Nuôi thỏ xuất khẩu, hướng đi mới trong phát triển kinh tế hộ gia đình

Nuôi thỏ đang là sự lựa chọn để phát triển kinh tế của nhiều người dân ở khu vực nông thôn hiện nay. So với chăn nuôi gia súc, gia cầm thì vốn đầu tư nuôi thỏ ít mà hiệu quả kinh tế cao hơn. Đặc biệt nuôi thỏ xuất khẩu còn mang lại hiệu quả cao và bền vững cho những hộ dân.

Mô hình nuôi thỏ xuất khẩu của gia đình ông Phạm Văn Tĩnh, ở thôn 5, xã Thái Bình

Khi hỏi về duyên cớ nào khiến ông có duyên với nghề nuôi thỏ, đặc biệt là nuôi thỏ xuất khẩu, ông Phạm Văn Tĩnh, thôn 5, xã Thái Bình, huyện Yên Sơn cho biết “nuôi gà, nuôi lợn, nuôi bò hay nuôi chim bồ câu đã rất quen thuộc với bà con nông dân và cả gia đình nhà tôi, nhưng cũng nhiều rủi ro vì dịch bệnh và đầu ra không ổn định. Qua nghiên cứu sách báo và tham quan mô hình nuôi thỏ ở trang trại của ông Vũ Quang Huy được người dân đặt cho biệt danh là “Vua thỏ” ở xã Lương Thị, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái, tôi nhận thấy việc nuôi con thỏ chi phí đầu tư thấp, ít dịch bệnh, đầu ra thuận lợi và giá trị kinh tế cao nên gia đình tôi quyết định chuyển đổi sang chăn nuôi thỏ”. 

Nghĩ là làm, về nhà ông bàn với gia đình, quyết định đầu tư xây dựng chuồng trại chăn nuôi thỏ; dành thời gian đến nghiên cứu, học tập từ việc xây dựng chuồng trại, cách chăm sóc, phòng chống dịch bệnh từ trang trại của ông Vũ Quang Huy ở Yên Bái.

Tháng 8/2018, ông Tĩnh cùng gia đình bắt tay vào xây dựng chuồng trại, thiết kế lại chuồng nuôi cho hợp lý hơn để giảm nhân công, thuận tiện trong việc vệ sinh chuồng nuôi hằng ngày. Đồng thời ông Tĩnh tìm hiểu và tiến hành mua 120 con Thỏ NewZealand để làm giống, trong đó có 100 con Thỏ mẹ và 20 con Thỏ bố. 

Ông Phạm Văn Tĩnh cũng cho biết thêm “do kinh nghiệm và kiến thức về chăn nuôi, chăm sóc Thỏ còn hạn chế nên trong khoảng thời gian đầu gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là việc chăm sóc thỏ sinh sản lần đầu. Qua một năm nuôi thử, gia đình đã theo dõi sát sao để đúc rút kinh nghiệm cho mình. Hiện nay với quy mô lên tới gần một nghìn con, trong đó luôn duy trì hơn 100 con thỏ cái. Với 100 thỏ cái sinh sản, trung bình mỗi năm một thỏ mẹ đẻ 6 đến 8 lứa, mỗi lứa 6-8 con; sau 3 tháng nuôi, trọng lượng thỏ đạt 2,5-3kg/con là có thể xuất bán. Đầu ra thuận lợi, trang trại của ông Vũ Quang Huy đã ký hợp đồng với gia đình bao tiêu toàn bộ sản phẩm, với giá trung bình dao động 75.000 - 80.000 đồng/kg. Thỏ được chuyển về Nhà máy Công nghiệp sinh học Konishi ở Bắc Ninh để sản xuất vaccine chiết xuất từ thỏ. Nhà máy có công xuất tiêu thụ 5.000 con thỏ trắng New Zealand/ngày. Sau một năm, tổng doanh thu từ bán thỏ của gia đình được 200 triệu đồng, trừ các khoản chi phí mỗi tháng tăng thu nhập cho gia đình khoảng 8 triệu đồng”.


Ngôi nhà khang trang của gia đình ông Phạm Văn Tĩnh, thôn 5, xã Thái Bình

 Theo ông Tĩnh để thỏ sinh trưởng phát triển tốt người nuôi cần chú trọng phòng bệnh cho thỏ, tiêm vắc xin cho thỏ mẹ 6 tháng/lần, thỏ con từ 1,5 tháng tuổi sẽ tiêm một lần cho tới khi xuất bán. Ngoài ra, còn pha các loại vitamin vào nước hoặc thức ăn để thỏ ăn nhiều, nhanh lớn nhằm tăng sức đề kháng. Để thỏ luôn khỏe mạnh, chuồng trại phải thoáng mát về mùa hè, ấm về mùa đông. Các chuồng nuôi đặt cách xa mặt đất 50cm và có lắp hệ thống máng uống nước tự động. Đặc biệt lưu ý trong nuôi thỏ vấn đề về vệ sinh chuồng trại và thức ăn sạch là rất quan trọng, giúp thỏ tránh được nhiều bệnh như: Nấm, ghẻ, tiêu chảy.

Không chỉ bằng nghị lực, nhiệt huyết, dám nghĩ dám làm để vươn lên làm giàu cho bản thân và gia đình mình, ông Tĩnh còn luôn nhiệt tình hướng dẫn những người chăn nuôi có cùng sở thích phát triển kinh tế theo mô hình trang trại, gia trại này. Ông thực sự là tấm gương sáng trong phong trào lập nghiệp, dám nghĩ, dám làm, phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương./.

Phạm Đình Tuyên/VPĐP NTM tỉnh

Tin cùng chuyên mục