Lâm Bình kiên cố hóa kênh mương: Thúc đẩy nông nghiệp phát triển

Những năm qua, hệ thống kênh mương nội đồng trên địa bàn huyện Lâm Bình đã được đầu tư xây dựng, góp phần phục vụ đắc lực cho sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện.

Ông Trần Văn Chung, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết, trước đây, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện hoàn toàn phụ thuộc vào thiên nhiên do hệ thống thủy lợi chưa được quan tâm xây dựng. Nguyên nhân là do nguồn lực tài chính của địa phương đầu tư cho hệ thống thủy lợi còn eo hẹp, giai đoạn 2011 - 2015 trên địa bàn huyện chỉ kiên cố hóa được 40 km/95,8 km. Nhiều vùng sản xuất thuộc các xã Phúc Yên, Hồng Quang gặp khó khăn do không chủ động được nguồn nước tưới.

Thực hiện Nghị quyết số 03/2016/NQ-HĐND, ngày 13-7-2016, hệ thống kênh mương nội đồng phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Lâm Bình được đầu tư đồng bộ bằng cấu kiện bê tông đúc sẵn. Đến nay, toàn huyện đã đầu tư kiên cố được 84,5 km kênh mương nội đồng, trong đó, có 54,45 km được kiên cố hóa bằng cấu kiện đúc sẵn. Sau 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tỷ lệ kênh mương trên địa bàn huyện được kiên cố hóa đạt 88,2%. 


Một đoạn mương thôn Bản Tầng, xã Phúc Yên (Lâm Bình) được cứng hóa 
bằng cấu kiện bê tông đúc sẵn phục vụ sản xuất cho người dân.

Ông Chẩu Văn Toan, Chủ tịch UBND xã Khuôn Hà cho biết, nhờ có hệ thống kênh mương kiên cố được xây dựng, lắp đặt dẫn nước tưới cho các cánh đồng mà các hộ nông dân trên địa bàn xã đã chủ động được nước tưới, đảm bảo gieo cấy theo đúng khung thời vụ, đẩy mạnh thâm canh tăng năng suất, phục vụ mục tiêu phát triển nông nghiệp hàng hóa. Sản lượng lương thực từ năm 2017 đến nay đạt hơn 2.500 tấn, đảm bảo an ninh lương thực trên địa bàn.

Trên các cánh đồng của xã Lăng Can, bà con nông dân đang dọn tuyến mương nội đồng bằng cấu kiện bê tông đúc sẵn để dẫn nước tưới cho cây trồng vụ đông. Bà Quàng Thị Xuân, thôn Nà Mèn, xã Lăng Can phấn khởi bảo, hệ thống mương lắp đặt bằng bê tông đúc sẵn đã phát huy hiệu quả tốt. Cấu tạo lòng máng với bề mặt mương trơn nhẵn làm tăng lưu lượng dẫn nước, ít xảy ra hiện tượng rò rỉ, thất thoát nước và dễ nạo vét bùn đất bồi lắng lòng mương. Nhờ vậy, vụ đông năm nay bà không để đất nghỉ, với 700 m2 đất lúa 2 vụ bà đã trồng các loại rau màu vụ đông. Hiện bà thu được hơn 6 triệu đồng từ bán rau vụ đông, dự kiến hết vụ sẽ thu được hơn 10 triệu đồng. Còn bà Nguyễn Thị Huế, thôn Phai Tre A, xã Lăng Can cho biết, gia đình có 3.000 m2 đất trồng lúa, trước đây khi chưa có kênh mương dẫn nước, canh tác rất khó khăn, từ tháng 7-2018 đến nay có nguồn nước đảm bảo, cây lúa phát triển hơn. 

Huyện Lâm Bình hiện có 8/8 xã đạt tiêu chí về thủy lợi trong bộ tiêu chí nông thôn mới. Nhờ hệ thống thủy lợi đảm bảo tưới, tiêu nước phục vụ sản xuất, từ năm 2016 huyện đã quy hoạch vùng chuyên canh lúa chất lượng cao 637 ha và vùng chuyên canh cây ngô 150 ha ở các xã Lăng Can, Thượng Lâm, Khuôn Hà, Bình An; vùng chuyên canh cây lạc 256 ha tập trung nhiều tại các xã Thổ Bình; vùng trồng rau hơn 40 ha tại các xã Lăng Can, Khuôn Hà, Thượng Lâm… Đây là đòn bẩy cho sản xuất nông nghiệp hàng hóa của huyện, nhất là sản xuất vụ đông, nâng cao đời sống cho người dân.

Bài, ảnh: Hải Hương/Báo Tuyên Quang

Tin cùng chuyên mục