vụ nhu cầu tiêu dùng, nâng cao đời sống.

ĐVTN ngành Ngân hàng tỉnh tặng công trình thắp sáng đường quê trị giá gần 50 triệu đồng cho bà con nhân dân thôn Làng Nhà, xã Kim Quan (Yên Sơn).

Các ngân hàng đã hỗ trợ tích cực cho các xã hoàn thành các tiêu chí NTM. Xã Kim Quan (Yên Sơn) thực hiện mục tiêu đạt chuẩn NTM năm 2019 nhưng còn nhiều khó khăn về cơ sở hạ tầng nông thôn, thu nhập, hộ nghèo… Để giúp xã đạt chuẩn NTM, ngành Ngân hàng tỉnh đã tập trung đầu tư tín dụng, cho vay phát triển sản xuất, kinh doanh… Hiện có 4 ngân hàng tham gia đầu tư vốn vào xã Kim Quan với tổng dư nợ gần 50 tỷ đồng và 950 khách hàng còn dư nợ. Tỷ lệ dư nợ tín dụng tại xã tăng gấp 2 lần so với tỷ lệ tăng trưởng tín dụng của toàn ngành. Đồng thời, tháng 9 - 2019, ngành ngân hàng thực hiện các chương trình an sinh xã hội trên địa bàn với tổng số tiền gần 300 triệu đồng.

Nhiều gia đình đã vượt qua khó khăn vươn lên làm giàu từ nguồn vốn hỗ trợ cho vay của ngân hàng. Gia đình bà Hà Thị Phú, thôn Minh Lệnh, xã Phúc Ứng (Sơn Dương) được Ngân hàng Agribank Sơn Dương tạo điều kiện cho vay 50 triệu đồng từ năm 2014 để chăn nuôi bò sinh sản. Ban đầu bà mua 2 con bò, sau 1 năm bò sinh sản, bà bán đi có thêm nguồn thu nhập. Chăn nuôi bò có lãi, đến năm 2017, ngoài 3 con bò đang nuôi, bà dùng số tiền tích lũy được và vay thêm 50 triệu đồng của Agribank mua thêm 2 con nữa. Mỗi năm bà thu từ 40-60 triệu đồng từ bán bò và trả được nợ ngân hàng. Để cung cấp đủ thức ăn cho bò, bà chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng ngô làm thức ăn cho đàn bò.


Chị Nguyễn Thị Liên, thôn Nà Khà, xã Lăng Can (Lâm Bình) chăm sóc đàn lợn đen của gia đình.

Đối với chị Nguyễn Thị Liên, thôn Nà Khà, xã Lăng Can (Lâm Bình), nguồn vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội thật sự là “phao cứu sinh” cho gia đình chị. Chị Liên kể, trước đây gia đình chị là hộ nghèo, thông qua tín chấp của Hội Phụ nữ xã, chị được Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay 50 triệu đồng để làm ăn. Bằng số vốn đó, gia đình chị đã đầu tư nuôi lợn đen, cải tạo vườn đồi để trồng cam và nuôi trâu. Đến nay, gia đình chị có hơn 50 con lợn đen, 1 ha cam và 1 con trâu đực giống. Sau khi trừ chi phí, mỗi năm gia đình chị thu lãi trên 70 triệu đồng, đã trả được nợ và thoát được nghèo.

Còn Gia đình bà Hoàng Thị Hiền, thôn 6, xã Thái Bình (Yên Sơn) được Ngân hàng Chính sách xã hội huyện giải ngân cho vay mức tối đa 12 triệu đồng từ tháng 7- 2018 để xây dựng công trình nước sạch. Từ nguồn vốn được vay và cùng với nguồn vốn của gia đình, bà Hiền cải tạo hệ thống nước sinh hoạt, xây dựng công trình nước sạch với đầy đủ bể lọc nước, chứa nước, công trình vệ sinh khép kín… nâng cao chất lượng cuộc sống.


Từ nguồn vốn của Ngân hàng CSXH huyện, gia đình bà Hoàng Thị Hiền, thôn 6, xã Thái Bình (Yên Sơn) đầu tư xây dựng nhà vệ sinh, làm giếng lấy nước sạch phục vụ sinh hoạt của gia đình.

Ông Trịnh Ngọc Tuấn, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Tuyên Quang cho biết, thời gian tới, ngân hàng chỉ đạo các ngân hàng trên địa bàn tỉnh chú trọng đầu tư tín dụng đối với lĩnh vực tam nông; thực hiện chính sách hỗ trợ vốn thông qua Nghị quyết số 10 và 12 của HĐND tỉnh về cơ chế chính sách hỗ trợ cho vay theo mô hình kinh tế trang trại, cho vay các cây trồng, vật nuôi chủ lực của địa phương. Đồng thời, chỉ đạo các tổ chức tín dụng từng bước cải cách, tiết giảm thủ tục vay vốn cho phù hợp đặc thù sản xuất nông nghiệp và trình độ của người dân khu vực nông thôn, đa dạng hóa sản phẩm tín dụng, dịch vụ ngân hàng nhằm tăng khả năng tiếp cận vốn vay của khách hàng… góp phần thúc đẩy xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh.

Bài, ảnh: Hải Hương/Báo Tuyên Quang

Tin cùng chuyên mục