Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và phát triển nông nghiệp hàng hóa - 04 năm một chặng đường

Để triển khai thực hiện một trong ba khâu đột phá là: “Phát triển nông, lâm nghiệp hàng hóa hiệu quả, bền vững, tập trung một số sản phẩm chủ lực” đề ra trong Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lần thứ XVI, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XVI) đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về phát triển nông nghiệp hàng hóa giai đoạn 2016-2025.

Sản phẩm cam của xã Minh Dân trưng bày tại hội thợ cam sành Hàm Yên

(Nguồn ảnh: Báo Tuyên Quang)

Với mục tiêu đến năm 2020 được xác định cụ thể tại Nghị quyết số 16-NQ/TU ngày 22/5/2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XVI): Nâng cao giá trị gia tăng, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống cho dân cư nông thôn; tạo nguồn lực để hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới; góp phần quan trọng đạt mục tiêu tăng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản giai đoạn 2016-2020 đạt bình quân trên 4%/năm; tổng giá trị sản xuất hàng hóa cây trồng, vật nuôi chủ lực chiếm 60% tổng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản; đưa giá trị sản xuất bình quân trên 1 ha canh tác đạt bình quân trên 100 triệu đồng/năm.

Kết quả sau 04 năm thực hiện: Sản xuất nông nghiệp của tỉnh tăng trưởng khá, giá trị sản xuất nông lâm nghiệp thủy sản bình quân giai đoạn 2015-2018 tăng 4,19%/năm; giá trị tăng thêm ngành nông lâm thủy sản bình quân tăng 4,26%/năm. Cơ cấu giá trị sản xuất chuyển dịch theo xu hướng tăng tỷ trọng giá trị ngành lâm nghiệp, giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp, thủy sản (năm 2018: Nông nghiệp chiếm 84,15%, giảm 0,71% so năm 2015; lâm nghiệp chiếm 12,86%, tăng 0,77% so năm 2015; thủy sản chiếm 2,99%, giảm 0,06%); trong nông nghiệp, trồng trọt chiếm tỷ trọng 61,09%, tăng 1,25% so với năm 2015, chăn nuôi chiếm 37,68%, giảm 1,05% so với năm 2015.

Các vùng sản xuất chuyên canh cây trồng, vật nuôi chủ lực phát triển mạnh và có sự chuyển biến theo xu hướng sản xuất an toàn, thực hành nông nghiệp tốt, gắn với nhu cầu thị trường: Vùng cam 7.557,5 ha (trong đó sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP là 311,7ha); vùng chè 8.556 ha (trong đó chè sản xuất theo tiêu chuan VietGAP và sản xuất nông nghiệp bền vững (SAN) là 775 ha); vùng lạc trên 4.300 ha (lạc giống trên 400 ha); vùng mía nguyên liệu trên 8.000 ha; năng suất các cây trồng chủ lực (chè, cam, mía, lạc) tăng bình quân hàng năm tư 1,98%-7%. Diện tích rừng trồng gỗ nguyên liệu hiện có 122.124 ha, trong đó diện tích rừng gỗ lớn trên 40.000 ha, rừng trồng sản xuất được cấp chứng chỉ FSC 20.927,7 ha. Tốc độ tăng đàn bò bình quân giai đoạn 2015-2018 là 18,13%/năm. Giá trị hàng hoá nông sản chủ lực của tỉnh năm 2018 chiếm 56,72% tổng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp thủy sản, tăng 4,12% so năm 2015; thu nhập và đời sống của người dân tiếp tục được nâng lên, góp phần quan trong đẩy nhanh tiến tr ình và chất lượng xây dưng nông thôn mơi (thu nhập bình quân người dân nông thôn năm 2018 đạt 2,36 triệu đồng/người/tháng, tăng 1,37 lần so năm 2015 và tăng 2,16 lần so năm 2013).

Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, nhất là công nghệ sản xuất giống, công nghệ bảo quản, chế biến sau thu hoạch: Trồng trên 1.600 ha rừng bằng cây keo sản xuất bằng phương pháp nuôi cấy mô; đã sản xuất 1,98 triệu cây lâm nghiệp bằng phương pháp nuôi cấy mô; sản xuất cá giống đặc sản, thụ tinh cho trâu sinh sản bằng phương pháp nhân tạo đã đẻ ra trên 300 con nghé; xây dựng trên 500 km kênh mương bằng công nghệ bê tông thành mỏng đúc sẵn; trồng 432 ha cam chu kỳ 2 bằng giống cam ghép sạch bệnh; ứng dụng phương pháp tiết kiệm nước cho cây trồng cạn được 53,96 ha.


Khu nuôi cá lồng trên hồ thủy điện Tuyên Quang (Nguồn ảnh: Báo Tuyên Quang)

Đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả các hình thức tổ chức sản xuất; so với năm 2015: Tăng 05 doanh nghiệp, 393 trang trại, 134 hợp tác xã nông lâm nghiệp, thủy sản được củng cố theo Luật HTX năm 2012; hình thành một số chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ hiệu quả (có 64 hợp tác xã có hợp đồng liên kết tiêu thụ). Có 42 nhãn hiệu nông sản hàng hóa, trong đó nhiều nông sản hàng hóa tiếp tục khẳng định thương hiệu và chiếm lĩnh thị trường trong nước và xuất khẩu; có 24 sản phẩm dán tem truy xuất nguồn gốc.

Làm tốt công tác mời gọi, xúc tiến đầu tư: Thu hút đầu tư 26 dự án phát triển sản xuất, chế biến nông lâm sản, với tổng số vốn cam kết trên 9.097 tỷ đồng, trong đó một số nhà đầu tư lớn, như: Công ty cổ phần tập đoàn DABACO Việt Nam, Công ty cổ phần Woodsland, Công ty TNHH Trường Thọ Việt Nam, Công ty cổ phần Hồ Toản, Tập đoàn TH.

Tổ chức thực hiện đồng bộ 11 chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp nông thôn và các thành phần kinh tế; cân đối gần 600 tỷ đồng từ nguồn ngân sách để hỗ trợ thực hiện các chính sách; lồng ghép thực hiện có hiệu quả các chương trình, chính sách hỗ trợ từ Trung ương cho nông nghiệp, nông thôn.

Để trong thời gian tới, thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp và phát triển nông nghiệp hàng hóa cần phải tập trung phát triển nông nghiệp hàng hóa các sản phẩm chủ lực để tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh Tuyến Quang gắn với Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, tạo sự ổn định và phát triển bền vững. Đồng thời tiếp tục duy trì và giữ vững những chỉ tiêu kế hoạch; tập trung tổ chức thực hiện các chỉ tiêu đạt thấp, đảm bảo đến năm 2020 đạt mục tiêu đề ra và phấn đấu giá trị sản xuất ngành nông, lâm nghiệp thủy sản tăng bình quân trên 4%/năm; tốc độ tăng giá trị tăng thêm ngành nông lâm thủy sản đạt trên 3%/năm; cơ cấu nông nghiệp chiếm trên 84%, lâm nghiệp chiếm trên 12% và thủy sản chiếm khoảng 3%; có trên 30% số xã đạt chuẩn nông thôn mới./.

Nguyễn Thị Thu Hương/VPĐP NTM tỉnh

Tin cùng chuyên mục