Chung tay xây dựng nông thôn mới ở thôn Ka Nò

Thời gian qua, cấp ủy chính quyền và nhân dân thôn Ka Nò, xã Khuôn Hà, huyện Lâm Bình đã thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ trong việc tham gia xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Thông qua Chương trình đã góp phần nâng cao thu nhập và giảm nghèo bền vững, tạo một diện mạo mới cho thôn Ka Nò.

Diện mạo đổi thay của thôn Ka Nò, xã Khuôn Hà, huyện Lâm Bình

Thôn Ka Nò nằm cách trung tâm xã Khuôn Hà, huyện Lâm Bình 3 km, thôn có 126 hộ, với 573 nhân khẩu, dân tộc thiểu số chiếm 98%, nghề nghiệp chính của người dân trong thôn là sản xuất nông nghiệp. Bước đầu triển khai thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới thôn gặp rất nhiều khó khăn, cơ sở hạ tầng trong thôn còn chưa được đầu tư xây dựng, tỷ lệ cứng hóa đường trục thôn, ngõ xóm, đường nội đồng mới đạt khoảng 30%, chưa đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và sản xuất, công trình thủy lợi đầu mối được đầu tư nhưng hệ thống kênh dẫn nước tưới phục vụ sản xuất chưa hoàn thiện, thôn chưa có nhà văn hóa phục vụ hội họp, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao, thu nhập thấp.

Xác định việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, đặc biệt là cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất là nền tảng quan trọng để thúc đẩy kinh tế của địa phương phát triển, từ đó nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Trong những năm qua, dưới sự chỉ đạo, hướng dẫn của cấp ủy chính quyền xã Khuôn Hà, thôn Ka Nò đã tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ của Nhà nước trong xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là việc thực hiện chính sách hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng theo Nghị quyết số 03/2016/NQ-HĐND ngày 27/6/2016 của Hội đồng nhân dân tỉnh với phương châm “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ”: như kiên cố hóa kênh mương, bê tông hóa đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng, xây dựng nhà văn hóa thôn gắn với sân thể thao và khuôn viên.


Nhân dân thôn Ka Nò chung tay, góp sức để xây dựng nhà văn hóa thôn

Với phương châm “dễ làm trước, khó làm sau”, Ban phát triển thôn đã xuống từng hộ dân để “cầm tay chỉ việc”, hướng dẫn người dân làm tường rào, chỉnh trang nhà cửa. Thực hiện các tiêu chí về xây dựng cơ sở hạ tầng, cùng với nguồn xi măng, ống cống, cấu kiện kênh bê tông đúc sẵn, cấu kiện nhà văn hóa được Nhà nước hỗ trợ, thôn đã vận động người dân hiến đất, đóng góp ngày công, vật liệu và kinh phí.

Để tạo được sự đồng thuận, hưởng ứng tham gia của người dân, thôn xác định phải thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động, nêu cao vai trò gương mẫu, đi đầu của đội ngũ cán bộ, đảng viên trong thôn. Quá trình triển khai ở thôn cần được họp bàn thống nhất, công khai, dân chủ bắt đầu từ việc đề xuất đầu điểm xây dựng công trình đến phương án xây dựng, đóng góp nguồn lực thực hiện. Qua đó, người dân hiểu được mục đích, ý nghĩa, vai trò, trách nhiệm, lợi ích của mình trong việc thực hiện và hưởng thụ thành quả từ Chương trình, từ đó người dân trong thôn tự nguyện, chủ động hiến đất, góp công lao động, tiền mặt, vật liệu... để xây dựng công trình.

Có thể thấy, do làm tốt công tác tuyên truyền vận động, trong những năm qua, thôn đã huy động nhân dân đóng góp trên 200 triệu đồng tiền mặt xây dựng nhà văn hóa thôn (bình quân mỗi hộ đóng góp trên 02 triệu đồng), huy động hơn 605 ngày công lao động để xây dựng 2.500 m đường giao thông nông thôn và giao thông nội đồng, lắp đặt 1.800 m kênh mương bằng cấu kiện bê tông thành mỏng đúc sẵn, vận động nhân dân hiến trên 2.760 m2 đất để xây dựng trường mầm non, xây dựng nhà văn hóa thôn.

Đến nay, diện mạo nông thôn mới của thôn đã có nhiều khởi sắc, các công trình được đầu tư đồng bộ, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và sản xuất, tỷ lệ bê tông hóa đường trục thôn đạt 93,5%, đường ngõ xóm đạt 77,3%, đường nội đồng đạt 100%, hệ thống công trình thủy lợi được đầu tư đồng bộ đáp ứng nhu cầu nước tưới phục vụ sản xuất, nhà văn hóa thôn được xây dựng khang trang tạo điều kiện thuận lợi cho người dân hội họp, giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng lên.

Đường giao thông trong thôn và đường nội đồng được bê tông  hóa tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất và sinh hoạt của người dân trong thôn

Trao đổi với ông Vi Văn Tiến, Trưởng thôn Ka Nò cho biết: Xác định rõ nhiệm vụ của cấp ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể nhân dân và cộng đồng dân cư khi tham gia chương trình. Lấy người dân là chủ thể xây dựng nông thôn mới, thống nhất quan điểm xuyên suốt: Xây dựng nông thôn mới là Chương trình của dân, do dân và vì dân, do đó nhân dân làm là chính. Cấp ủy Đảng, chính quyền đóng vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện. Xây dựng nông thôn mới phải được tiến hành công khai, dân chủ, có sự bàn bạc thống nhất của nhân dân, do nhân dân trực tiếp làm và giám sát, diện mạo của thôn Ka Nò đã “thay da đổi thịt”. Điều quan trọng trong việc triển khai Chương trình xây dựng nông thôn chúng tôi chú trọng phát huy vai trò của cộng đồng dân cư. Cộng đồng dân cư tự bàn bạc, thống nhất lựa chọn các công trình, nội dung thực hiện thiết thực, phục vụ trực tiếp cho đời sống sinh hoạt và sản xuất của người dân, cùng với đó chính quyền thôn tập trung tuyên truyền vận động người dân chú trọng phát triển sản xuất, thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” góp phần thay đổi đời sống vật chất, tinh thần của người dân trong thôn.

Những nỗ lực trên cũng đã bước đầu đem lại kết quả và nhận được sự đồng thuận của đông đảo nhân dân. Đây cũng là lý do lý giải vì sao dù còn nhiều khó khăn nhưng đến thời điểm này thô Ka Nò vẫn là địa phương đi đầu trong các thôn của xã Khuôn Hà việc xây dựng thôn nông thôn mới. Trong thời gian tới, hưởng ứng Phong trào thi đua “Tuyên Quang chung sức xây dựng nông thôn mới”, người dân thôn Ka Nò tiếp tục chung tay, chung sức duy trì các tiêu chí đã đạt chuẩn của thôn và triển khai thực hiện thôn nông thôn mới kiểu mẫu để nông thôn mới của thôn Ka Nò nói riêng và xã Khuôn Hà nói chung “có điểm đầu, không có điểm kết thúc”./.

Nguyễn Thị Thu Hương/VPĐP NTM tỉnh

Tin cùng chuyên mục