Thành phố Tuyên Quang đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp hàng hóa gắn với xây dựng nông thôn mới

Chương trình phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa gắn với xây dựng nông thôn mới được thành phố Tuyên Quang triển khai mạnh trong thời gian qua. Một số sản phẩm đã xây dựng được thương hiệu, tạo thành sản phẩm được khách hàng trong và ngoài tỉnh biết đến.

Đ/c Bí thư thứ nhất BCH Trung ương Đoàn Lê Quốc Phong, thăm mô hình Chanh 4 mùa của anh Khổng Văn Nam tại xã Đội Cấn, thành phố Tuyên Quang

Ban Thường vụ Thành ủy đã xây dựng và triển khai Kế hoạch số 24-KH/TU ngày 15/10/2016 về phát triển nông nghiệp hàng hóa giai đoạn 2016 -2 025 với nhiều giải pháp đồng bộ. Mục tiêu tổng quát đến năm 2020 là giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt trên 800 tỷ đồng, tăng bình quân trên 5%/năm; tổng giá trị nông sản hàng hóa chủ lực trên 60% tổng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản; giá trị sản xuất bình quân/ha canh tác gấp 1,7 lần so với năm 2015. Trong giai đoạn 2020 - 2025: Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt trên 1.000 tỷ đồng, tăng bình quân trên 4%/năm; tổng giá trị nông sản hàng hóa chủ lực trên 70% tổng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản; giá trị sản xuất bình quân/ha canh tác gấp 1,6 lần so với năm 2020.

Sau hơn hai năm triển khai thực hiện bộ mặt nông thôn bước đầu có nhiều chuyển biến. Một số vùng chuyên canh đã bắt đầu hình thành, phương thức sản xuất hàng hóa đã không còn xa lạ, người nông dân cũng tiếp cận với việc tổ chức  sản xuất theo chuỗi giá trị và đẩy mạnh liên kết. Giá trị sản xuất ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản năm 2018 đạt 362,47 tỷ đồng, trong đó nông nghiệp đạt 264.287 tỷ đồng (tăng 1,3% so với năm 2015). Giá trị sản xuất bình quân trên 1 ha canh tác đạt 66,2 triệu đồng/ha (tăng 2,8 triệu đồng so với năm 2015).

Thành phố đã tập trung chuyển đổi cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng, sản xuất tạo thành hàng hóa, phát triển nông nghiệp sạch, sinh thái gắn với đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới. Một số vùng sản xuất hàng hóa tập trung, vùng chuyên canh đã được hình thành trên địa bàn như: Vùng sản xuất rau an toàn 36,7 ha tại các phường Hưng Thành, Ỷ La, xã Đội Cấn, Lưỡng Vượng, Thái Long; vùng trồng cây ăn quả 167 ha, tại xã Tràng Đà 25 ha, xã An Khang 28 ha, xã Lưỡng Vượng 21 ha, xã Thái Long 40 ha, xã Đội Cấn 20 ha, phường Nông Tiến 33 ha. Trồng hoa, cây cảnh 25,7; trong đó phường Nông Tiến 23,9, phường Tân Hà 1,2 ha, phường Ỷ La 0,6 ha. Vùng sản xuất lúa chất lượng cao 195,7/240 ha, đạt 81,5% kế hoạch; trong đó phường Hưng Thành 59,4 ha, phường Ỷ La 25 ha; phường Tân Hà 35 ha; xã An Tường 24,3 ha; xã Lưỡng Vượng 7 ha; xã An Khang 25 ha. Sản xuất lúa giống tại thôn Yên Đình, xã An Tường diện tích 50 ha. Đàn ong hiện có 1.945 đàn tại xã An Khang, Hưng Thành, Lưỡng Vượng.....

Việc chăn nuôi cũng có sự chuyển dịch rõ nét, từ tự cung tự cấp tại các hộ gia đình, đến nay một số hộ đã chuyển sang mô hình chăn nuôi tập trung xa khu dân cư theo hướng công nghiệp. Có 7 hộ chăn nuôi gia cầm tại các xã An Khang, Thái Long, Lưỡng Vượng, Đội Cấn với quy mô trên 1.000 con;  nhiều mô hình có doanh thu trên 500 triệu đồng/năm như mô hình chăn nuôi gia cầm (gà, vịt) xã Lưỡng Vượng; Chăn nuôi lợn an toàn quy mô đàn từ 50 con trở lên tập trung tại các xã: Tràng Đà, An Tường, An Khang, Thái Long, …

Bên cạnh việc phát triển, thành phố chú trọng đến đầu ra cho từng sản phẩm. Một số hợp đồng bao tiêu sản phẩm đã được ký kết tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân yên tâm sản xuất, không lo đầu ra của sản phẩm, tạo thành chuỗi giá trị. Tiêu biểu như Công ty TNHH Thương mại tỉnh Vĩnh Phúc đã ký bao tiêu ớt xuất khẩu tại xã Đội Cấn với diện tích 2 ha; Công ty TNHH Hạ Hiệp, Hà Nội ký kết bao tiêu sản phẩm Măng Tây tại phường Ỷ La với diện tích 1 ha.


Mô hình trồng cây Cam Vinh tại tổ 19, phường Nông Tiến mang lại hiệu quả kinh tế cao

Thực hiện chuyển đổi mô hình Hợp tác xã kiểu mới theo Luật Hợp tác xã năm 2012, đến nay có 11 Hợp tác xã dịch vụ nông lâm nghiệp và 7 Hợp tác xã phi nông nghiệp hoàn thành chuyển đổi theo Luật HTX năm 2012. Sau khi chuyển đổi các HTX đã đi vào hoạt động theo cơ chế mới và từng bước thể hiện vai trò của mình trong điều hành sản xuất và  thực hiện  các khâu dịch vụ phục vụ sản xuất như: Làm đất, cung ứng giống vật tư, thủy lợi...

Thành lập mới 02 hợp tác xã là Hợp tác xã cây ăn quả Quang Vinh xã Thái Long và Hợp tác xã rau quả xã Đội Cấn. Cấp mới 2 giấy chứng nhận kinh tế trang trại: 1 trang trại trồng trọt của hộ Ông Trần Trọng Thức tại thôn 3, xã Đội Cấn và 1 trang trại chăn nuôi của Bà Long Thị Hằng tại thôn 1, xã Đội Cấn.


Mật ong Phong thổ, một trong những sản phẩm của Thành phố Tuyên Quang 
đã khẳng định được chỗ đứng vững chắc trên thị trường

Trong thời gian tới, thành phố sẽ chú trọng hoàn thiện hệ thống hạ tầng phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp như kênh mương, đường giao thông nội đồng, hệ thống điện..... Đồng thời, đẩy mạnh chương trình cơ giới hóa trong nông nghiệp nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Đặc biệt, chỉ đạo các xã tích cực vận động nhân dân dồn điền đổi thửa, hình thành các vùng sản xuất lớn, tập trung theo hướng hàng hóa và khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển công nghiệp chế biến, tiêu thụ nông sản cho nông dân.

Tập trung chỉ đạo phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thuỷ sản gắn với nhu cầu thị trường và phát huy lợi thế của từng vùng. Rà soát toàn bộ diện tích đất nông, lâm nghiệp, diện tích mặt nước; xây dựng quy hoạch phân vùng sản xuất nông nghiệp để định hướng phát triển theo hướng sử dụng tiết kiệm, hiệu quả.

Chú trọng đổi mới và nâng cao hiệu quả các hình thức tổ chức sản xuất; rà soát, tuyên truyền và khuyến khích thành lập mới hợp tác xã, các tổ đội sản xuất trong các lĩnh vực thủy sản, trồng trọt, chăn nuôi. Thay đổi mô hình kinh tế hộ sang kinh tế tập thể với nòng cốt là các tổ hợp tác, HTX để liên kết với doanh nghiệp trong chuỗi giá trị; hình thành các doanh nghiệp vừa và nhỏ đầu tư phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, hoặc liên kết một số khâu trong chuỗi giá trị, nhất là khâu thu mua, bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm.

Đẩy mạnh xã hội hóa công tác ứng dụng chuyển giao khoa học công nghệ vào sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản để nâng cao giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích; huy động sự tham gia các thành phần kinh tế, đặc biệt là doanh nghiệp vào sản xuất nông nghiệp; xây dựng một số mô hình nông nghiệp công nghệ cao để rút kinh nghiệm và nhân rộng.

Đẩy mạnh các hình thức quảng cáo, hỗ trợ xúc tiến thương mại, xây dựng quảng bá và bảo vệ thương hiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp thành phố.

Với giải pháp cụ thể, bài bản, đặc biệt là phát triển sản phẩm nông nghiệp tạo thành hàng hóa và gắn với tiêu thụ, tạo thành chuỗi giá trị bền vững. Tin tưởng thời gian tới các sản phẩm nông nghiệp của thành phố sẽ có chỗ đứng vững chắc trên thị trường, từng bước nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần quan trọng vào củng cố và nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới./.

Giang Văn Tuấn/VPĐP NTM tỉnh

Tin cùng chuyên mục