Kiên cố hóa kênh mương: Giải bài toán về thiếu nước sản xuất

Ngày 22-7-2016, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 232 phê duyệt Đề án kiên cố hóa kênh mương giai đoạn 2016-2025 trên địa bàn tỉnh. Sau hơn 3 năm triển khai, hệ thống kênh mương được xây dựng tại các địa phương đã giải quyết bài toán về thiếu nước tưới phục vụ sản xuất cho nông dân.


Đoàn viên, thanh niên xã Hùng Mỹ (Chiêm Hoá) hỗ trợ người dân thôn Cao Bình vận chuyển cấu kiện kênh mương.

Theo Chi cục Thủy lợi (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), chương trình kiên cố hóa kênh mương nội đồng đã được tỉnh thực hiện từ những năm 1999, với phương châm “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ”. Tại thời điểm đó, Chương trình kiên cố hóa kênh mương đề ra phù hợp với điều kiện của địa phương nên đã được nhân dân đồng tình hưởng ứng, do đó đã huy động được nhiều nguồn lực để kiên cố kênh mương, tạo ra hệ thống kênh mương phục vụ sản xuất nông nghiệp, góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa. Tuy nhiên từ năm 2008 đến năm 2012 chủ yếu thực hiện kiên cố hoá kênh mương lồng ghép trong các dự án đầu tư và hỗ trợ bằng vốn tín dụng ưu đãi. Từ năm 2013 đến năm 2015, việc thực hiện cứng hoá kênh mương theo Chương trình xây dựng nông thôn mới với phương châm “Nhà nước hỗ trợ, nhân dân đóng góp” tiếp tục được thực hiện theo Nghị quyết 20/NQ-HĐND, ngày 13-12-2012 của HĐND tỉnh.  

Tính đến hết năm 2015 trên địa bàn tỉnh có 63/129 xã chưa đạt chỉ tiêu tỷ lệ kênh mương được kiên cố hoá trong xây dựng nông thôn mới. Việc xây dựng mương kiên cố theo phương pháp truyền thống đã xuất hiện nhiều bất cập, do chất lượng vật liệu, kỹ thuật thi công nên kênh bị hư hỏng, xuống cấp nhanh, việc phát dọn, nạo vét tốn nhiều công sức, rồi bị rò rỉ, mất nước.  Qua nghiên cứu, áp dụng công nghệ mới xây dựng kênh mương bê-tông bằng cấu kiện đúc sẵn có độ chịu lực cao, mặt cắt kênh mương parabol thuận lợi về thủy lực, dẫn nước nhanh, bề mặt bê-tông nhẵn, nên dễ nạo vét. Chủ trương đúng đã tạo được sự đồng thuận của người dân, các tuyến kênh mương nội đồng được cứng hóa liên tục tăng. Trong đó, năm 2016, toàn tỉnh hoàn thành 48,463 km; năm 2017 hoàn thành 172,8 km; năm 2018 hoàn thành 275 km và năm 2019 các địa phương tiếp tục hoàn thành thêm 275 km. 


Xã Lăng Can (Lâm Bình) đã hoàn thành 36,4 km kênh mương nội đồng, đảm bảo tưới tiêu cho 462 ha lúa.

Tại huyện vùng cao Lâm Bình, gần như toàn bộ tính năng ưu việt của kênh mương bằng cấu kiện bê-tông đúc sẵn đã và đang phát huy hiệu quả. Với phương châm “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ”, thông qua chính sách hỗ trợ 100% cấu kiện bê-tông thành mỏng đúc sẵn, gối đỡ và chi phí vận chuyển, người dân đóng góp ngày công xây dựng, trong 3 năm từ năm 2016 đến năm 2018, huyện đã hoàn thành hơn 84,5 km kênh mương, đưa vào hoạt động, khắc phục tình trạng thiếu nước, người dân có điều kiện sản xuất, phát triển kinh tế. Nhờ những ưu điểm vượt trội như: Thi công đơn giản, nhanh gọn, điều chỉnh linh hoạt để phù hợp với mọi điều kiện địa hình, lại được Nhà nước hỗ trợ cấu kiện bê-tông đúc sẵn hỗ trợ vận chuyển đến chân công trình nên được người dân đồng thuận cao trong việc đóng góp ngày công để xây dựng. Theo số liệu thống kê của UBND xã  Lăng Can, từ 2016 đến năm 2018, xã đã hoàn thành 6,44 km kênh mương bằng cấu kiện bê tông đúc sẵn... Toàn xã Lăng Can hiện có 36,4 km kênh mương, trong đó 35 km đã được kiên cố hóa đảm bảo tưới tiêu cho 462 ha lúa trên địa bàn 12 thôn. 

Theo Ðề án kiên cố hóa kênh mương giai đoạn 2016-2020, tỉnh phấn đấu hoàn thành 780 km kênh mương (đạt tỷ lệ hơn 70%), bảo đảm chủ động nguồn nước phục vụ cho hơn 38 nghìn ha lúa, rau màu, nuôi trồng thủy sản và tạo nguồn nước để áp dụng công nghệ tưới tiên tiến cho khoảng 1.000 ha cây trồng cạn tập trung như cam, chè, mía; giai đoạn 2021 đến 2025 sẽ tiếp tục kiên cố 734 km kênh mương (đạt tỷ lệ hơn 90%). 

Người dân thôn Đồng Cọ, xã Nhân Mục, Hàm Yên lắp đặt kênh mương.

Chỉ tính riêng giai đoạn từ năm 2010 đến giữa năm 2019, các địa phương trong tỉnh đã kiên cố hóa trên 800 km kênh mương, trong đó đã thi công lắp đặt đưa vào sử dụng 620 km kênh mương bằng cấu kiện đúc sẵn; nâng tỷ lệ kênh kiên cố hoá trên 70%, đảm bảo tỷ lệ tưới cho lúa hàng năm đạt trên 80% tổng diện tích gieo cấy. Toàn tỉnh hiện đã có 128 xã đạt tiêu chí Thủy lợi trong Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới. Ðây là đòn bẩy cho sản xuất nông nghiệp, phục vụ việc phát triển sản xuất hàng hóa của tỉnh, nhất là sản xuất vụ đông, tận dụng được nguồn nước, nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp.

Bài, ảnh: Trần Liên/Báo Tuyên Quang

Tin cùng chuyên mục