Nông thôn mới Tuyên Quang: Kết quả đạt được năm 2019

Năm 2019 là năm thứ 4 thực hiện kế hoạch giai đoạn 2016-2020, mặc dù còn nhiều những khó khăn nhưng với sự nỗ lực và quyết tâm cao của các cấp, các ngành, sự sáng tạo của các địa phương, Tuyên Quang đã đạt được nhiều những kết quả quan trọng trong tổ chức thực hiện Chương trình, đạt và vượt mục tiêu về số xã đạt chuẩn, về số tiêu chí bình quân/xã theo lộ trình hàng năm; đặc biệt là sự chủ động của người dân tham gia thực hiện các nội dung, nhiệm vụ về xây dựng nông thôn mới.
Ảnh:Diện mạo nông thôn xã Lăng Can, huyện Lâm Bình

Năm 2019, cùng chung với cả nước, tỉnh Tuyên Quang đã tổ chức tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Qua 10 năm thực hiện, những mục tiêu và nhiệm vụ đặt ra của Chương trình, Tỉnh đều đã hoàn thành theo đúng lộ trình đề ra hàng năm, quá trình thực hiện đã bám sát khả năng, cũng như điều kiện thực tế của tỉnh, của huyện và của xã. Theo kế hoạch năm 2019, tỉnh Tuyên Quang phấn đấu có thêm 06 xã (Hồng Thái – Na Hang; Tân Thịnh – Chiêm Hóa; Thái Bình và Kim Quan – Yên Sơn; Cấp Tiến và Vĩnh Lợi – Sơn Dương) đạt chuẩn nông thôn mới, quá trình thực hiện có thêm xã Xuân Quang, huyện Chiêm Hóa hoàn thành đạt chuẩn nông thôn mới, góp phần nâng tổng số xã đạt chuẩn lên 37 xã đến hết năm 2019 (vượt mục tiêu đề ra). Bên cạnh đó, cấp huyện, cấp xã và các ngành cũng đã tập trung quyết liệt trong việc chỉ đạo, điều hành để thực hiện hoàn thành mục tiêu nâng số tiêu chí bình quân từ 13 tiêu chí/xã năm 2018 lên 14 tiêu chí/xã năm 2019 (hoàn thành so với mục tiêu đề ra). Kết quả đó đã có tác động quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn, góp phần nâng cao chất lượng đời sống của người dân nông thôn cả về vật chất và tinh thần.

Kết quả thực hiện Chương trình năm 2019, tiếp tục khẳng định vai trò của người dân trong việc chủ động thực hiện các tiêu chí, chỉ tiêu nông thôn mới gắn với trách nhiệm của người dân (bê tông hóa đường giao thông nông thôn, kiên cố hóa kênh mương, xây dựng cơ sở vật chất văn hóa thôn, nâng tỷ lệ hộ sử dụng điện thường xuyên, an toàn; nâng tỷ lệ nhà ở đạt chuẩn, kinh tế và tổ chức sản xuất, văn hóa, tham gia bảo hiểm y tế, môi trường và an toàn thực phẩm, an ninh và quốc phòng,…). Cùng với đó, việc tập trung chỉ đạo huy động nguồn lực đầu tư từ các nguồn vốn, các chương trình dự án, các cơ chế chính sách, sự vào cuộc của các tổ chức tín dụng, sự hỗ trợ qua các tổ chức, doanh nghiệp và người dân để hỗ trợ đầu tư lồng ghép thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã góp phần hoàn thành mục tiêu đề ra.


Ảnh: Cây cầu dân sinh thôn Gà Luộc, xã Phúc Ninh (Yên Sơn) được đầu tư xây dựng, đáp ứng nhu cầu đi lại của bà con. 

Từ kết quả thực hiện cho thấy, tỉnh Tuyên Quang đã tập trung chỉ đạo tổ chức thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để đạt những kết quả quan trọng trong thực hiện kế hoạch năm 2019, như: (1) Giao kế hoạch cụ thể trong thực hiện 03 Đề án: xây dựng kênh mương nội đồng, bê tông hóa đường giao thông nội đồng, xây dựng nhà văn hóa thôn, bản gắn với sân thể thao và khuôn viên; (2) Hỗ trợ xây dựng đường trục thôn, xóm, chợ nông thôn, nghĩa trang nhân dân theo phương châm “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ” đối với xã được giao kế hoạch thực hiện; (3) Huy động nguồn vốn Quỹ Vì người nghèo tỉnh, huyện và nguồn vốn hợp pháp khác để hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo thực hiện xóa nhà tạm, dột nát; (4) Tạo điều kiện để người dân tiếp cận các nguồn vốn hỗ trợ theo chính sách chung của tỉnh về: Hỗ trợ phát triển các thành phần kinh tế (doanh nghiệp, chủ trang trại, hợp tác xã), hỗ trợ phát triển sản xuất các cây trồng chủ lực (cây cam, chè, mía đường, lạc, gỗ nguyên liệu), vật nuôi chủ lực (con trâu, con cá đặc sản),... để thúc đẩy phát triển nông nghiệp hàng hóa gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; (5) Tạo điều kiện để người dân tiếp cận nguồn vốn tín dụng và huy động nguồn lực từ hộ gia đình để phát triển kinh tế, tổ chức thực hiện chính sách hỗ trợ xây dựng hầm bể biogas gắn với phát triển chăn nuôi và công trình vệ sinh (nhà tiêu, chuồng trại chăn nuôi); (6) Kế hoạch thực hiện Chương trình xác định rõ cơ cấu nguồn vốn (từ các nguồn vốn, từ các cơ chế chính sách, từ các chương trình dự án,…), nội dung xây dựng nông thôn mới cần có sự tham gia thực hiện của doanh nghiệp, cũng như nguồn vốn tài trợ, hỗ trợ từ các tổ chức, cá nhân và cộng đồng xã hội.

Đạt và vượt so với kế hoạch năm 2019, tiếp tục thể hiện rõ nét vai trò, trách nhiệm của các cấp, các ngành trong thực hiện Chương trình ngày càng được phát huy cao độ. Người dân nhận thức rõ, sâu sắc về vai trò chủ thể của mình trong xây dựng nông thôn mới, đã chủ động thực hiện những công việc thuộc trách nhiệm của mình.

Kế thừa những thành tựu đạt được sau gần 10 năm thực hiện Chương trình, đặc biệt là sự nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp, người dân và cộng đồng xã hội trong thực hiện kế hoạch năm 2019, chính là nền tảng để tạo bước đột phá trong thực hiện hoàn thànhvượt mục tiêu kế hoạch của cả giai đoạn: Năm 2020, Tuyên Quang xác định mục tiêu phấn đấu có thêm 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đưa tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới lên 47 xã (duy trì, giữ vững 37 xã đã đạt chuẩn đến hết năm 2019);  nâng số tiêu chí bình quân đạt 15 tiêu chí/xã; Có 03 xã (Mỹ Bằng và Thái Bình, huyện Yên Sơn và Tràng Đà, thành phố Tuyên Quang) đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao; có ít nhất 14 thôn (02 thôn/huyện, thành phố) được công nhận “Thôn nông thôn mới kiểu mẫu”; ít nhất 21 vườn hộ gia đình (03 vườn/huyện, thành phố) được công nhận “Vườn mẫu nông thôn mới”. Để hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra, dòi hỏi sự nỗ lực, quyết tâm rất lớn từ hệ thống chính trị các cấp và sự chủ động vào cuộc của người dân, cộng đồng xã hội. Thực tế trên đặt ra cho các cấp, các ngành của tỉnh Tuyên Quang cần phải tập trung chỉ đạo và tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ:

Thứ nhất là về công tác chỉ đạo, điều hành: Bên cạnh việc giao nhiệm vụ cụ thể cho từng tập thể, cá nhân thì cần thiết phải gắn trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong thực hiện mục tiêu, kế hoạch giai đoạn.

Thứ hai là về công tác thông tin, tuyên truyền: Đổi mới nội dung và đa dạng các hình thức thông tin, tuyên truyền là hết sức cần thiết; tuy nhiên, người trực tiếp tuyên truyền, vận động phải là người hiểu rõ về nội dung cần tuyên truyền, vận động, đặc biệt đối với cơ sở xã, thôn.

Bên cạnh đó, Tỉnh đã ban hành Bộ tiêu chí thôn nông thôn mới kiểu mẫu (theo Quyết định số 72/QĐ-UBND ngày 11/3/2019 của UBND tỉnh) và vườn mẫu nông thôn mới (theo Quyết định số 73/QĐ-UBND ngày 11/3/2019 của UBND tỉnh). Việc xây dựng thôn, vườn theo 02 Bộ tiêu chí là cơ sở quan trọng để tạo phong trào xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu và chất lượng, thành công trong thực hiện 02 Bộ tiêu chí là minh chứng cụ thể “nhất“ để người dân nhận thức đầy đủ và chủ động, tích cực hơn trong tham gia thực hiện Chương trình.

Thứ ba là đối với các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới: Việc xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch củng cố, duy trì, giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí cần bám sát Bộ tiêu xã nông thôn mới nâng cao theo Quyết định số 269/QĐ-UBND ngày 03/10/2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh. Trong đó cần đặc biệt chú ý:

- Về tiêu chí (Thu nhập, Hộ nghèo, Hình thức tổ chức sản xuất, Văn hóa): Là những tiêu chí thuộc trách nhiệm của người dân, đòi hỏi sự chủ động hơn nữa của cấp xã trong công tác thông tin, tuyên truyền; cũng như sự hướng dẫn, hỗ trợ trực tiếp của các  cấp, các ngành nhằm củng cố hoàn thành tiêu chí. 

- Về tiêu chí liên quan đến cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội cần có kế hoạch cụ thể trong việc củng cố, nâng cao chất lượng tiêu chí: Các ngành liên quan cần chủ động trong việc cân đối nguồn vốn thuộc lĩnh vực ngành quản lý để hỗ trợ các xã thực hiện; cấp huyện cần chủ động trong việc cân đối nguồn vốn từ các chương trình, dự án để hỗ trợ các xã củng cố hoàn thành tiêu chí; với những xã còn nguồn vốn từ Chương trình nông thôn mới theo định mức đầu tư công trung hạn thì thực hiện đề xuất kế hoạch vốn năm 2020 để hỗ trợ đầu tư đối với tiêu chí cần củng cố hoàn thành.

Thứ tư là về mục tiêu xã đạt chuẩn (theo kế hoạch năm 2020 toàn tỉnh có thêm 10 xã đạt chuẩn, nâng tổng số xã đạt chuẩn chiếm trên 36,4%): Về chỉ tiêu này, cần có kế hoạch vốn và nhiệm vụ giải pháp cụ thể nhằm đảm bảo hoàn thành 19/19 tiêu chí, đạt chuẩn xã nông thôn mới.

Thứ năm là thực hiện đồng bộ các giải pháp để nâng số tiêu chí ở tất các xã để đạt bình quân 15 tiêu chí/xã đảm bảo theo đúng kế hoạch, lộ trình đề ra. Xây dựng kế hoạch chi tiết và giao chỉ tiêu cụ thể sát với điều kiện thực tế của các địa phương để chủ động thực hiện, trong đó chú trọng đến việc cân đối nguồn lực, lựa chọn nội dung thiết thực với người dân để thực hiện, tránh thất thoát, lãng phí nguồn vốn đầu tư. Chú trọng thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ phát triển sản xuất, ưu tiên hỗ trợ phát triển các sản phẩm chủ lực theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với tiêu thụ sản phẩm và thực hiện tốt Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” trong xây dựng nông thôn mới của Chính phủ.

Và thứ sáu là thường xuyên thực hiện công tác kiểm tra, giám sát; kịp thời có giải pháp xử lý những khó khăn vướng mắc, phát sinh trong quá trình thực hiện Chương trình.


Ảnh: Xã Mỹ Bằng tập trung phát triển sản phẩm chè gắn với Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm – OCOP”

Với những kết quả đã đạt được trong triển khai thực hiện Chương trình những năm qua, chúng ta tin tưởng rằng các cấp, các ngành tỉnh Tuyên Quang và người dân sẽ nỗ lực phấn đấu, tích cực chủ động vào cuộc để thực hiện hoàn thành mục tiêu, nội dung, nhiệm vụ kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Tuyên Quang năm 2020 nhằm hoàn thành vượt mục tiêu kế hoạch giai đoạn 2016-2020 đã đề ra.

Trần Gia Lam/VPĐP NTM tỉnh

Tin cùng chuyên mục